Tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất giải quyết như thế nào?

Tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất là một loại tranh chấp tuy không phổ biến nhưng lại vô cùng phức tạp. Bởi trong thừa kế tiền bồi thường đất, người thừa kế đối với di sản là tiền bồi thường đất hoặc di sản là đất đai nhưng bị thu hồi sau khi người để lại di sản chết sẽ phát sinh các vấn đề khác về thủ tục hành chính. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp trên.

Giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất
Giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất

Tiền bồi thường thu hồi đất có được xem là di sản thừa kế không?

Theo quy định pháp luật, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Di sản là tài sản của người chết để lại, bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác“. Do đó, khi đất có quyết định thu hồi và được bồi thường bằng tiền thì tiền bồi thường được xác định là di sản thừa kế. 

Vấn đề này cũng được khẳng định một lần nữa trong án lệ số 34/2020/AL về quyền lập chi chúc để lại di sản là giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi. Cụ thể: “…. di sản của cụ D, cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21-7-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố V nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1…

Tiền bồi thường đất là di sản để lại cho người thừa kế
Tiền bồi thường đất là di sản để lại cho người thừa kế

Trình tự, thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất

Khi tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất phát sinh, việc tuân thủ đúng trình tự, thủ tục giải quyết giúp tranh chấp có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn. Quý khách hàng cần thực hiện các bước cụ thể theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Việc giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất sẽ bắt đầu từ việc thu thập thông tin cơ bản về giá trị bồi thường, các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc thu hồi đất và bồi thường đât, tiến hành hòa giải và nếu không thành công sẽ khởi kiện ra tòa án

Thu thập, xác minh thông tin chi tiết về giá trị bồi thường, chủ thể được bồi thường

Bước đầu tiên trong giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất là thu thập đầy đủ thông tin liên quan đến việc bồi thường. Quý khách hàng cần xác định các căn cứ để xác định khoản tiền bồi thường có phải là di sản thừa kế hay không.

Các tờ giấy cần thu thập trong giai đoạn này bao gồm:

  • Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
  • Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt
  • Các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của người để lại di sản
  • Di chúc (nếu có) hoặc tài liệu có thể hoàn thiện ý nguyện của người để lại di sản
  • Giấy khai sinh và các tờ giấy tờ xác định mối quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về nghĩa vụ chứng minh của đương sự thì khi tiến hành khởi kiện, người khởi kiện phải cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình, trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được thì đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập. Do đó việc tiến hành thu thập, xác minh các thông tin chi tiết về việc thu hồi đất, bồi thường không chỉ để cung cấp tài liệu chứng cứ cho tòa án thụ lý đơn khởi kiện mà còn là căn cứ để tòa án giải quyết vụ án một các khách quan.

Khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết

Thông thường, khi phát sinh tranh chấp tiền bồi thường đất, các bên cần ưu tiên thỏa thuận để giải quyết tranh chấp. Nếu không thể tự thỏa thuận để giải quyết tranh chấp các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo quy định tại Điều 26 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc.

Hồ sơ khởi kiện cần chuẩn bị

Căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ sau:

  • Đơn khởi kiện (Mẫu số 23 – DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017)
  • Các giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người khởi kiện và người để lại di sản
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản
  • Bản kê khai di sản
  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản của người để lại di sản
  • Giấy tờ liên quan đến việc thu hồi, chi trả tiền bồi thường như quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi, quyết định chi trả tiền bồi thường…
  • Giấy tờ liên quan đến việc từ chối nhận di sản (nếu có)
  • Các giấy tờ khác có liên quan.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Quy trình tiếp nhận và giải quyết của tòa án

Khi tranh chấp xảy ra các đương sự nộp đơn khởi kiện đến Tòa án cấp có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định. Trình tự giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất tương tự như giải quyết tranh chấp thừa kế khác, bao gồm các bước sau đây:

  1. Bước 1: Nộp đơn khởi kiện.
  2. Bước 2: Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện.
  3. Bước 3: Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí (nếu có) và Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.
  4. Bước 4: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án.
  5. Bước 5: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án.
  6. Bước 6: Kháng cáo, kháng nghị và thực hiện thủ tục phúc thẩm vụ án (nếu có).

Căn cứ, cơ sở để tòa án giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất

Khi tiến hành giải quyết tranh chấp thừa kế nói chung và giải quyết tranh chấp thừa kế là khoản tiền bồi thường do thu hồi đất nói riêng thì tòa án phải xem xét các tài liệu chứng cứ có trong vụ án, đánh giá giải quyết tranh chấp dựa trên nhiều căn cứ để đảm bảo giải quyết vụ án một cách khách quan và công bằng.

Để giải quyết tranh chấp thừa kế bồi thường đất, các nhận định sẽ dựa trên các cơ sở pháp lý được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và các văn bản luật liên quan. Việc xác định tiền bồi thường phải là di sản kế hay không, ai là người có quyền thừa kế và phương pháp phân chia di sản thừa kế là những vấn đề cốt lõi cần được làm rõ trong quá trình giải quyết tranh chấp thừa kế

Căn cứ xác định tiền bồi thường khi thu hồi đất là di sản thừa kế

Do tranh chấp là tranh chấp phần tiền bồi thường, do đó cần phải xác định phần đất bị thu hồi có phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của người mất để lại hay không, khoản tiền bồi thường đang tranh chấp có phải là số tiền bồi thường phát sinh từ phần diện tích đất, tài sản của người mất để lại hay không – có được xác định là di sản thừa kế hay không.

