Thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015. Khi xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, nếu không hoà giải được thì các bên có thể tiến hành khởi kiện ra. Cách xử lý khi xảy ra tranh chấp di sản thừa kế cụ thể sẽ được giải đáp cho bạn trong bài viết dưới đây.
Giải quyết tranh chấp thừa kế
Mục Lục
Hình thức thừa kế theo quy định của pháp luật
Thừa kế theo di chúc
Thừa kế theo di chúc
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Căn cứ Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng
Thứ nhất, di chúc băn văn bản bao gồm:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có công chứng.
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Thứ hai, di chúc bằng miệng
Theo quy định tại Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng miệng được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Người được hưởng thừa kế theo di chúc khi người chết có để lại di chúc và di chúc đó có hiệu lực pháp luật, người thừa kế vào thời điểm mở thừa kế còn sống hoặc cơ quan, tổ chức vẫn còn tồn tại và không từ chối việc nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật
Thứ nhất, các trường hợp thừa kế theo pháp luật
Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, các trường hợp sau đây thừa kế theo pháp luật:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Bên cạnh đó, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Thứ hai, người thừa kế theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 651 những người sau đây được thừa kế theo pháp luật:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Những cơ sở giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế
Các trường hợp có thể yêu cầu để giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Di chúc không có hiệu lực do người lập di chúc vào thời điểm lập không đủ tỉnh táo, minh mẫn hoặc bị ép buộc lập di chúc. Hoặc di chúc vi phạm về hình thức được quy định theo pháp luật. Trong di chúc quy định về điều cấm của pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội.
- Việc chia di sản trong di chúc không đảm bảo quyền lợi của các đối tượng được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mất khả năng lao động.
- Người thừa kế không thực hiện nghĩa vụ đối với phần di sản được hưởng thừa kế.
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan được hưởng di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế
Thời hiệu khởi kiện đối với di sản thừa kế
Thời hiệu khởi kiện thừa kế
Thời hiệu khởi kiện đối với di sản thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế
Hồ sơ khởi kiện
Theo quy định tại khoản 4, 5 Diều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện (mẫu số 23 – DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017
- Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản
- Giấy chứng tử của người để lại di sản
- Di chúc
- Bản kê khai di sản
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản của người để lại di sản
- Giấy tờ liên quan đến việc từ chối nhận di sản (nếu có)
Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Thủ tục khởi kiện
Khi tranh chấp xảy ra các đương sự nộp đơn khởi kiện đến Tòa án cấp có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự như sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng một trong các phương thức sau
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến thông qua Cổng dịch công Quốc gia (nếu có).
Bước 2: Toà án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện
Thứ nhất, tiếp nhận đơn
- Nếu nộp trực tiếp, Tòa án cấp ngay giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện
- Nếu nộp theo đường dịch vụ bưu chính, Tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn
- Nếu nộp bằng phương thức gửi trực tuyến, Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (nếu có)
Thứ hai, xử lý đơn
Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Thụ lý đơn khởi kiện
Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi xét thấy hồ sơ khởi kiện đầy đủ và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ ra thông báo cho người khởi kiện thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.
Theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.
Bước 5: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng
Bước 6: Thẩm phán ban hành bản án hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên về việc giải quyết tranh chấp thừa kế
Bước 7: Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị
Theo quy định của Điều 270, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án
- Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
- Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Tư vấn giải quyết tranh chấp thừa kế
Luật Long Phan PMT cung cấp đến các dịch vụ giải quyết tranh chấp thùa kế sau đây:
- Tư vấn các để giải quyết tranh chấp thừa kế theo từng trường hợp cụ thể
- Tư vấn giải quyết tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài
- Tư vấn, phân tích vấn đề đang tranh chấp thừa kế của khách hàng để đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp phù hợp
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp thùa kế
- Tư vấn chuẩn bị hồ sơ, tài liệu giải quyết tranh chấp
- Soạn thảo đơn từ và các văn bản khác có liên quan trong suốt quá trình khởi kiện
- Đưa ra các luận cứ và tham gia tranh tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng
- Tư vấn các vấn đề khác có liên quan.
Khi xảy ra tranh chấp, các bên cần nắm vững quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế. Trên đây là hướng giải quyết khi xảy ra tranh chấp về di sản thừa kế. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất hãy liên hệ LUẬT SƯ DÂN SỰ hoặc qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được hỗ trợ và tư vấn luật thừa kế. Xin cảm ơn!
Các bài viết liên quan có thể bạn quan tâm:
- Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
- Giải quyết tranh chấp di sản khi xuất hiện người thừa kế mới
- Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế là nhà ở tái định cư
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.