Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận di sản là đất đai là vấn đề pháp lý được quan tâm hiện nay. Nhiều người gặp khó khăn khi thừa kế đất đai tại Việt Nam do quy định pháp luật chặt chẽ. Việc nhận di sản không chỉ căn cứ vào huyết thống mà còn phụ thuộc vào điều kiện của người thừa kế. Pháp luật Việt Nam quy định rõ ai được quyền nhận, sử dụng hoặc chuyển nhượng đất đai thừa kế. Bài viết của Luật Long Phan sau đây sẽ làm rõ thủ tục này.

Căn cứ người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận di sản là đất đai
Để xác định một người có quyền thừa kế di sản hay không cần căn cứ quy định pháp luật về thừa kế. Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền thừa kế có thể phát sinh theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp người chết có để lại di chúc hợp pháp thì căn cứ vào di chúc này để phân chia di sản. Trường hợp còn lại thì căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 để xác định người thừa kế.
Như vậy, để xác định Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận di sản là nhà đất thì cần căn cứ:
- Di chúc hợp pháp của người để lại di sản.
- Hoặc theo hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Thủ tục để người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận di sản là đất đai
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi thuộc đối tượng được hưởng di sản thừa kế là đất đai tại Việt Nam cần thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để chính thức xác lập quyền của mình. Quá trình này có thể được tiến hành theo hai phương thức chính, tùy thuộc vào việc có hay không có sự đồng thuận giữa các đồng thừa kế.
Để thực hiện việc nhận di sản là đất đai, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần tiến hành các thủ tục phân chia di sản hoặc khởi kiện ra Tòa án nếu có tranh chấp. Dưới đây là nội dung chi tiết cho từng trường hợp.
Phân chia di sản
Trường hợp việc phân chia di sản thừa kế không có tranh chấp thì người thừa kế thực hiện phân chia di sản. Văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định. Quy trình thực hiện phân chia di sản thừa kế là nhà đất như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hồ sơ phân chia di sản
- Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền công chứng/ chứng thực văn bản phân chia di sản.
- Bước 3: Kiểm tra hồ sơ và thực hiện công chứng/ chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế.
- Bước 4: Nhận văn bản phân chia di sản thừa kế đã được công chứng/ chứng thực
Chi tiết thủ tục này vui lòng xem tại: Phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất như thế nào?
Lưu ý: Văn bản phân chia di sản thừa kế bắt buộc phải có chữ ký của tất cả những người thừa kế. Vì vậy, người thừa kế định cư ở nước ngoài có thể:
- Về Việt Nam trực tiếp tham gia phân chia di sản.
- Ủy quyền cho người khác tại Việt Nam để thực hiện thủ tục này. Việc ủy quyền thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế là đất đai phải lập thành Hợp đồng ủy quyền.
- Người thừa kế ở nước ngoài ký và chứng thực chữ ký trên văn bản phân chia di. Chứng thực chữ ký tại đại sứ quán/ lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài. Sau đó gửi văn bản về Việt Nam, các đồng thừa kế thực hiện thủ tục công chứng/ chứng thực.
>> Xem thêm: Thủ tục để người nước ngoài ủy quyền thực hiện khai di sản thừa kế
Khởi kiện giải quyết tranh chấp thừa kế
Trường hợp có tranh chấp về thừa kế đất các bên có quyền khởi kiện để giải quyết. Căn cứ Điều 26, 35, 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì người thừa kế có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân khu vực nơi bị đơn cư trú để yêu cầu chia thừa kế.
Người khởi kiện yêu cầu chia thừa kế cần nộp đến Tòa án 01 bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn khởi kiện theo mẫu 23-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
- Di chúc (nếu có).
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh quyền sử dụng đất của người chết.
- Giấy chứng tử của người để lại di sản.
- Giấy khai sinh của người chết, giấy tờ pháp lý cá nhân của người chết.
- Giấy tờ nhân thân chứng minh quan hệ thừa kế.
- Tài liệu, chứng cứ khác.
Ngoài việc chuẩn bị hồ sơ nêu trên, người khởi kiện cần chuẩn bị tài chính. Bởi khi thực hiện khởi kiện tranh chấp thừa kế là quyền sử dụng đất người khởi kiện có thể phải chịu:
- Tạm ứng án phí: Người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí theo thông báo của tòa án để làm cơ sở tòa án thụ lý vụ án. Trường hợp được miễn theo Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 và có đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí thì không thực hiện nghĩa vụ này.
- Chi phí tố tụng khác: chi phí ủy thác tư pháp; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá, thẩm định giá đất,….
Thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất tại Tòa án theo quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Người Việt Nam định cư nước ngoài có được đứng tên quyền sử dụng đất sau khi nhận thừa kế
Người Việt Nam định cư nước ngoài bao gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư nước ngoài. Hai đối tượng này theo quy định Luật Đất đai 2024 sẽ có quyền khác nhau trong việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp được đứng tên quyền sử dụng đất
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đứng tên quyền sử dụng đất khi:
- Là công dân Việt Nam.
- Là người gốc Việt Nam định cư nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và đủ điều kiện được sở hữu nhà ở.
Khi thuộc một trong đối tượng nếu trên thì người nhận thừa kế cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại cơ quan có thẩm quyền. Sau khi hoàn tất thủ tục này, người thừa kế trở thành chủ sử dụng đất hợp pháp theo giấy chứng nhận được cấp.
Cơ sở pháp lý: Điều 44 Luật Đất đai 2024.
Trường hợp không được đứng tên quyền sử dụng đất
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc một trong trường hợp sau đây sẽ không được đứng tên quyền sử dụng đất nhận thừa kế:
- Không được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
- Không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Đối với những đối tượng này sau khi nhận thừa kế họ có thể thực hiện quyền sử dụng đất thông qua hình thức:
- Ủy quyền cho người khác ở Việt Nam trông coi, đại diện quản lý sử dụng đất. Việc ủy quyền này phải thực hiện bằng văn bản có công chứng/ chứng thực theo quy định. Người nhận ủy quyền có thể là người thừa kế hoặc người khác có đủ năng lực thực hiện hành vi được ủy quyền.
- Thực hiện quyền giao dịch đối với đất: tặng cho, chuyển nhượng,… Bên chuyển nhượng/ tặng cho trong hợp đồng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài – người nhận thừa kế.

