Hướng dẫn thủ tục hoàn công công trình xây dựng mới nhất 2024 là rất cần thiết vì đây là thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng, ghi nhận công trình đã hoàn thành xây dựng trong trường hợp được cấp giấy phép xây dựng. Việc hoàn công cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật về hồ sơ, trình tự thủ tục luật định nhằm tránh các rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Bài viết dưới đây sẽ thông tin cụ thể đến quý khách hàng về thủ tục hoàn công công trình xây dựng theo quy định mới nhất hiện nay.
Mục Lục
Hoàn công công trình xây dựng là gì?
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể hoàn công công trình xây dựng là gì. Hoàn công hay còn gọi là Hoàn thành công trình xây dựng có thể được hiểu là việc cá nhân, tổ chức được cấp phép xây dựng đối với công trình đã hoàn tất việc xây dựng và nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và đưa vào sử dụng.
Thủ tục hoàn công là thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng, được thực hiện khi nghiệm thu công trình để xác nhận các bên đầu tư, thi công đã hoàn thành công trình xây dựng sau khi được cấp giấy phép xây dựng. Hoàn công có thể được thực hiện bởi chủ nhà hoặc chủ đầu tư, sau khi hoàn tất thi công công trình.
Bản vẽ hoàn công là bản vẽ công trình xây dựng hoàn thành, trong đó thể hiện vị trí, kích thước, vật liệu và thiết bị được sử dụng thực tế. Đây là một loại giấy tờ pháp lý bắt buộc thuộc hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng. Hồ sơ quản lý chất lượng là loại hồ sơ nằm trong danh mục hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.
Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng là cơ sở để thực hiện nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng. Chủ đầu tư phải lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành.
Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật xây dựng.
Nếu như không lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thì chủ đầu tư công trình xây dựng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và buộc lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định theo quy định tại Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình
Như vậy, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục hoàn công xây dựng để lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng nhằm đưa công trình vào khai thác, vận hành trên thực tế.
Có thể thấy, hoàn công công trình xây dựng là thủ tục nghiệm thu, thông báo hoàn tất công trình, cần thiết để đánh giá việc thi công có theo đúng giấy phép được cấp hay không. Đồng thời, hoàn công còn để xác nhận về chất lượng thi công công trình xây dựng không gây ảnh hưởng lớn đến an toàn khai thác, sử dụng công trình.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, khoản 2 Điều 123 Luật Xây dựng 2014; khoản 4 Điều 2, khoản 1 Điều 26 Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi là Nghị định 06/2021/NĐ-CP); Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Trường hợp được miễn hoàn công công trình xây dựng
Những công trình đã được cấp phép xây dựng phải thực hiện thủ tục hoàn công công trình xây dựng. Những công trình không cần phải xin giấy phép xây dựng sẽ không cần phải thực hiện thủ tục hoàn công xây dựng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về các công trình được miễn giấy phép xây dựng bao gồm:
- Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp.
- Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị – xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng.
- Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này.
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
- Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ.
- Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này.
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Như vậy, đối với những công trình được miễn giấy phép xây dựng nêu trên thì sẽ không cần phải thực hiện các thủ tục hoàn công xây dựng.
Thủ tục hoàn công công trình xây dựng
Hồ sơ hoàn công
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, hồ sơ hoàn thành công trình là tập hợp các hồ sơ, tài liệu có liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng công trình cần được lưu lại khi đưa công trình vào sử dụng.
Đồng thời, Điều 26 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định, chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định tại Phụ lục VIb Nghị định này trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành.
Theo Phụ lục VIb Nghị định 06/2021/NĐ-CP, danh mục hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng gồm 03 loại hồ sơ:
Thứ nhất, hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng:
- Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có).
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Nhiệm vụ thiết kế, các văn bản thẩm định, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan trong việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng và thiết kế cơ sở.
- Phương án đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng tái định cư (nếu có).
