Chia thừa kế khi có người ở nước ngoài tạo ra nhiều phức tạp về thủ tục pháp lý do yếu tố nước ngoài trong quan hệ thừa kế. Người thừa kế ở nước ngoài phải tuân thủ quy định đặc thù của pháp luật Việt Nam khi thực hiện quyền nhận di sản. Các vấn đề về xác minh nhân thân, công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự đòi hỏi sự am hiểu sâu về quy trình pháp lý. Bài viết phân tích các quy định và thủ tục pháp lý cần thiết khi chia thừa kế có người thừa kế ở nước ngoài.

Quy định về chia thừa kế khi có người thụ hưởng ở nước ngoài
Căn cứ theo Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 thừa kế trong trường hợp có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết và việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản sẽ được xác định theo pháp luật nơi có bất động sản đó.
Do vậy trong trường hợp của người để lại di sản thừa kế có quốc tịch Việt Nam hoặc di sản là bất động sản tại Việt Nam thì việc chia thừa kế di sản để lại vẫn sẽ áp dụng theo Bộ luật Dân sự năm 2015.
Di chúc có được chỉ định để lại di sản cho người thụ hưởng ở nước ngoài
Việc chia thừa kế khi có người thụ hưởng ở nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch và các văn bản pháp luật liên quan. Pháp luật Việt Nam công nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế không phân biệt họ đang sinh sống tại Việt Nam hay nước ngoài. Việc xác định người nước ngoài sẽ được chia thừa kế tuân theo các quy định pháp luật về thừa kế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Căn cứ Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc như sau: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Bên cạnh đó tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của của người lập di chúc như sau:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Theo đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Đồng thời, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa di sản của mình. Vì vậy, dù người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài, pháp luật nước ta luôn công nhận, miễn là di chúc hợp pháp.
Các hình thức thừa kế
Pháp luật Việt Nam quy định hai hình thức thừa kế:
- Thừa kế theo di chúc: Người để lại di sản có quyền chỉ định người thừa kế thông qua di chúc. Di chúc phải tuân thủ đúng quy định về hình thức và nội dung theo pháp luật Việt Nam mới có giá trị pháp lý. Theo Điều 631 Bộ Luật Dân sự 2015 người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho người thừa kế, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
- Thừa kế theo pháp luật: Căn cứ Điều 649, Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thừa kế theo pháp luật áp dụng trong trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp hoặc những người thừa kế theo di chúc đều từ chối nhận thừa kế.
Khi có người thừa kế ở nước ngoài, việc xác định hình thức thừa kế và thực hiện thủ tục thừa kế càng phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết và tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật.
Người có quốc tịch nước ngoài có được hưởng thừa kế là đất ở Việt Nam không ?
Cần lưu ý riêng đối với quyền sử dụng đất thì hiện nay Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai 2024 trường hợp người nhận thừa kế là người có quốc tịch nước ngoài sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, quy định của pháp luật, người mang quốc tịch nước ngoài cũng được hưởng di sản thừa kế là bất động sản ở Việt Nam. Sự khác biệt giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài trong việc hưởng di sản thừa kế (là bất động sản) chỉ thể hiện ở việc đứng tên chủ sở hữu. Công dân Việt Nam được đứng tên chủ sở hữu bất động sản mà họ được thừa kế.
Còn người nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của khối tài sản được thừa kế chứ không được đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất
Các loại thừa kế và lưu ý
Thừa kế động sản
Đối với tiền mặt, tài khoản ngân hàng, đồ dùng cá nhân và các tài sản có thể di chuyển khác
Đối với việc chia thừa kế động sản khi có người ở nước ngoài, các thủ tục cần tuân thủ quy định đặc thù. Động sản bao gồm tiền mặt, tài khoản ngân hàng, đồ dùng cá nhân và các tài sản có thể di chuyển khác. Việc chuyển giao các tài sản này cho người thừa kế ở nước ngoài đòi hỏi các thủ tục pháp lý phức tạp hơn so với người thừa kế trong nước.
