Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức hay còn gọi là Sổ đỏ đất là cơ sở để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân hoặc tổ chức có quyền sử dụng. Giấy chứng nhận này không chỉ là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc quản lý và khai thác tài sản đất đai mà còn là điều kiện tiên quyết để tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết từng bước trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, giúp các doanh nghiệp và cơ quan có thể thực hiện một cách dễ dàng và hiệu quả.
Mục Lục
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 thì: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ hợp pháp thực hiện các quyền của người sử dụng đất, là điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất và tài sản gắn liền với đất, là căn cứ để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Điều kiện để tổ chức được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Tổ chức muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng những điều kiện theo quy định tại Điều 102 Luật đất đai năm 2013:
- Tổ chức đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích đất sử dụng đúng mục đích.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tổ chức đang sử dụng đất phải sử dụng phần diện tích đó đúng mục đích sử dụng.
- Phần diện tích đất mà tổ chức đang sử dụng nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được giải quyết như sau:
Nhà nước thu hồi phần diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, cho mượn, cho thuê trái pháp luật, diện tích đất để bị lấn, bị chiếm;
Tổ chức phải bàn giao phần diện tích đã sử dụng làm đất ở cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để quản lý; trường hợp đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp doanh nghiệp nhà nước sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được Nhà nước giao đất mà doanh nghiệp đó cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng một phần quỹ đất làm đất ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì phải lập phương án bố trí lại diện tích đất ở thành khu dân cư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất phê duyệt trước khi bàn giao cho địa phương quản lý.
>> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trình tự thủ tục
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, tổ chức trong nước được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo trình tự sau:
- Tổ chức trong nước đang sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận phải tự rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
- Trên cơ sở báo cáo hiện trạng sử dụng đất của tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế sử dụng đất. Nếu diện tích đất của tổ chức đang sử dụng đúng mục đích thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hình thức sử dụng đất theo quy định của pháp luật và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Thành phần và số lượng hồ sơ
Theo Quyết định số 2555/QĐ-BTNMT năm 2017 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành; được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ đăng ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu gồm những thành phần cơ bản sau:
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK
- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (bản sao một trong các giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao hoặc bản chính): Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật; Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; Một trong các giấy tờ lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 có tên người sử dụng đất; Bản sao các giấy tờ lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 có tên người sử dụng đất hoặc Giấy xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng đối với trường hợp cộng đồng dân cư đang sử dụng đất.
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất – nếu có (bản sao đã có công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao hoặc bản chính đối với trường hợp có 2 bản chính).
>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp đất đai giữa cá nhân, hộ gia đình với tổ chức
Các loại phí và lệ phí
Phí xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Người xin cấp Giấy chứng nhận phải nộp các khoản phí, lệ phí sau:
- Lệ phí trước bạ: Theo Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP, lệ phí trước bạ khi được Giấy chứng nhận tính theo công thức: Lệ phí trước bạ = 0.5% x (Giá 1m2 đất tại Bảng giá đất x Diện tích)
Giá 1m2 đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quyết định nên mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau (căn cứ khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC); khoảng 100.000 đồng/giấy/lần cấp.
- Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận: Theo Điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC, Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Phí này do HĐND cấp tỉnh quy định.
- Tiền sử dụng đất: Theo Khoản 21, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức không chỉ giúp hợp thức hóa quyền sở hữu và sử dụng đất mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động của tổ chức trong tương lai. Việc nắm vững quy trình và các yêu cầu liên quan là rất cần thiết để tổ chức có thể thực hiện đúng các quy định pháp luật, tránh được những rắc rối không đáng có. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc về vấn đề trên cần tư vấn luật đất đai có thể liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 hoặc qua website của chúng tôi để được tư vấn chi tiết.
>> Xem thêm:
- Xử lý tài sản sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất như thế nào?
- Điều kiện để được bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
- Thời điểm xác lập quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.