Bởi lẽ, có nhiều trường hợp tổng số tiền bồi thường đang tranh chấp là giá trị bồi thường cho nhiều thửa đất, tuy nhiên trong đó chỉ có 01 thửa đất được xác định là thuộc quyền sở hữu của người mất để lại – di sản thừa kế.

Lúc này người khởi kiện không được yêu cầu giải quyết tranh chấp toàn bộ số tiền bồi thường mà phải xác định rõ giá trị tiền tương đương của phần đất (phần đất được xác định là di sản của người mất để lại)

Ngoài ra, cần xác định số tiền bồi thường này đã được chi trả chưa và nếu được chi trả thì ai là người đang quản lý số tiền đó và cơ sở nào để cơ quan nhà nước giao cho người này. Việc xác định các vấn đề này nhằm xác định đúng chủ thể bị kiện và có hay không việc người mất để lại di chúc…

Không chỉ xác định các vấn đề trên mà người khởi kiện cần xác định giá trị bồi thường và các khoản được hỗ trợ khác như suất tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất, hỗ trợ di dời tài sản trên đất… làm căn cứ yêu cầu giải quyết tranh chấp

Phương thức phân chia thừa kế

Khi tiền bồi thường đất được xác định là di sản kế thừa, việc phân chia sẽ được thực hiện theo các phương thức: thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Có trường hợp sẽ phân chia theo di chúc, có trường hợp phân chia theo pháp luật nhưng cũng có trường hợp áp dụng cả hai phương thức theo di chúc và theo pháp luật nếu có phần di chúc không hợp pháp.

Xác định phương thức phân chia thừa kế giúp việc phân chia được chính xác và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên.

Căn cứ xác định người thừa kế và đồng thừa kế (nếu có)

Khi người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, thì theo pháp luật, những người được hưởng di sản đầu tiên là cha, mẹ, vợ, chồng và các con của họ.Điều 651, Bộ luật Dân sự 2015 quy định chi tiết các hàng thừa kế theo pháp luật.

Theo đó,  những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Mặt khác, những người cháu, chắt (nội, ngoại) này vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế ngang hàng với bố, mẹ, vợ, chồng hoặc những người con còn lại của người chết với vai trò là người thừa kế thế vị theo quy định tại 652 Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời cũng cần lưu ý đến các trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào di chúc được quy định tại Điều 644, BLDS 2015 Để xác định người thừa kế thì dựa trên các tài liệu như:

  • Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân (đối với vợ/chồng)
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ thống huyết thống (giấy khai sinh)
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ nuôi dưỡng (quyết định công nhận việc nuôi con nuôi)
  • Giấy chứng tử của những người đã chết (nếu có)

Ngoài ra, tại Điều 621, BLDS 2015 cũng có quy định các trường hợp không được nhận di sản thừa kế

Xác định giá trị di sản thừa kế là tiền bồi thường và các chi phí hỗ trợ khác

Để xác định chính xác giá trị của di sản thừa kế là tiền bồi thường đất, cần xác định các khoản tiền bồi thường mà nhà nước sẽ chi trả, gồm:

  • Tiền bồi thường về đất: Giá trị bồi thường tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo giá đất cụ thể. Tuy nhiên, người dân không tra cứu giá đất cụ thể như bảng giá đất vì giá đất cụ thể được xác định theo từng trường hợp do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và thông thường sẽ tính theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K).
  • Các khoản bồi thường khác như: Bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất, về cây trồng, vật nuôi, chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất…

Khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất ngoài việc được bồi thường thì còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 108 Luật Đất đai 2024 gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống; ổn định sản xuất và kinh doanh; di dời vật nuôi; đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; tái định cư đối với trường hợp người bị thu hồi đất ở và phải di dời nhưng tiền bồi thường không đủ để nhận một suất tái định cư tối thiểu; tháo dỡ, phá dỡ, di dời tài sản gắn liền với đất là công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng nhưng đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn..

Luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất đai

Luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất
Luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất

Kết luận

Tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất không đơn giản để giải quyết do liên quan đến việc bồi thường thu hồi đất. Những người thừa kế cần xác định được quyền thừa kế cũng như thủ tục giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý bạn đọc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Tư Vấn Pháp Luật Thừa Kế qua hotline 1900.63.63.87 để được giải đáp vấn đề kịp thời.

Tags: , , , , , ,

Lê Minh Phúc

Luật sư Lê Minh Phúc thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang là Luật sư thành viên thường trực tại Công ty Luật TNHH Long Phan PMT. Luật sư Phúc có thế mạnh trong tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý trong nhiều lĩnh vực như: đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, tranh tụng, ...

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

(2) bình luận “Tranh chấp thừa kế tiền bồi thường đất giải quyết như thế nào?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  1. Van nguyen phi hung says:

    Nha cua me toi o tu nam 2010 gio nha nuoc giai toa khu vuc eo bau thanh pho hue nhung me toi mat tu nam 2018 va ko de lai di chuc gio chung toi co 3 anh em la nguoi dc thua ke di san nhung lai khong thong nhat duoc viec phan chia di san gio phai lam sao mong luat su giai dap

    • Phan Mạnh Thăng says:

      Chào bạn,
      vì ba mẹ của bạn khi mất không để lại di chúc do đó, phần di sản thừa kế sẽ được chia theo đúng quy định pháp luật, cụ thể là chia thừa kế theo hàng thừa kế tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án giải quyết.
      Trân trọng!

  Miễn Phí: 1900.63.63.87