Người thừa kế ở nước ngoài cần chuẩn bị các giấy tờ sau để chứng minh tư cách thừa kế:
- Giấy tờ chứng minh nhân thân (hộ chiếu, thẻ thường trú, thẻ tạm trú)
- Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn)
- Giấy ủy quyền công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự (nếu ủy quyền cho người khác)
Thủ tục chuyển tiền cho người thụ hưởng ở nước ngoài
Đối với tiền mặt và tài sản có giá trị bằng tiền, việc chuyển cho người thừa kế ở nước ngoài phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối:
- Xác định rõ nguồn gốc tài sản thừa kế
- Thực hiện thủ tục tại ngân hàng có chức năng ngoại hối
- Cung cấp văn bản phân chia di sản thừa kế đã được công chứng
- Tuân thủ quy định về hạn mức chuyển tiền ra nước ngoài
Thừa kế các tài sản khác
Ngoài động sản và bất động sản, việc thừa kế các tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu trí tuệ cho người thừa kế ở nước ngoài cũng có quy định riêng. Mỗi loại tài sản có thủ tục chuyển nhượng khác nhau, đòi hỏi người thừa kế phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Thủ tục cụ thể cho từng loại tài sản
Cổ phiếu, trái phiếu:
- Cung cấp văn bản phân chia di sản thừa kế đã công chứng
- Nộp hồ sơ chuyển nhượng tại công ty chứng khoán hoặc tổ chức phát hành
- Tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài
Quyền sở hữu trí tuệ:
- Đăng ký thay đổi chủ sở hữu tại Cục Sở hữu trí tuệ
- Cung cấp văn bản phân chia di sản thừa kế đã công chứng
- Nộp phí đăng ký thay đổi thông tin
Tài khoản ngân hàng:
- Cung cấp giấy chứng tử và văn bản phân chia di sản thừa kế
- Tuân thủ quy định về xác minh khách hàng của ngân hàng
- Thực hiện thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài theo quy định quản lý ngoại hối
Thừa kế bất động sản
Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 đặt ra các điều kiện khắt khe đối với việc người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Người thừa kế ở nước ngoài cần hiểu rõ các quy định này để thực hiện quyền thừa kế hiệu quả.
Trong trường hợp không có tranh chấp và người thừa kế đang ở nước ngoài và không thể về Việt Nam để tiến hành lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản và tiến hành kê khai di sản thừa kế thì họ có thể lập hợp đồng ủy quyền để một người thân tại Việt Nam thay mặt họ thực hiện các thủ tục thừa kế.
Ngoài ra, tùy thuộc vào quốc gia nơi người thừa kế đang sinh sống, có thể cần thực hiện thêm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với hợp đồng ủy quyền để đảm bảo giấy tờ có giá trị pháp lý tại Việt Nam.
Lưu ý về trường hợp người nước ngoài không được sở hữu quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Trong trường hợp người thừa kế là người nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu đất đai tại Việt Nam, có các phương án xử lý sau:
- Chuyển nhượng quyền thừa kế bất động sản cho người Việt Nam và nhận lại giá trị bằng tiền
- Thỏa thuận với các đồng thừa kế khác để nhận tài sản khác có giá trị tương đương
- Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để tiếp nhận quyền sử dụng đất theo quy định

Thủ tục từng bước để chia thừa kế khi không tranh chấp
Khi chia thừa kế không phát sinh tranh chấp, người thừa kế ở nước ngoài có thể thực hiện các thủ tục dưới đây để nhận di sản. Thủ tục này được thực hiện theo trình tự nhất định, đảm bảo quyền lợi của tất cả người thừa kế và tuân thủ quy định pháp luật.
Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Để thực hiện thủ tục thừa kế, người thừa kế ở nước ngoài cần chuẩn bị các giấy tờ:
- Giấy chứng tử của người để lại di sản
- Di chúc (nếu có) hoặc các giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng
- Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế (hộ chiếu, thẻ căn cước)
- Giấy tờ chứng minh quan hệ với người đã khuất (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn)
- Giấy tờ liên quan đến tài sản thừa kế (sổ đỏ, sổ tiết kiệm, giấy tờ xe)
- Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền cho người khác thực hiện)
Các giấy tờ nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt công chứng.
