Giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ là vấn đề pháp lý phức tạp, đòi hỏi sự cân bằng giữa quyền lợi các bên và lợi ích tối cao của người cần được bảo vệ. Khi người giám hộ không thực hiện đúng nghĩa vụ quản lý tài sản hoặc xảy ra mâu thuẫn về quyền giữ tài sản, việc can thiệp của pháp luật trở nên cần thiết. Người được giám hộ – những cá nhân yếu thế trong xã hội như trẻ em mồ côi, người mất năng lực hành vi dân sự – cần được bảo vệ khỏi những rủi ro về tài sản. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết quy trình pháp lý để giải quyết các tranh chấp này một cách hiệu quả nhất.

Quyền quản lý tài sản của người được giám hộ và các tranh chấp thường gặp
Quyền quản lý tài sản của người được giám hộ là một trong những quyền quan trọng nhất của người giám hộ, được pháp luật quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ lợi ích của những người không có khả năng tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều tranh chấp phát sinh từ việc người giám hộ lạm dụng quyền hạn, quản lý không minh bạch hoặc xung đột lợi ích với người được giám hộ, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời của cơ quan có thẩm quyền. Những tranh chấp này không chỉ ảnh hưởng đến tài sản mà còn tác động trực tiếp đến quyền lợi, tương lai của người được giám hộ.
Quyền quản lý tài sản của người được giám hộ
Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Bộ luật dân sự năm 2015 thì ngừoi được giám hộ bao gồm :
- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
- Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Đối với chế độ pháp lý của người giám hộ về quản lý tài sản của người được gíam hộ được quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 57 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 59 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
- Đối với người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự:
- Có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.
- Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
- Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.
- Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
- Đối với người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi như quy định trên.
Lưu ý: Đối với việc giám hộ thì một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người. Tuy nhiên, người được giám hộ chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.
Các tranh chấp thường gặp
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền giám hộ, các mâu thuẫn về quản lý tài sản thường phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được giám hộ. Sau đây là các tranh chấp thường gặp:
- Tranh chấp vai trò giám hộ và không đồng thuận việc quản lý tài sản thường xảy ra khi có nhiều người thân trong gia đình không thống nhất về người đảm nhận vai trò người giám hộ. Tình huống này phổ biến khi cha mẹ của người chưa thành niên qua đời và các thành viên gia đình như ông bà, cô chú đều muốn đảm nhận việc chăm sóc. Bất đồng về phương thức quản lý tài sản, việc sử dụng tiền bạc cho mục đích giáo dục, y tế của người được giám hộ cũng là nguyên nhân gây tranh chấp. Các bên thường không thống nhất về việc bán tài sản, cho thuê nhà đất hoặc đầu tư kinh doanh từ tài sản của người được giám hộ
- Xung đột lợi ích giữa tài sản của người giám hộ và người được giám hộ phát sinh khi ranh giới quản lý không rõ ràng. Người giám hộ có thể lẫn lộn tài sản cá nhân với tài sản của người được giám hộ, dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích.
- Năng lực của người được giám hộ và xung đột với người giám hộ thường xảy ra khi người được giám hộ phục hồi năng lực hoặc đạt đến độ tuổi có khả năng nhận thức. Người được giám hộ có thể không đồng ý với các quyết định quản lý tài sản trước đây của người giám hộ. Tranh chấp phát sinh khi người được giám hộ yêu cầu quyết toán, bàn giao tài sản nhưng người giám hộ không hợp tác hoặc không thể chứng minh việc quản lý minh bạch.
Các phương thức giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ
Khi phát sinh mâu thuẫn liên quan đến việc quản lý tài sản của người được giám hộ, các bên có thể lựa chọn nhiều phương thức khác nhau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Việc giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ có thể được tiến hành thông qua hai con đường chính: giải quyết ngoài tố tụng bằng thương lượng, hòa giải hoặc đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền thông qua thủ tục khởi kiện. Mỗi phương thức đều có những ưu điểm và trình tự thực hiện riêng biệt.
Thương lượng, hòa giải
Thương lượng, hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ. Tuy nhiên, đây là phương thức được khuyến khích khi giải quyết các tranh chấp để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên.
Quý khách hàng nên ưu tiên phương thức hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký hộ tịch của người được giám hộ trước khi khởi kiện ra tòa. Hòa giải cơ sở là giải pháp tiết kiệm thời gian, chi phí và giúp duy trì mối quan hệ gia đình.
