Hợp đồng làm việc là gì? Phân biệt hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Viên chức 2010, “Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.”
Hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động là hai thuật ngữ dễ bị nhầm lẫn trên thực tế. Điểm phân biệt chính yếu giữa hai loại hợp đồng này là đối tượng ký kết:
- Đối với hợp đồng làm việc: được ký kết giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đối với hợp đồng lao động: được ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Trình tự thủ tục khiếu nại tranh chấp hợp đồng làm việc theo quy định
Căn cứ Điều 30 Luật Viên chức 2010, “Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động“. Do đó, tương tự như khiếu nại đối với hợp đồng lao động, trình tự, thủ tục khiếu nại tranh chấp hợp đồng làm việc được quy định chi tiết tại Nghị định số 24/2018/NĐ-CP, bao gồm các vấn đề sau:
- Khiếu nại lần đầu.
- Khiếu nại lần 2.
Khiếu nại lần đầu
Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng làm việc, viên chức hoặc người được tuyển dụng viên chức có thể khiếu nại lần đầu đến người sử dụng lao động của mình, cụ thể ở đây là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP).
Trình tự khiếu nại lần đầu được thực hiện như sau:
Chuẩn bị hồ sơ khiếu nại tranh chấp hợp đồng làm việc
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP, khiếu nại phải được thể hiện thông qua đơn khiếu nại với các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
- Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại.
- Người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Kèm theo đơn khiếu nại, người khiếu nại phải kèm theo các tài liệu:
- Tài liệu nhân thân;
- Hợp đồng việc làm (sao y);
- Các tài liệu chứng minh hành vi vi phạm của người lao động: quyết định kỷ luật; quyết định chấm dứt hợp đồng lao động;…
Đơn khiếu nại có thể gửi trực tiếp (phải có xác nhận của công ty là đã nhận) hoặc gửi qua đường bưu điện (có báo phát). Người khiếu nại nên gửi bằng đường bưu điện để có chứng cứ chứng minh thời hạn khiếu nại cũng như xác định thời hạn giải quyết khiếu nại.
Thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, đơn vị sự nghiệp công lập phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Nội vụ (trước là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) nơi đặt trụ sở chính (thoe khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP)
Kiểm tra xác minh nội dung khiếu nại
Trong thời hạn giải quyết khiếu nại tại Điều 20 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập tự mình hoặc giao cho bộ phận chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại và phải lập Báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh gồm nội dung chính sau đây:
- Đối tượng kiểm tra, xác minh;
- Thời gian tiến hành kiểm tra, xác minh;
- Người tiến hành kiểm tra, xác minh;
- Nội dung kiểm tra, xác minh;
- Kết quả kiểm tra, xác minh;
- Kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại;
- Nội dung khác (nếu có).
Tổ chức đối thoại lần đầu
Việc tổ chức đối thoại được thực hiện theo Điều 22 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP như sau:
- Bước 1. Gửi thông báo đối thoại
Nếu thấy cần thiết, đơn vị sự nghiệp công lập phải gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.
- Bước 2. Tổ chức đối thoại
- Người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại.
- Người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
- Bước 3. Lập biên bản đối thoại
- Việc đối thoại phải được lập thành biên bản;
- Biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia.
Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
Kết quả giải quyết khiếu nại phải được ban hành thông qua quyết định giải quyết khiếu nại theo khoản 1 Điều 23 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP. Quyết định giải quyết khiếu nại phải được gửi cho cho người khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại theo khoản 1 Điều 24 Nghị định trên.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết khiếu nại lần đầu của người lao động
Khiếu nại lần hai
Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là Chánh Thanh tra Sở Nội Vụ (trước là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở.
Quá trình thụ lý đơn khiếu nại; kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại lần 2; đối thoại lần 2 được thực hiện theo Điều 27, Điều 29, Điều 30 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP với các bước tương tự như giải quyết khiếu nại lần đầu.
Theo quy định tại Điều 31 Nghị định này, kết quả giải quyết khiếu nại lần hai cũng phải được thể hiện thông qua quyết định giải quyết khiếu nại lần 02.
Kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 là quyết định có hiệu lực thi hành. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP.
Thời hiệu khiếu nại tranh chấp hợp đồng làm việc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 27 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP, thời hiệu khiếu nại đối với hợp đồng làm việc được xác định như sau:
-
Thời hiệu khiếu nại lần đầu: không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý
-
Thời hiệu khiếu nại lần hai: 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 20 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

Quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng làm việc đến tòa án có thẩm quyền
Bên cạnh việc khiếu nại, như đã trình bày ở trên, Điều 30 Luật Viên chức 2010 đã quy định rõ các tranh chấp hợp đồng làm việc sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai cũng yêu cầu phải có nội dung quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án. Do đó, khi phát sinh tranh chấp hợp đồng làm việc, các bên hoàn toàn có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền.
Theo Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019); điểm a khoản 1 Điều 19, điểm đ khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động 2019, Tòa án Nhân dân nơi bị đơn có trụ sở hoặc nơi nguyên đơn cư trú, làm việc là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
Trình tự, thủ tục tố tụng áp dụng quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Tư vấn thủ tục khiếu nại tranh chấp hợp đồng làm việc
Các hạng mục công việc Luật Long Phan PMT tư vấn liên quan đến tranh chấp hợp đồng làm việc là:
- Tư vấn quy định pháp luật về hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng, tiền lương, bảo hiểm…
- Hướng dẫn khách hàng soạn thảo đơn khiếu nại theo quy định pháp luật.
- Tư vấn quy trình, thời hiệu và thời hạn giải quyết khiếu nại.
- Tư vấn hướng xử lý khi không đồng ý với kết quả giải quyết.
- Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng làm việc theo Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Luật sư tham gia tranh tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Kết luận
Tranh chấp hợp đồng làm việc là vấn đề phát sinh nhiều hậu quả pháp lý đáng tiếc nếu không được xử lý đúng quy trình, đúng luật. Việc có sự đồng hành của luật sư sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế tối đa rủi ro pháp lý khi giải quyết tranh chấp lao động. Luật Long Phan PMT cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn, đại diện khiếu nại, đàm phán và tham gia tố tụng một cách chuyên nghiệp – hiệu quả – đúng luật. Liên hệ qua Hotline 1900636387 để được hỗ trợ tư vấn.
Tags: Khiếu nại hợp đồng làm việc, Luật Viên chức, Thủ tục khiếu nại lao động, Tranh chấp hợp đồng làm việc, Tư vấn pháp lý lao động
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.