Bước 2: Công chứng viên sẽ thẩm định hồ sơ.
Bước 3: Niêm yết thụ lý công chứng
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
Bước 4: Công chứng viên lập Văn bản khai nhận di sản thừa kế;
Bước 5: Công chứng viên sẽ thông báo cho các bên liên quan về việc đã hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Bước 6: Nộp lệ phí công chứng
Thủ tục từng bước để chia thừa kế khi có tranh chấp
Khi phát sinh tranh chấp về thừa kế, người thừa kế ở nước ngoài có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam. Việc giải quyết tranh chấp thừa kế sẽ tuân theo quy định pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Do có đương sự ở nước ngoài nên thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án Nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú,làm việc
Hồ sơ khởi kiện
Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ sau:
- Đơn khởi kiện (mẫu số 23 – DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017
- Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản
- Các giấy tờ chứng minh quan hệ với người được hưởng di sản nhưng chết trước hoặc sau với người để lại di sản thừa kế
- Giấy chứng tử của người để lại di sản
- Bản kê khai di sản
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản của người để lại di sản
- Giấy tờ liên quan đến việc quy hoạch
- Giấy tờ liên quan đến việc từ chối nhận di sản (nếu có)
- Các giấy tờ khác có liên quan.
- Lưu ý các giấy tờ nước ngoài thì cần được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định
Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án
Trình tự, thủ tục giải quyết
Khi tranh chấp xảy ra các đương sự nộp đơn khởi kiện đến Tòa án cấp có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự như sau:
Nộp đơn khởi kiện
Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng một trong các phương thức sau
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (nếu có).
Toà án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện
Thứ nhất, tiếp nhận đơn
- Nếu nộp trực tiếp, Tòa án cấp ngay giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện
- Nếu nộp theo đường dịch vụ bưu chính, Tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn
- Nếu nộp bằng phương thức gửi trực tuyến, Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (nếu có)
Thứ hai, xử lý đơn
Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thụ lý đơn khởi kiện
Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi xét thấy hồ sơ khởi kiện đầy đủ và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ ra thông báo cho người khởi kiện thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.
Theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.
Tòa án đưa vụ án ra xét xử
Sau thời gian chuẩn bị xét xử thì căn cứ vào diễn biến cụ thể của vụ án mà Thẩm phán ra các quyết định sau:
- Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đưa vụ án ra xét xử.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (Khoản 3 Điều 203 BLTTDS 2015).
Trường hợp có kháng cáo/kháng nghị thì xét xử phúc thẩm. Sau khi có bản án/quyết định có hiệu lực thì thừa kế theo nội dung của bản án/quyết định
Luật sư giải quyết chia thừa kế khi có người ở nước ngoài
Khi có người thừa kế ở nước ngoài, việc sử dụng dịch vụ luật sư chuyên nghiệp giúp đảm bảo quyền lợi và thực hiện đúng quy định pháp luật. Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ tư vấn và đại diện pháp lý cho những trường hợp chia thừa kế có yếu tố nước ngoài với các nhiệm vụ sau:
- Tư vấn pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài
- Đại diện người thừa kế ở nước ngoài thực hiện các thủ tục
- Hỗ trợ liên hệ với cơ quan chức năng tại Việt Nam
- Soạn thảo và công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế
- Thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản
- Đại diện trong quá trình giải quyết tranh chấp thừa kế
- Hỗ trợ thủ tục chuyển tiền, tài sản thừa kế ra nước ngoài
- Tư vấn về nghĩa vụ thuế liên quan đến thừa kế
- Cung cấp dịch vụ dịch thuật và hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ
- Tư vấn phương án xử lý đối với tài sản không được phép sở hữu
- Hỗ trợ thủ tục ủy quyền và xác minh ủy quyền từ nước ngoài

Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là giải đáp các thắc mắc thường gặp về giải quyết chia thừa kế khi có người ở nước ngoài:
Thời hiệu để người thừa kế ở nước ngoài yêu cầu chia di sản là bao lâu?
