Tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ngày càng cần thiết trong bối cảnh các hoạt động M&A đang diễn ra thường xuyên hơn tại Việt Nam. Dịch vụ M&A mua bán sáp nhập doanh nghiệp cung cấp nhiều lợi ích cho khách hàng khi bước vào giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Bài viết sau đây sẽ thông tin đến quý bạn đọc nhằm giúp quý bạn đọc hiểu thêm về dịch vụ tư vấn M&A và những thông tin pháp lý có liên quan.
Mục Lục
Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là gì?
Thuật ngữ M&A là viết tắt của hai từ tiếng anh Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại), theo cách gọi tại Việt Nam là mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thuật ngữ M&A, tuy nhiên thông qua một số quy định pháp luật, các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp được hiểu là:
- Theo khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018, mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
- Theo khoản 2 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018, sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
- Theo khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020, hợp nhất công ty là việc hai hoặc một số công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
- Theo khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, sáp nhập công ty là việc một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Như vậy, người đọc có thể hiểu mua bán doanh nghiệp là hình thức một doanh nghiệp mua lại toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác và nhằm mục đích cuối cùng là kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại; sáp nhập doanh nghiệp thì là hình thức một doanh nghiệp sáp nhập doanh nghiệp khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty bị sáp nhập sang công ty nhận sáp nhập, và từ đó làm chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
>>> Xem thêm: Các vấn đề bảo mật thông tin trong giao dịch M&A
Các hình thức thực hiện mua bán và sáp nhập doanh nghiệp
Đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp, ở mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau thì sẽ có cách thức mua bán doanh nghiệp khác nhau, cụ thể:
- Trường hợp mua bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác và đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Trường hợp mua bán công ty hợp danh, theo khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danhchuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác (với điều kiện là được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại).
- Trường hợp mua bán công ty TNHH hai thành viên trở lên, việc mua bán doanh nghiệp được thực hiện dựa trên cơ sở chuyển nhượng phần vốn góp giữa thành viên nắm giữ phần vốn góp với thành viên khác trong cùng công ty hoặc cá nhân, tổ chức khác. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020). Việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp làm thay đổi thành viên trong Hội đồng thành viên – cơ quan quyết định cao nhất của công ty.
- Trường hợp mua bán công ty TNHH một thành viên, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 76 và khoản 5 Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác để có thể rút vốn ra khỏi công ty; bằng việc chuyển nhượng vốn điều lệ này, chủ sở hữu công ty có thể bán doanh nghiệp của mình cho cá, tổ chức khác.
- Trường hợp mua bán công ty cổ phần, việc mua bán doanh nghiệp được thực hiện thông qua chuyển nhượng số cổ phần của công ty. Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần.
Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Đối với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định 02 hình thức hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp với hệ quả pháp lý khác nhau như sau:
- Hợp nhất hai hoặc một số công ty thành một công ty mới theo quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020; lúc này sự tồn tại của tất cả công ty bị hợp nhất chấm dứt, công ty mới sinh ra từ sự hợp nhất này được thành lập.
- Sáp nhập một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập theo quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020; lúc này sự tồn tại của các công ty bị sáp nhập sẽ chấm dứt và chỉ còn lại sự tồn tại của công ty nhận sáp nhập.
Hoạt động M&A được thực hiện dưới hình thức nào?
Trình tự, thủ tục sáp nhập doanh nghiệp
Hồ sơ
Theo Điều 31 và khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 và các điều từ Điều 49 đến Điều 55, Điều 57 đến Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi sáp nhập doanh nghiệp thì các công ty liên quan (gồm công ty bị sáp nhập và công ty nhận sáp nhập) phải chuẩn bị các tài liệu sau:
- Hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp, gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập.
- Dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập.
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐ.
- Nghị quyết, quyết định thông qua nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông/ Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần về việc thông qua nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao công chứng CCCD, hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật mới khi doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật.
- Bản sao công chứng CCCD, hộ chiếu của thành viên công ty mới khi doanh nghiệp thay đổi thành viên công ty.
- Danh sách thành viên công ty TNHH khi có sự thay đổi về thông tin thành viên, số vốn góp của thành viên công ty.
- Báo cáo tài chính doanh nghiệp khi đăng ký giảm vốn điều lệ công ty TNHH.
- Giấy ủy quyền cho người thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ, tài liệu cần thiết để thực hiện thủ tục M&A
>>>Xem thêm: Thực hiện mua bán sáp nhập (M&A) thì cần các loại hợp đồng gì
Thủ tục
Dựa trên những quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp, các bên liên quan trong vụ sáp nhập thực hiện các trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: Theo điểm b khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập này phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.
Bước 2: Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với công ty nhận sáp nhập theo quy định tại Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 và Chương VI Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Bước 3: Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 73 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, sau khi công ty nhận sáp nhập được cấp đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chuyển sang tình trạng pháp lý đã sáp nhập. Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính gửi thông tin cho Cơ quan thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông tin cho Phòng đăng ký kinh doanh về việc doanh nghiệp đã hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Cơ quan thuế về việc công ty bị sáp nhập hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính thực hiện cập nhật tình trạng pháp lý đối với công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng chấm dứt tồn tại theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện việc chấm dứt tồn tại chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty bị sáp nhập trước khi chấm dứt tồn tại của các công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp căn cứ theo khoản 3 Điều 73 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Luật sư tư vấn dịch vụ M&A mua bán và sáp nhập doanh nghiệp
Có rất nhiều quy định liên quan đến các vấn đề trước, trong và sau khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Để tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo những yếu tố pháp lý trong một vụ mua bán sáp nhập, quý khách hàng có thể tham khảo những dịch vụ luật sư sau đây của chúng tôi:
- Kiểm tra, rà soát tình trạng pháp lý doanh nghiệp bị mua lại, bị sáp nhập.
- Tư vấn và lên phương án xác định hình thức M&A.
- Tư vấn, soạn thảo hồ sơ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục thông báo thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
- Tư vấn các vấn đề cần lưu ý khi tái cơ cấu lại doanh nghiệp sau M&A
>>> Xem thêm: Các vấn đề hợp đồng lao động cần giải quyết khi thực hiện thủ tục M&A
Tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là dịch vụ pháp lý được cung cấp bởi Long Phan PMT. Việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp luôn là một hình thức kinh doanh phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao và cả kiến thức chuyên môn về pháp lý. Khi tham gia hoạt động M&A, quý khách hàng có thể tìm đến sự hỗ trợ của dịch vụ luật sư chuyên nghiệp. Nếu Quý bạn đọc cần hỗ trợ những vấn đề liên quan đến MUA BÁN SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất thông qua Hotline 1900.63.63.87.
>> Các bài bài viết liên quan đến mua bán sáp nhập (M&A):
- Hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
- Hợp đồng mua bán doanh nghiệp M&A
- Bảo mật thông tin trong giao dịch M&A
- Quy trình chuẩn thực hiện giao dịch M&A
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.