Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi có sự thay đổi về tài sản gắn liền với đất là thủ tục bắt buộc người sử dụng đất phải thực hiện khi có sự thay đổi về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký biến động phải tuân theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Bài viết sau đây của Luật Long Phan PMT sẽ thông tin đến quý bạn đọc một số vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục nêu trên.
Đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
Mục Lục
- 1 Khi thay đổi tài sản gắn liền với đất có buộc đăng ký biến động đất đai?
- 2 Thẩm quyền giải quyết đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
- 3 Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
- 4 Mức xử phạt không đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
- 5 Luật sư tư vấn về đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
Khi thay đổi tài sản gắn liền với đất có buộc đăng ký biến động đất đai?
Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, hay còn gọi là đăng ký biến động, là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, khi thay đổi tài sản gắn liền với đất thì sẽ buộc phải đăng ký biến động trong một số trường hợp luật định. Cụ thể, việc đăng ký biến động khi thay đổi tài sản gắn liền với đất được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
- Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất;
- Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
- Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
- Chuyển quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
- Chia tách quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
- Thay đổi quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo: Kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; Thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành;
Như vậy, khi thay đổi tài sản gắn liền với đất theo các trường hợp nêu trên thì chủ sở hữu tài sản sẽ buộc phải đăng ký biến động đất đai.
Thẩm quyền giải quyết đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
Đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất là một thủ tục hành chính về đất đai.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ), cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết đăng ký biến động đất đai là:
- Văn phòng đăng ký đất đai
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký, cụ thể:
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để giải quyết.
Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không: Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không là đầu mối nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao, khu kinh tế, cảng hàng không, sân bay dân dụng.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất sẽ thuộc về các chủ thể nêu trên.
Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
Hồ sơ cần chuẩn bị
Khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất, chủ sở hữu tài sản phải chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ đăng ký theo quy định.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BTNMT ngày 16/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm các văn bản, giấy tờ sau:
Đối với chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
- Hợp đồng, văn bản về việc chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định;
- Đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế (đối với trường hợp người thừa kế quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất);
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
Đối với trường hợp thực hiện thủ tục xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất:
- Văn bản thanh lý hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận;
Đối với trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp chuyển quyền hữu tài sản gắn liền với đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Hợp đồng hoặc văn bản về chuyển quyền đã lập theo quy định (nếu có)
- Giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có đủ chữ ký của bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền.
Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý nợ hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất; kê biên, đấu giá tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, của nhóm người sử dụng đất:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Một số loại giấy tờ liên quan đến nội dung biến động như: Biên bản hòa giải thành; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo quy định của pháp luật; văn bản có liên quan đến xử lý tài sản thế chấp; văn bản liên quan đến về xử lý tài sản góp vốn, bàn giao tài sản góp vốn; quyết định, bản án của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành có nội dung xác định người có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; văn bản thỏa thuận phân chia hoặc hợp nhất quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;…
Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động về tài sản gắn liền với đất do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được đổi tên; giảm diện tích do sạt lở tự nhiên thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thay đổi họ, tên;
- Văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ;
- Văn bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp cộng đồng dân cư đổi tên;
- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về tình trạng sạt lở tự nhiên đối với trường hợp giảm diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất do sạt lở tự nhiên;
- Chứng từ về việc nộp nghĩa vụ tài chính;
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên Giấy chứng nhận
Đối với trường hợp xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, số định danh cá nhân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc công nhận việc thay đổi thông tin pháp nhân đối với trường hợp thay đổi thông tin về pháp nhân của tổ chức đã ghi trên Giấy chứng nhận
Như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất, chủ sở hữu tài sản phải chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ đăng ký theo quy định như trên.
>>> Tải về: Mẫu đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất
Thủ tục thực hiện
Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất sẽ được thực hiện như sau:
Đối với thủ tục nộp hồ sơ trực tiếp :
Bước 1: Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền đã được nêu ở mục trên.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
- Trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Bước 3: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
- Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
- Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
- Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
- Thời hạn giải quyết là 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Bước 4: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Đối với thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia:
Bước 1: Người sử dụng đất tiến hành đăng ký tài khoản, đăng nhập trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG) và thực hiện:
- Tìm kiếm và lựa chọn nộp hồ sơ dịch vụ đăng ký biến động quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
- Nhập thông tin Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (Đơn đăng ký theo Mẫu 09) và kiểm tra thông tin công dân qua Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
- Đính kèm hồ sơ đăng ký biến động đất đai
- Chọn phương thức gửi bản gốc Giấy chứng nhận, bản chính các giấy tờ kèm theo và nhận kết quả thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp tại Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;
- Chọn xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Chọn gửi hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai (Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện) để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký, cán bộ thuộc Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông báo qua tài khoản trên Cổng DVCQG, hoặc hòm thư điện tử, hoặc tin nhắn SMS cho người sử dụng đất
- Đối với trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính gửi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai để giải quyết.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
- Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai truy cập vào Cổng Dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Cổng Dịch vụ công của tỉnh (Cổng DVC) thực hiện việc phân công xử lý thủ tục (Phòng/Ban/Cán bộ).