- Văn bản của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về: thỏa thuận quy hoạch, thỏa thuận hoặc chấp thuận sử dụng hoặc đấu nối với công trình kỹ thuật bên ngoài hàng rào; đánh giá tác động môi trường, đảm bảo an toàn (an toàn giao thông, an toàn cho các công trình lân cận) và các văn bản khác có liên quan.
- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê đất đối với trường hợp không được cấp đất.
- Giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
- Quyết định chỉ định thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn các nhà thầu và hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư với các nhà thầu.
- Các tài liệu chứng minh điều kiện năng lực của các nhà thầu theo quy định.
- Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Thứ hai, hồ sơ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình:
- Nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát, báo cáo khảo sát xây dựng công trình.
- Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng.
- Kết quả thẩm tra, thẩm định thiết kế xây dựng; quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình kèm theo: hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt (có danh mục bản vẽ kèm theo); chỉ dẫn kỹ thuật.
- Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu thiết kế xây dựng công trình.
- Các văn bản, tài liệu, hồ sơ khác có liên quan đến giai đoạn khảo sát, thiết kế xây dựng công trình.
Thứ ba, hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình
- Danh mục các thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình và các văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
- Bản vẽ hoàn công (có danh mục bản vẽ kèm theo).
- Các kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công xây dựng công trình.
- Các chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa, tài liệu công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành; chứng nhận hợp chuẩn (nếu có) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Các kết quả quan trắc (nếu có), đo đạc, thí nghiệm trong quá trình thi công.
- Các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu bộ phận hoặc giai đoạn công trình (nếu có) trong quá trình thi công xây dựng.
- Các kết quả thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng công trình, thí nghiệm khả năng chịu lực kết cấu xây dựng (nếu có).
- Hồ sơ quản lý chất lượng của thiết bị lắp đặt vào công trình.
- Quy trình vận hành, khai thác công trình (nếu có); quy trình bảo trì công trình.
- Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về: Di dân vùng lòng hồ, khảo sát các di tích lịch sử, văn hóa; An toàn phòng cháy, chữa cháy; An toàn môi trường; An toàn lao động, an toàn vận hành hệ thống thiết bị công trình, thiết bị công nghệ; Thực hiện Giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng); Cho phép đấu nối với công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác có liên quan; Văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng, quản lý phát triển đô thị về việc hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan của dự án theo kế hoạch xây dựng nêu tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được thẩm định, phê duyệt;…
- Hồ sơ giải quyết sự cố công trình (nếu có).
- Phụ lục các tồn tại cần sửa chữa, khắc phục (nếu có) sau khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.
- Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng.
- Văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (nếu có).
- Các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (nếu có).
- Các hồ sơ/văn bản/tài liệu khác có liên quan trong giai đoạn thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng
Hồ sơ hoàn công công trình xây dựng
Thủ tục thực hiện hoàn công
Thủ tục hoàn công công trình xây dựng được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hoàn công công trình xây dựng
Chủ đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu và nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước 15 ngày đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I hoặc trước 10 ngày đối với các công trình còn lại so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định 06/2021/NĐ-CP bao gồm: công trình do Thủ tướng Chính phủ giao, công trình cấp đặc biệt, công trình cấp I, công trình nằm trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên; trừ các công trình quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, các công trình và công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng;
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công trình thuộc dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư, trừ các công trình do Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra.
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra các loại công trình xây dựng trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, trừ các công trình quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thẩm quyền thực hiện kiểm tra đối với các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh;
- Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình gồm nhiều công trình, hạng mục công trình có loại và cấp khác nhau thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện kiểm tra là cơ quan có trách nhiệm thực hiện kiểm tra đối với công trình, hạng mục công trình chính có cấp cao nhất của dự án đầu tư xây dựng công trình.
