Con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không?

Trong một số trường hợp khi lập di chúc bắt buộc phải có người làm chứng, tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành người làm chứng. Như vậy, con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không?. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề về người làm chứng trong di chúc giúp người để lại di sản lập di chúc một cách hợp pháp và bảo vệ tối đa quyền của người thừa kế.

Con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không
Con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không

Quy định pháp luật về người làm chứng trong di chúc

Các trường hợp cần người làm chứng khi lập di chúc quy định tại Điều 630, 634 Bộ luật dân sự 2015:

  • Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ;
  • Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng;
  • Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy di chúc nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng.

Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau:

  • Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
  • Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc.
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Theo đó, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc trừ người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc và người chưa thành niên ( người dưới 18 tuổi ), mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

>>Xem thêm: Di chúc không có người làm chứng có hiệu lực pháp luật không?

Con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không?

Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy, con cái thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cha mẹ. Do vậy, căn cứ điều 632 Bộ luật dân sự 2015, con cái không thuộc đối tượng được làm chứng cho di chúc của cha mẹ. Việc con cái làm chứng cho di chúc của cha mẹ làm di chúc bị vi phạm về mặt hình thức dẫn đến di chúc vô hiệu toàn bộ.

Hệ quả pháp lý khi di chúc vô hiệu
Hệ quả pháp lý khi di chúc vô hiệu

>>Xem thêm: Khởi kiện di chúc cha mẹ để lại cho người dưng được không?

Hệ quả pháp lý khi di chúc bị vô hiệu

Các trường hợp di chúc vô hiệu toàn bộ

Căn cứ theo quy định tại Điều 630, Khoản 3 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015, di chúc vô hiệu hoàn toàn trong các trường hợp sau:

  • Người lập di chúc không đáp ứng được các điều kiện về mặt chủ thể lập di chúc: năng lực chủ thể chưa đầy đủ; người lập di chúc không tự nguyện, bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
  • Hình thức của di chúc không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật: Di chúc của người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được lập thành văn bản; di chúc của người bị hạn chế về thể chất của người không biết chữ không có người làm chứng hoặc không lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực; người lập di chúc không tự mình viết được có người làm chứng nhưng không tuân theo quy định tại Điều 631 và 632 của Bộ luật dân sự 2015; di chúc định đoạt di sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất không được công chứng chứng thực.
  • Nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
  • Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế
  • Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
  • Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế

Các trường hợp di chúc vô hiệu một phần

  • Nếu bản di chúc đáp ứng được hết các điều kiện để di chúc hợp pháp và chỉ có một phần nội dung của di chúc không hợp pháp thì chỉ phần di chúc không hợp pháp bị vô hiệu. (Theo khoản 4 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015.)
  • Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
  • Nếu tất cả di sản để lại cho người thừa kế chỉ có một phần di sản không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ nội dung phân chia phần di sản đó bị vô hiệu. Các phần di sản thừa kế còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật.

Khi di chúc bị vô hiệu một phần thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật còn các phần di chúc khác vẫn có hiệu lực pháp luật

Hậu quả pháp lý khi di chúc vô hiệu

Di chúc vô hiệu thì không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của di chúc.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Toà án là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố di chúc vô hiệu.

Khi Quyết định hoặc Bản án của Toà án tuyên bố di chúc vô hiệu một phần có hiệu lực pháp luật, phần nội dung di chúc không bị vô hiệu vẫn có hiệu lực thực hiện.

Nếu tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì toàn bộ tài sản thừa kế của người chết sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người được thừa kế của người để lại di sản thừa kế.

Phần di sản thừa kế liên quan đến phần di chúc vô hiệu sẽ được chia theo pháp luật.

Nếu trường hợp phần di sản đó vi phạm pháp luật, như chỉ định tổ chức phản động hưởng di sản hoặc di sản được để lại cho những người thừa kế sử dụng vào các mục đích trái pháp luật (sử dụng cho mục đích khủng bố, buôn lậu, chứa mại dâm, tổ chức đánh bạc…) thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu.

>>Xem thêm: Điều kiện để di chúc có hiệu lực

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến câu hỏi “Con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không?”. Quý bạn đọc còn bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc cần nhận được sự hỗ trợ từ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ , vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ tốt nhất. Xin chân thành cảm ơn. 

Scores: 4.46 (64 votes)

Tham vấn Luật sư: Nguyễn Trần Phương - Tác giả: Trần Hường

Trần Hường – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình và pháp luật lao động. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87