Trường hợp hòa giải không thành, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ lập biên bản và hướng dẫn các bên thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Việc đã thực hiện hòa giải ở cơ sở sẽ được Tòa án ghi nhận như một nỗ lực thiện chí của các bên trong giải quyết tranh chấp quyền giám hộ.
Khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền
Khi khởi kiện giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ, cần lưu ý yêu cầu khởi kiện phải bao gồm việc thay đổi người giám hộ nếu tranh chấp liên quan đến vai trò giám hộ. Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp khi có yêu cầu cụ thể về việc chấm dứt quyền giám hộ của người hiện tại và chỉ định người giám hộ mới. Việc xác định đúng yêu cầu khởi kiện là yếu tố quan trọng quyết định việc Tòa án thụ lý vụ án.
Thẩm quyền tòa án
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sau đây gọi là BLTTDS 2015) thì tranh chấp về quyền quản lý tài sản của người được giám hộ là tranh chấp dân sự thuộc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân nơi người bị kiện cư trú.
Kể từ ngày 01/7/2025, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ không còn nữa. Căn cứ Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP, Tòa án nhân dân khu vực sẽ tiếp nhận và giải quyết sơ thẩm đối với những tranh chấp trên.
Đơn kiện và thành phần hồ sơ
Căn cứ theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì hồ sơ khởi kiện phải bao gồm:
- Đơn khởi kiện theo Mẫu 23-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ngày 13/01/2017
- Phải có yêu cầu cụ thể về việc thay đổi người giám hộ, yêu cầu quyết toán tài sản
- Tài liệu đính kèm: bản sao giấy khai sinh người được giám hộ, các tài liệu chứng minh việc quản lý tài sản, biên bản hoà giải không thành (nếu có)
Thủ tục thụ lý
Thủ tục thụ lý vụ án được thực hiện theo Điều 195 BLTTDS 2015. Khi nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán sẽ xem xét liệu vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không. Nếu có, Thẩm phán sẽ thông báo cho người khởi kiện về việc nộp tạm ứng án phí. Người khởi kiện có 07 ngày để nộp tiền và biên lai cho Tòa án. Nếu người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tạm ứng án phí, Thẩm phán sẽ thụ lý vụ án ngay lập tức.
>>>> Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp quyền giám hộ

Căn cứ tòa án giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ
Để giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ một cách khách quan và đúng pháp luật, Tòa án sẽ dựa trên việc xem xét, đánh giá toàn diện nhiều nguồn chứng cứ và cơ sở pháp lý khác nhau. Quá trình xét xử không chỉ dựa vào lời trình bày của các bên mà còn căn cứ vào tính hợp pháp của việc xác lập quyền giám hộ, ý kiến từ người giám sát, lời khai của các bên thứ ba có liên quan và đặc biệt là mục đích cuối cùng trong mọi hành vi quản lý tài sản của người giám hộ.
Căn cứ xác lập quyền của người giám hộ
Tòa án xem xét tính hợp pháp trong việc xác lập quyền của người giám hộ hiện tại dựa trên các quy định tại Điều 48, 49, 50 Bộ luật Dân sự 2015. Người giám hộ phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự, tư cách đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác. Tòa án kiểm tra quyết định cử người giám hộ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc quyết định chỉ định của Tòa án trước đây, việc đăng ký giám hộ tại cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt, đối với trường hợp người được giám hộ trước đây đã lựa chọn người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật dân sự 2015, Tòa án ưu tiên tôn trọng ý chí này nếu người được lựa chọn vẫn đủ điều kiện và đồng ý làm người giám hộ. Văn bản lựa chọn người giám hộ phải được công chứng hoặc chứng thực mới có giá trị pháp lý. Tòa án cũng xem xét khả năng thực tế của người muốn trở thành người giám hộ mới, bao gồm điều kiện kinh tế, nơi cư trú, mối quan hệ với người được giám hộ để đảm bảo việc giám hộ được thực hiện tốt nhất.
>>>> Xem thêm: Mẫu đơn đăng ký giám hộ
Ý kiến của người giám sát về việc quản lý tài sản của người được giám hộ
Căn cứ theo khoản 4 Điều 51 Bộ luật dân sự 2015 về quyền và nghĩa vụ của ngừoi giám sát phải có ý kiến kịp thời bằng văn bản về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ.