Bước 3: Tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết và trả kết quả hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hoàn công công trình xây dựng, kiểm tra, đánh giá hồ sơ xem đã hợp lệ hay chưa. Tiến hành thẩm định, kiểm tra, đánh giá hồ sơ hoàn công công trình xây dựng và các điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình:
- Nếu hồ sơ đạt yêu cầu và tuân theo các điều kiện trước khi công trình được đưa vào sử dụng thì hồ sơ hoàn công công trình xây dựng sẽ được cơ quan có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, hoàn công công trình xây dựng cho chủ đầu tư.
- Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra văn bản không chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, trong đó nêu rõ các nội dung còn tồn tại cần được khắc phục
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu chủ đầu tư và và các bên có liên quan giải trình, khắc phục các tồn tại (nếu có) và yêu cầu thực hiện thí nghiệm đối chứng, kiểm định xây dựng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình theo quy định tại Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP
Thời hạn ra văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 30 ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt và 20 ngày đối với công trình còn lại kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu;
Cơ sở pháp lý: khoản 2, khoản 6 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 6 Điều 11 Nghị định 35/2023/NĐ-CP)
Như vậy, thủ tục hoàn công công trình xây dựng sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên.
>>>Xem thêm: Thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng
Luật sư tư vấn hoàn công công trình xây dựng
Nội dung dịch vụ
Để giúp quý khách hàng thực hiện thủ tục hoàn công công trình xây dựng, Luật Long Phan PMT cung cấp các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn về thủ tục hoàn công công trình xây dựng với các nội dung như sau:
- Tư vấn các quy định về thủ tục hoàn công công trình xây dựng, nhà ở.
- Tư vấn các quy định về giấy phép xây dựng, các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
- Hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ cần có trong mục hồ sơ hoàn công.
- Giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục hoàn công và xin giấy phép liên quan khác.
- Hỗ trợ khách hàng soạn thảo văn bản, đơn từ liên quan đến hoàn công công trình xây dựng.
- Đại diện khách hàng làm việc với cơ quan có thẩm quyền liên quan đến thủ tục.
- Đại diện khách hàng thực hiện công việc liên quan khác.
Phí dịch vụ
Chúng tôi luôn đưa ra mức phí phù hợp nhất với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc, căn cứ vào tính chất, mức độ vụ việc và các yêu cầu khác của khách hàng mà sẽ có các mức chi phí tư vấn hợp lý nhất đến quý khách hàng. Phương thức tính phí dịch vụ của Chúng tôi căn cứ cụ thể như sau:
- Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý của vụ việc.
- Mức độ, quy mô, có nhiều tình tiết cần tháo gỡ, các giấy phép chồng chéo, thủ tục hành chính phức tạp.
- Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý.
- Giờ làm việc của luật sư để nghiên cứu, đưa ra giải pháp, cách xử lý.
- Tư vấn kèm theo các dịch vụ, yêu cầu riêng của khách hàng.
- Đại diện khách hàng làm việc cùng các cơ quan, xử lý thủ tục, hồ sơ.
Lưu ý phí dịch vụ không bao gồm các khoản phí, thuế và các khoản phạt nếu có của khách hàng, khi Luật sư đại diện làm việc với cơ quan có thẩm quyền để xử lý hồ sơ, thực hiện thủ tục cho khách hàng.
Luật sư tư vấn khách hàng thực hiện thủ tục hoàn công
Hoàn công công trình xây dựng là bước kiểm tra chất lượng của công trình, đảm bảo công trình được đưa vào khai thác hiệu quả và tuân thủ giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, thủ tục hoàn công khá phức tạp và có thể xảy ra các rủi ro pháp lý về sau. Nếu có vấn đề thắc mắc hoặc đang gặp các vấn đề về pháp lý liên quan đến thủ tục hoàn công, quý khách hàng có thể liên hệ Luật sư tư vấn luật xây dựng của Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn và hỗ trợ.
>> Có thể bạn quan tâm:
- Có cần thực hiện thủ tục hoàn công khi sửa chữa, cải tạo nhà không?
- Cách xử lý xây dựng nhà sai giấy phép mà không thể thực hiện hoàn công
- Có bắt buộc thực hiện thủ tục hoàn công khi xây dựng xong nhà ở không?
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.