Có người thân đang bị tạm giữ, tạm giam hình sự là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của mình và người thân, mọi người luôn quan tâm đến các quy định liên quan đến tạm giữ, tạm giam. Vậy khi mình hoặc người thân bị tạm giữ thì chúng ta thực hiện điều gì để có thể đảm bảo được quyền lợi nhưng vẫn tuân thủ theo quy định pháp luật. Bài viết dưới đây của Luật Long Phan PMT sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
Làm gì khi có người thân đang bị tạm giữ, giam hình sự
Mục Lục
- 1 Những đối tượng bị tạm giam theo quy định
- 2 Người nhà có được phép gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam hay không ?
- 3 Trường hợp không được gặp thân nhân khi bị tạm giam
- 4 Thủ tục gặp người bị tạm giam
- 4.1 Thủ tục gặp người bị tạm giam
- 4.2 Bước 1:
- 4.3 Bước 2:
- 4.4 Bước 3:
- 4.5 Lưu ý
- 5 Người thân bị tạm giữ trái quy định thì cần làm gì?
Những đối tượng bị tạm giam theo quy định
Theo khoản 2 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì “Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015”, bao gồm:
- Bị can;
- Bị cáo;
- Người bị kết án phạt tù;
- Người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án;
- Người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
Người nhà có được phép gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam hay không ?
Tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau: người bị tạm giam được quyền gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự. Bên cạnh đó căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì:
- Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
- Trong đó, theo khoản 8 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thân nhân của người bị tạm giam, tạm giữ. Người thân được gặp người bị tạm giam một lần trong tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần không quá một giờ.
>>> Xem thêm: Mẫu đơn xin gặp người bị tạm giữ tạm giam
Trường hợp không được gặp thân nhân khi bị tạm giam
Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, các trường hợp không được thăm người bị tạm giữ, tạm giam bao gồm:
- Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
- Cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án;
- Người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
- Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
- Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
- Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật.
Nếu thuộc một trong các trường hợp trên, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có quyền không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam nhưng phải nêu rõ lý do không cho gặp cho người yêu cầu đến thăm.
Thủ tục để gặp người thân đang bị tạm giam, tạm giữ
Thủ tục gặp người bị tạm giam
Thủ tục gặp người bị tạm giam
Theo khoản 2 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; khoản 2 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định thủ tục xin gặp người bị tạm giữ, tạm giam như sau:
Bước 1:
Thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau:
Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân,
Giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân,
Người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh;
Giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Bước 2:
Theo Khoản 1 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Khoản 3, 4, 5, Điều 4, Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định thời gian thăm người bị tạm giữ, tạm giam, cụ thể:
- Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.
- Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ.
- Trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được giải quyết gặp thân nhân một lần.
Bước 3:
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
>>> Xem thêm: Thủ tục xin gặp người nhà bị tạm giam
Lưu ý
- Theo khoản 8 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA thì ngôn ngữ sử dụng trong thăm gặp là tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải có phiên dịch hoặc cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó tham gia.
- Đối với trường hợp người bị tạm giam là người nước ngoài thì theo khoản 5 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Khoản 1 Điều 12 Nghị định 120/2017/NĐ-CP, việc thăm gặp vẫn được thực hiện theo thủ tục, thời gian được nêu ở trên.
Người thân bị tạm giữ, tạm giam trái quy định pháp luật
Người thân bị tạm giữ trái quy định thì cần làm gì?
Bắt, giữ người trái pháp luật được hiểu là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục. Cụ thể:
- Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người mà không có lệnh của người có thẩm quyền, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc có lệnh bắt người nhưng thực hiện không đúng thủ tục.
- Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật; giữ người không khi có lệnh của người có thẩm quyền; tạm giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ.
Theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì người nào bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trừ trường hợp phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi tại Điều 153 và lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 337 của Bộ luật này.
>>> Xem thêm: Thuê luật sư bảo lĩnh người nhà bị tạm giữ hình sự
Việc bắt tạm giữ, tạm giam là một biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi người thân bị tạm giữ, tạm giam, việc đến thăm cũng cần tuân thủ theo trình tự và đáp ứng các điều kiện cần thiết. Trên đây là bài viết về vấn đề làm gì khi có người thân bị tạm giữ hình sự. Nếu có thắc mắc hoặc cần sự hỗ trợ của LUẬT SƯ HÌNH SỰ, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.