Cách xử lý xây dựng nhà sai giấy phép mà không thể thực hiện hoàn công là việc mà nhiều chủ công trình quan tâm khi không thể hoàn công nhà ở. Bởi thủ tục hoàn công là bước kiểm duyệt cuối cùng để cơ quan có thẩm quyền công nhận tính pháp lý của công trình đó. Vì vậy, chủ công trình cần phải tìm hiểu rõ các cách xử lý và mức xử phạt khi xây dựng nhà sai phép. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn cách xử lý khi nhà xây dựng sai giấy phép không thể hoàn công.
Mục Lục
Có được hoàn công khi nhà xây dựng sai giấy phép
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể hoàn công công trình xây dựng là gì. Hoàn công hay còn gọi là Hoàn thành công trình xây dựng có thể được hiểu là việc cá nhân, tổ chức được cấp phép xây dựng đối với công trình đã hoàn tất việc xây dựng và nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và đưa vào sử dụng.
Những công trình đã được cấp phép xây dựng phải thực hiện thủ tục hoàn công công trình xây dựng. Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật xây dựng. (khoản 2 Điều 123 Luật Xây dựng 2014)
Có thể thấy, hoàn công công trình xây dựng là thủ tục nghiệm thu, thông báo hoàn tất công trình, cần thiết để đánh giá việc thi công có theo đúng giấy phép được cấp hay không. Đồng thời, hoàn công còn để xác nhận về chất lượng thi công công trình xây dựng không gây ảnh hưởng lớn đến an toàn khai thác, sử dụng công trình.
Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014 quy định, xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Khoản 17 Điều 16 Nghị Định 16/2022/NĐ-CP quy định: Đối với trường hợp xây dựng không đúng giấy phép được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014 thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp.
Căn cứ khoản 1 Điều 98 Luật Xây Dựng 2014 quy định về các trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng bao gồm :
- Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
- Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
- Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, nếu xây dựng nhà ở sai giấy phép thuộc các trường hợp phải điều chỉnh giấy phép như trên thì bắt buộc phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Sau khi đã điều chỉnh giấy phép xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì nhà ở sẽ được thực hiện thủ tục hoàn công.
Như vậy, nhà ở xây dựng sai giấy phép xây dựng theo nguyên tắc sẽ không thể được hoàn công. Nếu muốn thực hiện thủ tục hoàn công thì chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng cho phù hợp với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 14 Điều 16 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai, xây nhà sai giấy phép có thể được hoàn công nếu có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, khi muốn hoàn công nhà xây dựng sai phép thì cần đến cơ quan có thẩm quyền xin xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
>>> Xem thêm: Có cần thực hiện thủ tục hoàn công khi sửa chữa, cải tạo nhà không?
Nhà ở xây dựng sai giấy phép
Cách thức xử lý khi không thể hoàn công nhà ở xây dựng sai giấy phép
Như phân tích ở trên, khi nhà ở xây dựng sai giấy phép mà không thể thực hiện hoàn công, chủ đầu cần phải thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng. Sau khi đã điều chỉnh giấy phép xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nhà ở vẫn được thực hiện thủ tục hoàn công.
Căn cứ Điều 102 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bổ sung 2020), Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ, thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:
- Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02;
- Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;
- Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế xây dựng điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng điều chỉnh triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46 hoặc Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng;
Căn cứ theo Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thẩm quyền giải quyết hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ:
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định;
Bước 4: Thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đáp ứng được yêu cầu theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực địa;
- Trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh, cơ quan có thẩm quyền xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc với thực tế để thông báo cho người nộp yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ:
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản đã thông báo thì tiếp tục gửi thông báo hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ;
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bổ sung hồ sơ, nếu hồ sơ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo thông báo thì ra quyết định từ chối cấp giấy phép (có nêu rõ lý do).
Bước 5: Lấy ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng để gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật
Bước 6: Trả kết quả điều chỉnh giấy phép xây dựng
- Cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh công trình là 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; đối với nhà ở riêng lẻ là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 3 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, nếu không thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn hợp thức hóa nhà xây dựng không phép, sai phép
Xử phạt hành vi vi phạm khi xây dựng nhà sai phép
Căn cứ khoản 4, khoản 6 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, khi xây dựng nhà sai phép, chủ đầu tư có thể bị xử phạt hành chính với các mức phạt như sau:
Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn, mức xử phạt được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới, mức xử phạt được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Như vậy, khi xây dựng nhà sai phép thì có thể bị xử phạt hành chính với các mức phạt như trên.
>>>Xem thêm: Quy định xử phạt khi xây dựng sai phép, trái phép
Dịch vụ luật sư tư vấn khi xây dựng nhà sai phép
Luật Long Phan PMT sẽ cung cấp cho quý khách dịch vụ luật sư tư vấn khi xây nhà sai phép như sau:
- Tư vấn các trường hợp xây dựng nhà sai phép;
- Tư vấn các cách xử lý khi xây dựng nhà sai phép không thực hiện được thủ tục hoàn công
- Tư vấn hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng mới nhất
- Tư vấn thủ tục hoàn công nhà ở, công trình khác;
- Tư vấn mức phạt vi phạm xây dựng nhà trái phép;
- Tư vấn các vấn đề pháp lý khác có liên quan.
- Hỗ trợ soạn thảo đơn từ, tài liệu;
- Đại diện khách hàng thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng; thực hiện các công việc khác có liên quan;
Tư vấn khi xây dựng nhà sai phép
Cách xử lý xây dựng nhà sai giấy phép mà không thể thực hiện hoàn công đã được trình bày cụ thể trong bài viết trên. Khi xây dựng nhà ở sai phép mà không thể hoàn công bạn có thể đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xin điều chỉnh lại giấy phép xây dựng. Bài viết trên đã tư vấn khái quát về cách xử lý xây dựng nhà sai phép mà không thể thực hiện hoàn công. Nếu còn thắc mắc về vấn đề trên hoặc cần sử dụng dịch vụ luật sư xây dựng hãy liên hệ đến hotline: 1900.63.63.87 để được Hướng dẫn thủ tục hoàn công công trình xây dựng mới nhất 2024
>> Có thể bạn quan tâm:
- Có cần thực hiện thủ tục hoàn công khi sửa chữa, cải tạo nhà không?
- Cách xử lý xây dựng nhà sai giấy phép mà không thể thực hiện hoàn công
- Thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở
Tôi cần làm hoàn công cho căn nhà xây sai phép tại Q12 tp HCM
Kính chào Quý Khách! Cảm ơn Quý Khách đã liên hệ. Quý Khách vui lòng để ý điện thoại, chuyên viên tư vấn của Chúng tôi sẽ sớm liên hệ tư vấn.