- Cán bộ được phân công giải quyết truy cập vào Cổng DVC kiểm tra, đối chiếu các thông tin trong hồ sơ đăng ký của người sử dụng đất với cơ sở dữ liệu đất đai hoặc hồ sơ lưu trữ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai trả kết quả thủ tục hành chính và thông báo cho người sử dụng đất. Cán bộ giải quyết cập nhật thông tin đăng ký của người sử dụng đất vào cơ sở dữ liệu đất đai/Hồ sơ địa chính.
- Văn phòng đăng ký đất đai ký số và truyền thông tin điện tử phục vụ xác định nghĩa vụ tài chính sang cơ quan thuế.
- Người sử dụng đất thực hiện thanh toán các khoản phí, lệ phí và các khoản giá, phí khác (nếu có) thông qua Cổng Dịch vụ công.
- Nộp bản gốc Giấy chứng nhận, bản chính các giấy tờ kèm theo trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Sau khi nhận được bản gốc Giấy chứng nhận, bản chính các giấy tờ kèm theo do người sử dụng đất nộp, cán bộ giải quyết kiểm tra việc thực hiện thanh toán các khoản phí, lệ phí và các khoản giá, phí khác (nếu có) thông qua Cổng Dịch vụ công.
- Nếu đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì cán bộ giải quyết chuẩn bị hồ sơ theo quy định và chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai trả kết quả đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Bước 4: Trả kết quả giải quyết hồ sơ
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính theo hình thức mà người sử dụng đất đã lựa chọn (qua đường dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp tại Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính).
Cơ sở pháp lý: Điều 84, Điều 85 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Công văn 7706/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 19/12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022.
Như vậy, việc đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất sẽ được thực hiện theo thủ tục như trên.
>>>Xem thêm: Thủ tục Đăng ký thay đổi tài sản gắn liền với đất vào sổ đỏ đã cấp
Trình tự đăng ký biến động đất đai
Mức xử phạt không đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
Khi thay đổi tài sản gắn liền với đất thuộc các trường hợp luật định nêu trên mà chủ sở hữu tài sản không thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi không đăng ký biến động đất đai, cụ thể như sau:
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính không đăng ký đất đai như sau:
Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và 1 khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.
Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định về xử phạt tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu tài sản còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ sở hữu tài sản không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Như vậy, tùy vào trường hợp đất của bạn tại khu vực nào nông thôn hay đô thị để xác định mức phạt chính xác và phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Luật sư tư vấn về đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất
Luật sư của Luật Long Phan PMT sẽ cung cấp dịch vụ đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất với các nội dung như sau:
- Tư vấn về các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất;
- Tư vấn về chuẩn bị hồ sơ, trình tự đăng ký biến động khi thay đổi tài sản gắn liền với đất;
- Tư vấn về các nghĩa vụ pháp lý khi thực hiện đăng ký biến động đất đai.
- Hỗ trợ soạn thảo đơn từ, văn bản có liên quan đến đăng ký biến động đất đai;
- Tư vấn thủ tục ủy quyền cho người khác thực hiện đăng ký biến động đất đai
- Đại diện khách hàng thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất với các cơ quan có thẩm quyền;
- Dự liệu các rủi ro phát sinh, tư vấn hướng giải quyết khi có tranh chấp trong quá trình thực hiện đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất;
- Thay mặt khách hàng thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo, khởi kiện khi phát hiện có chủ thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
>>> Xem thêm:
Tư vấn về đăng ký biến động đất đai
Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi có sự thay đổi về tài sản gắn liền với đất là thủ tục quan trọng với thành phần hồ sơ, thủ tục phức tạp. Nếu không nắm kĩ quy định liên quan thì sẽ có thể phát sinh nhiều rủi ro pháp lý. Nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ nhận ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai khi thay đổi tài sản gắn liền với đất của Luật Long Phan PMT, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua hotline 1900.63.63.87 để được Luật sư nhà đất của chúng tôi tư vấn và hỗ trợ thực hiện.
Bài viết liên quan đăng ký biến động đất có thể bạn quan tâm:
- Thủ tục đăng ký biến động đất đai do thay đổi số căn cước công dân
- Hướng dẫn thủ tục vừa tách thửa vừa sang tên sổ đỏ
- Thay Đổi Thông Tin Cá Nhân Có Phải Làm Lại Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Không?
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.