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Người thừa kế ở nước ngoài có phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi nhận di sản không?
Có, người thừa kế ở nước ngoài phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ nhận thừa kế, theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành.
Người thừa kế ở nước ngoài có thể ủy quyền cho người thân ở Việt Nam thực hiện toàn bộ thủ tục thừa kế không?
Có, người thừa kế ở nước ngoài có thể lập hợp đồng ủy quyền hợp pháp để ủy quyền cho người thân ở Việt Nam thực hiện các thủ tục thừa kế.
Giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp cần phải làm gì để được sử dụng tại Việt Nam?
Giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, sau đó dịch sang tiếng Việt và công chứng.
Trong trường hợp có tranh chấp thừa kế, người thừa kế ở nước ngoài có thể tham gia phiên tòa trực tuyến được không?
Tùy thuộc vào quy định của Tòa án và điều kiện kỹ thuật, người thừa kế ở nước ngoài có thể được phép tham gia phiên tòa trực tuyến.
Người nước ngoài nhận thừa kế tại việt nam, có nhận được vàng bạc, đá quý không?
Người nước ngoài cũng được nhận các động sản như vàng bạc đá quý, khi nhận thừa kế tại Việt Nam.
Làm sao để biết di chúc được lập ở nước ngoài có được công nhận tại việt nam không?
Di chúc được lập ở nước ngoài phải tuân thủ pháp luật của nước nơi lập di chúc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, cần hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt để có giá trị pháp lý tại Việt Nam.
Người thừa kế có được quyền từ chối nhận di sản không?
Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, tuy nhiên, việc từ chối phải được thực hiện trong thời hạn và theo hình thức quy định của pháp luật.
Người thừa kế không có giấy tờ chứng minh quan hệ, có được quyền thừa kế không?
Người thừa kế cần cung cấp đủ giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản. Nếu không có đủ giấy tờ, có thể yêu cầu Tòa án xác nhận quan hệ thừa kế.
Nếu người để lại di sản có nợ, thì người thừa kế có phải trả nợ không?
Người thừa kế có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản thừa kế. Nếu di sản không đủ để trả nợ, người thừa kế không phải lấy tài sản riêng để trả.
Trong trường hợp di chúc không phân chia rõ ràng tài sản, thì cách giải quyết là như thế nào?
Nếu di chúc không phân chia rõ ràng tài sản, các người thừa kế có thể thỏa thuận phân chia. Nếu không thỏa thuận được, có thể yêu cầu Tòa án phân chia theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người để lại di sản không có quốc tịch Việt Nam, nhưng có tài sản ở Việt Nam, thì pháp luật nào được áp dụng?
Trong trường hợp này, pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch sẽ được áp dụng cho việc chia thừa kế, trừ khi có quy định khác trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, nếu di sản là bất động sản ở Việt Nam, thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng đối với phần bất động sản đó.
Chi phí dịch vụ luật sư cho việc chia thừa kế có yếu tố nước ngoài thường là bao nhiêu?
Chi phí dịch vụ luật sư phụ thuộc vào độ phức tạp của vụ việc, thời gian và công sức luật sư bỏ ra. Bạn nên liên hệ trực tiếp với các văn phòng luật sư để được tư vấn và báo giá cụ thể.
Kết luận
Chia thừa kế khi có người ở nước ngoài đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về các quy định pháp luật đặc thù và thủ tục phức tạp. Người thừa kế ở nước ngoài cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ được hợp pháp hóa lãnh sự và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình pháp lý. Hãy liên hệ với Luật Long Phan PMT qua hotline 1900636387 để được tư vấn chi tiết về trường hợp cụ thể của Quý khách.
Tags: Chia thừa kế, Thừa kế có yếu tố nước ngoài, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, Tranh chấp thừa kế
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.