Thực hiện thủ tục cập nhật biến động sau khi nhận thừa kế
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động thì người có quyền phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền. Thủ tục này thực hiện nhằm cập nhật thông tin chủ sử dụng đất bị thay đổi do nhận thừa kế. Đây là thủ tục bắt buộc phải thực hiện sau khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất.
Trường hợp vi phạm thời hạn đăng ký biến động, người sử dụng đất có thể bị xử phạt từ 02 triệu đến 03 triệu đồng theo Nghị định 123/2024/NĐ – CP.
>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký biến động đất đai
Câu hỏi thường gặp khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận di sản
Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi thường gặp khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận di sản là đất đai.
Trường hợp có tranh chấp về di sản thừa kế thì người ở nước ngoài có được kiện không?
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn có quyền khởi kiện chia thừa kế tại Việt Nam. Việc họ ở nước ngoài không ảnh hưởng đến quyền khởi kiện. Khi xét thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm trong việc chia thừa kế thì có quyền khởi kiện. Người này có thể trực tiếp về Việt Nam hoặc ủy quyền cho người khác khởi kiện và tham gia tố tụng.
>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp đất thừa kế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Người thừa kế ở nước ngoài có thể từ chối nhận di sản không?
Theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản. Việc từ chối phải được thể hiện bằng văn bản và công chứng/chứng thực theo đúng pháp luật. Đối với người ở nước ngoài, có thể lập văn bản từ chối tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài. Việc từ chối chỉ có hiệu lực nếu được lập trước khi di sản được phân chia. Khi đã nhận di sản rồi thì không thể từ chối, trừ trường hợp có căn cứ khác theo luật.
Có thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế đất không?
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện thừa kế đất là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu hết thời hiệu, người thừa kế có thể không còn quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, như có hành vi gian dối, che giấu thông tin thừa kế, thì tòa án có thể xem xét áp dụng điều kiện khôi phục thời hiệu. Do đó, người ở nước ngoài cần lưu ý thời hạn này khi có tranh chấp phát sinh.
Đang làm quốc tịch nước ngoài, người Việt có bị mất quyền thừa kế không?
Việc mang quốc tịch nước ngoài không làm mất quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật Việt Nam. Người gốc Việt vẫn được xem là cá nhân có quyền thừa kế nếu có quan hệ hợp pháp với người để lại di sản (ví dụ: con, cha mẹ, vợ chồng…).
Tư vấn pháp lý người Việt Nam định cư nước ngoài nhận thừa kế đất
Dịch vụ luật sư của Luật Long Phan PMT hỗ trợ toàn diện trong các nội dung sau:
- Tư vấn điều kiện nhận di sản là quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành.
- Phân tích khả năng nhận quyền sử dụng đất hay chỉ được hưởng giá trị của người thừa kế.
- Hỗ trợ soạn thảo, liên hệ công chứng/ chứng thực văn bản phân chia di sản tại Việt Nam.
- Tư vấn thủ tục ủy quyền thực hiện phân chia di sản thừa kế.
- Tư vấn thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế có người Việt Nam định cư nước ngoài.
- Đại diện làm việc với cơ quan đăng ký đất đai thực hiện đăng ký biến động.
- Tư vấn giải pháp xử lý nếu không đủ điều kiện đứng tên quyền sử dụng đất.

Kết luận
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi nhận di sản là đất đai cần tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Việc thực hiện đúng trình tự giúp bảo vệ quyền lợi và tránh tranh chấp pháp lý sau này. Nếu bạn cần hỗ trợ tư vấn chi tiết, hãy liên hệ Luật Long Phan PMT qua số 1900.636.387 để được hỗ trợ kịp thời. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng bạn trong mọi thủ tục thừa kế đất đai tại Việt Nam.
Tags: Di sản thừa kế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Phân chia di sản, thủ tục thừa kế, thừa kế đất đai, Tranh chấp thừa kế
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.