Người giám sát việc giám hộ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin khách quan cho Tòa án về tình hình quản lý tài sản của người giám hộ. Ý kiến của người giám sát được Tòa án cân nhắc như một chứng cứ quan trọng, đặc biệt khi có sự chênh lệch giữa báo cáo của người giám hộ và thực tế quản lý. Người giám sát thường là người thân trong gia đình, đại diện Ủy ban nhân dân xã hoặc tổ chức xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện giám hộ.
Ý kiến của bên thứ ba trong các giao dịch về tài sản về người giám hộ đã thực hiện thay người được giám hộ (nếu có) – ví dụ như bên mua nhà đất của người được giám hộ
Bên thứ ba tham gia giao dịch với người giám hộ như bên mua nhà đất, bên cho vay, đối tác kinh doanh được Tòa án triệu tập để làm rõ các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ. Lời khai của bên thứ ba giúp Tòa án đánh giá tính thiện chí, giá cả hợp lý và mục đích thực sự của giao dịch. Ví dụ, trong trường hợp người giám hộ bán nhà đất của người được giám hộ, bên mua cần chứng minh đã kiểm tra kỹ thẩm quyền của người giám hộ, giá mua bán phù hợp thị trường và không có thỏa thuận ngầm gây thiệt hại cho người được giám hộ.
Mục đích của việc thực hiện quản lý tài sản của người được giám hộ của người giám hộ có tuân thủ nghĩa vụ tại điều 59 BLDS 2015 hay chưa?
Căn cứ theo Điều 59 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của người giám hộ trong việc quản lý tài sản phải vì lợi ích của người được giám hộ. Dựa trên quy định này thì Toà án đánh giá việc tuân thủ nghĩa vụ này thông qua việc kiểm tra các khoản chi tiêu từ tài sản có phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ hay không. Ngừoi giám hộ phải chứng minh mọi giao dịch đều nhằm bảo toàn hoặc phát triển tài sản, không được sử dụng vào mục đích cá nhân.

Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ
Luật sư Luật Long Phan PMT trong vụ án giải quyết tranh chấp quyền giám hộ và quyền giữ tài sản sẽ thực hiện các công việc sau cho Quý khách hàng:
- Tư vấn pháp luật chi tiết về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ, người được giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
- Đại diện cho khách hàng trong quá trình hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã
- Soạn thảo đơn khởi kiện và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cần thiết
- Đại diện tham gia các phiên tòa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng
- Tư vấn và hỗ trợ thực hiện quyết định của Tòa án sau khi có phán quyết
- Đại diện khách hàng trong quá trình thi hành án và giải quyết các vấn đề phát sinh
Câu hỏi thường gặp về giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ
Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi thường gặp về giải quyết tranh chấp quyền quản lý tài sản của người được giám hộ để làm rõ thêm một số vấn đề pháp lý có liên quan.
Khi nào người giám hộ phải bồi thường thiệt hại cho người được giám hộ?
Người giám hộ phải bồi thường khi: sử dụng tài sản vào mục đích cá nhân; thực hiện giao dịch gây thiệt hại; không bảo quản tài sản dẫn đến hư hỏng, mất mát; vi phạm nghĩa vụ quản lý theo Điều 59 BLDS 2015. Mức bồi thường bao gồm thiệt hại thực tế và lợi nhuận bị mất.
Có thể chỉ định nhiều người cùng giám hộ cho một người được giám hộ không?
Theo khoản 2 Điều 47 BLDS 2015, một người chỉ có thể được một người giám hộ, ngoại trừ hai trường hợp: cha mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông bà cùng giám hộ cho cháu. Không thể chỉ định nhiều người khác cùng giám hộ như cô chú, anh chị cùng giám hộ.
Điều gì xảy ra nếu Tòa án quyết định thay thế người giám hộ do quản lý tài sản sai phạm?
Nếu Tòa án quyết định thay thế người giám hộ, Tòa án sẽ chỉ định một người giám hộ mới (có thể là người giám hộ đương nhiên hoặc người giám hộ được cử) và ra lệnh cho người giám hộ cũ phải bàn giao tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến người được giám hộ cho người giám hộ mới.
Kết luận
Giải quyết tranh chấp quyền giám hộ về quản lý tài sản đòi hỏi sự am hiểu pháp luật và quy trình tố tụng chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ. Luật Long Phan PMT với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm sẵn sàng đồng hành cùng Quý khách trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Liên hệ ngay hotline 1900636387 để được tư vấn chi tiết về quyền giữ tài sản và các vấn đề pháp lý liên quan đến người giám hộ.
Tags: Giám hộ, Người được giám hộ, Quản lý tài sản, thủ tục tố tụng, Tranh chấp quyền giám hộ
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.