Tư vấn giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất

Giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị xâm phạm. Tuy nhiên, quy định pháp luật về thừa kế hiện nay khá phức tạp, người dân không nắm được quy trình, thủ tục thực hiện như thế nào. Phạm vi bài viết dưới đây của Công ty Luật Long Phan PMT xin được tư vấn về thủ tục giải quyết tranh chấp nêu trên.

tu van giai quyet tranh chap thua ke
Việc giải quyết tranh chấp thừa kế phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên

Thừa kế quyền sử dụng đất được pháp luật quy định thế nào?

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có thể để lại di sản của mình cho người khác thông qua di chúc hoặc theo pháp luật quy định.

Theo đó, có hai hình thức thừa kế tài sản là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Với mỗi hình thức thừa kế, pháp luật lại có những quy định cụ thể riêng biệt.

Thừa kế theo di chúc

Việc lập di chúc của người để lại di sản là quyền sử dụng đất mà người đó không minh mẫn, không sáng suốt, bị những người đồng thừa kế hoặc người khác đe dọa, cưỡng ép thì di chúc của họ không có hiệu lực quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.

Người lập di chúc có thể lập di chúc theo nhiều hình thức khác nhau như di chúc bằng văn bản, di chúc có người làm chứng, di chúc miệng, di chúc được công chứng, chứng thực.

Với mỗi hình thức lập di chúc khác nhau, pháp luật đều có quy định cụ thể cho từng hình thức và hình thức của di chúc phải đúng theo các quy định cụ thể này.

Hơn nữa, các hình thức của di chúc đều phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 630 BLDS 2015 thì mới được coi là di chúc hợp pháp, từ đó mới có cơ sở để xem xét hiệu lực của di chúc.

Thừa kế theo pháp luật

Hiện nay BLDS 2015 hiện hành quy định rằng nếu người để lại di sản không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, di chúc vô hiệu, di chúc bị rách nát hư hỏng mà không thể hiện được nội dung của di chúc  hoặc những người thừa kế được chỉ định trong di chúc từ chối nhận di sản thì di sản sẽ được chia theo pháp luật.

Việc hưởng thừa kế theo pháp luật này được chia theo hàng thừa kế, theo đó pháp luật quy định có ba hàng thừa kế, các hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu hàng thừa kế trước không có ai hoặc họ từ chối nhận di sản.

Như vậy, nếu di sản là quyền sử dụng đất không được để lại bằng di chúc, hoặc di chúc bị vô hiệu, hết hiệu lực theo quy định của pháp luật thì di sản là quyền sử dụng đất sẽ được chia theo pháp luật cho người thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật.

Điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất

huong dan giai quyet tranh chap thua ke quyen su dung dat
Tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất xảy ra khá phổ biến hiện nay

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là điểm đ khoản 1 Điều 179 Luật đất đai 2013 thì cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều kiện được thừa kế quyền sử dụng đất được quy định cụ thể như sau:

  • Khi có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (khoản 1 Điều 168, Điều 188).
  • Đất không có tranh chấp
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong thời hạn sử dụng đất

Cách thức phân chia thừa kế

Thừa kế theo di chúc

Những người thừa kế có quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo chỉ định trong di chúc sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài sản của người chết tương ứng với phần di sản được nhận.

Ngoài ra, để bảo vệ người thân của người để lại di sản, Điều 644 BLDS 2015 quy định rằng, những người sau đây vẫn được nhận phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia thừa kế theo pháp luật, trong trường hợp họ không được hưởng di sản theo di chúc hoặc chỉ được hưởng di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, những người được hưởng di sản theo di chúc có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Tranh chấp đất đai thừa kế không có di chúc hoặc di chúc vô hiệu, không có hiệu lực: trong trường hợp người để lại di sản là đất đai không lập di chúc hoặc di chúc vô hiệu, không có hiệu lực thì đất đai sẽ được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế.

Thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất: gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Cách giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

thu tuc giai quyet tranh chap thua ke quyen su dung dat

Thủ tục giải quyết tranh chấp

  1. Thực hiện hòa giải tại cấp xã nơi có đất. Trường hợp hòa giải không thành thì có quyền gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh theo quy định tại Điều 34, 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp.
  2. Khởi kiện tòa án có thẩm quyền

Thời hiệu khởi kiện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 633 Bộ luật dân sự 2015 thì đối với tranh chấp thừa kế đất đai có di chúc, những đồng thừa kế được hưởng di sản theo di chúc có quyền yêu cầu chia thừa kế trong thời hạn 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

Nội dung đơn khởi kiện

  • Thông tin người khởi kiện,
  • Thông tin người bị kiện
  • Nội dung khởi kiện
  • Nội dung yêu cầu
  • Gửi kèm đơn khởi kiện là Tài liệu chứng minh đất có tranh chấp.

Thủ tục khởi kiện ở tòa án

  1. Người khởi kiện phải làm đơn khởi kiện gửi đến tòa án.
  2. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục xem xét đơn và thụ lý vụ án.
  3. Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục để chuẩn bị xét xử như là thu thập chứng cứ, xác minh nguồn gốc đất, xác minh di chúc, nội dung di chúc, xác minh nhân thân người thừa kế theo pháp luật, tiến hành các thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ và đưa vụ án ra xét xử.

Trên đây là những hướng dẫn chung về thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Nếu bạn đọc có vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ của luật sư liên quan đến tư vấn hoặc thực hiện giải quyết tranh chấp pháp luật thừa kế, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT thông qua hotline 1900636387. Xin cảm ơn.