Thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở

Thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở là thủ tục đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy phép trước khi sửa chữa, cải tạo nhà ở. Việc sửa chữa, cải tạo nhà ở trên ngoài việc đảm bảo an toàn thì cũng cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giấy phép.  Bài viết dưới đây của Luật Long Phan PMT sẽ làm rõ về trình tự, thủ tục trên mời quý khách tham khảo.

Thủ tục xin cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở
Thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở

Các trường hợp cần xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở

Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng 2020), trước khi tiến hành sửa chữa, cải tạo nhà ở, chủ sở hữu nhà ở trên cần phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp dưới đây:

  • Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
  • Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.

Như vậy, trừ các trường hợp được liệt kê ở trên, mọi trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở đều phải xin giấy phép xây dựng từ cơ quan chức năng.

Sửa chữa, cải tạo nhà ở không xin cấp phép, xử phạt thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính

Khi sửa chữa, cải tạo nhà ở không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép, mà chủ sở hữu, chủ đầu tư không xin cấp giấy phép, thì có thể bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

  • Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
  • Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
  • Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Thứ hai, xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì mức phạt cụ thể như sau:

  • Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đ dựng nhà ở riêng lẻ;
  • Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
  • Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Thứ ba, xử phạt đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

  • Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
  • Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
  • Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.0000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, cụ thể như sau:

  • Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 12 và điểm a khoản 13 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP;
  • Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 06 tháng đến 09 tháng (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 12 và điểm b khoản 13 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP;
  • Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 09 tháng đến 12 tháng (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 12, điểm c khoản 13 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 12, khoản 13 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Căn cứ khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, nếu hành vi vi phạm đã kết thúc tại thời điểm lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP mà đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Như vậy, tùy vào mức độ của hành vi vi phạm khi sửa chữa, cải tạo nhà ở không có giấy phép, mức phạt dành cho chủ đầu tư vi phạm cũng sẽ khác nhau.

Xử lý hình sự

Ngoài ra, hành vi sửa chữa, cải tạo nhà ở không xin giấy phép xây dựng mà gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Hình phạt của tội phạm trên được quy định như sau:

Khung 1: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với các trường hợp sau:

  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Làm chết 02 người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu hành vi sửa chữa, cải tạo nhà ở không có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư có thể phải chịu hình phạt tù lên đến 15 năm.

Thủ tục xin cấp phép sửa chữa, cải tạo cho nhà ở

Thẩm quyền giải quyết

Căn cứ Điều 103 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng 2020), thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được quy định như sau:

  • Ủy ban Nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở thuộc công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
  • Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng nhà ở đối với những trường hợp còn lại. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.

Như vậy, tùy từng trường hợp khác nhau, thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa, xây dựng sẽ thuộc về Ủy ban Nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựngThẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng

Hồ sơ cần chuẩn bị

Căn cứ Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ cần chuẩn bị để đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
  • Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật.
  • Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (kích thước tối thiểu 10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.
  • Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng với mỗi loại công trình theo quy định tại Điều 43 hoặc Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Như vậy, để tránh phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ, chủ đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu được liệt kê ở trên.

>>>Mẫu đơn: Mẫu đơn đề nghị sửa chữa, cải tạo nhà ở

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựngHồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng

Trình tự xin giấy phép

Căn cứ Điều 102 Luật Xây Dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng 2020), thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Bước 2: Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý hồ sơ

  • Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định;
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
  • Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo.
  • Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;
  • Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014 để gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Cấp giấy phép xây dựng:

  • Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
  • Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản này.

Như vậy, trình tự giải quyết hồ sơ cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở sẽ diễn ra theo các bước được liệt kê chi tiết ở trên.

Luật sư tư vấn thủ tục xin cấp giấy phép

Khi đến với dịch vụ luật sư tư vấn thủ tục xin cấp giấy phép Long Phan PMT, quý khách sẽ nhận được các dịch vụ sau:

  • Tư vấn các quy định pháp luật về giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở;
  • Tư vấn chi tiết về trình tự, thủ tục cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở;
  • Hỗ trợ soạn thảo văn bản, đơn từ và chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép sửa chữa, xây dựng nhà ở;
  • Nhận đại diện ủy quyền để thay mặt khách hàng thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, xây dựng nhà ở;
  • Giải quyết các vấn đề khác liên quan đến thủ tục cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở.

Thủ tục xin giấy phép xây dựng là một trong những bước quan trọng khi chủ đầu tư muốn sửa chữa, cải tạo nhà ở khi không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép. Bài viết trên của Luật Long Phan PMT đã cung cấp các thông tin liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở. Nếu Quý khách có nhu cầu cần được tư vấn, vui lòng liên hệ 1900.63.63.87 hoặc Luật sư xây dựng để được hỗ trợ nhanh chóng.

>> Có thể bạn quan tâm:

Chuyên viên pháp lý Tham vấn Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Huỳnh Nhi

Huỳnh Nhi - Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn về lĩnh vực hành chính và đất đai. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện, thay mặt làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87