Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ để điều tra hình sự là một trong những để quan trọng cần được quan tâm nhằm bảo vệ người bị tạm giữ trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về biện pháp ngăn chặn này, Luật sư hình sự của Luật Long Phan PMT sẽ đi trình bày cụ thể hơn về “quyền và nghĩa” vụ của người bị tạm giữ theo thủ tục hình sự.
Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ để điều tra hình sự
Mục Lục
Các trường hợp bị tạm giữ để điều tra hình sự
Biện pháp tạm giữ là một trong những biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2017. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 quy định các trường hợp bị tạm giữ để điều tra hình sự. Cụ thể:
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (đã có lệnh giữ của người có thẩm quyền)
- Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang
- Người bị bắt theo quyết định truy nã của cơ quan có thẩm quyền
- Người phạm tội tự thú, đầu thú
Như vậy, đối với một trong những trường hợp trên, cơ quan, người có thẩm quyền giữ người, bắt người theo quy định của BLTTHS 2015 có thể áp dụng biện pháp tạm giữ để điều tra hình sự.
>>> Xem thêm: Trường hợp nào được phép bắt người
Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ để điều tra hình sự
Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ được quy định theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.
Người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa
>>> Xem thêm: Người Chưa Đủ 18 Tuổi Bị Tạm Giam Bao Lâu?
Quyền của người bị tạm giữ
Người bị tạm giữ để điều tra hình sự theo quy định tại Điều 59 BLTTHS 2015 trong thời hạn tạm giữ có những quyền sau:
- Được biết lý do bị tạm giữ, nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của BLTTHS.
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ: cơ quan có thẩm quyền khi tạm giữ người phải thông báo và giải thích những quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ cho họ biết.
- Khi trình bày lời khai, trình bày ý kiến không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay buộc phải thừa nhận hành vi phạm tội: Người bị tạm giữ để điều tra có quyền trình bày về những vấn đề liên quan đến việc họ bị tạm giữ. Đây là quyền không phải là nghĩa vụ của họ, do đó họ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc phải nhận mình có tội. Trong trường hợp này, họ có quyền im lặng.
- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa cho mình hoặc nhờ người khác có hiểu biết sâu rộng về luật pháp để bào chữa cho mình hoặc yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu: Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ có quyền cung cấp những tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra để chứng minh sự trong sạch của mình hoặc củng cố thêm sự tin cậy trong lời khai của bản thân. Họ cũng có quyền yêu cầu cơ quan điều tra đưa ra những cơ sở tạm giữ họ.
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá: Đối với những tài liệu, chứng cứ, đồ vật liên quan đến vụ án, người bị tạm giữ có quyền đưa ra quan điểm, ý kiến của mình đồng thời yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá trong trường hợp có cơ sở cho rằng tài liệu chứng cứ thiếu tính chính xác, khách quan.
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ: Người bị tạm giữ có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật, quyết định tạm giữ sai quy định, khiếu nại các quyết định khác có liên quan đến việc tạm giữ xâm phạm quyền lợi của người bị tạm giữ.
Bên cạnh những quyền trên, người bị tạm giữ còn được hưởng những quyền lợi khác theo quy định tại Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015:
- Được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm;
- Đảm bảo chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế;
- Được gặp người thân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu bị tạm giữ trái luật;
- Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi quy định của pháp luật về tạm giữ.
Nghĩa vụ của người bị tạm giữ
Song song với quyền lợi được hưởng khi bị tạm giữ, người bị tạm giữ để điều tra phải thực hiện những nghĩa vụ sau:
- Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ: trong thời hạn bị tạm giữ để điều tra, người bị tạm giữ phải nghiêm túc tuân thủ, chấp hành các quy định, yêu cầu của đơn vị quản lý tạm giữ;
- Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Bộ luật tố tụng hình sự về tạm giữ người
Nhìn chung, đây là những nghĩa vụ cơ bản mà người bị tạm giữ trong quá trình điều tra hình sự phải tuân thủ thực hiện. Mọi hành vi làm trái quy định của pháp luật trong thời hạn tạm giam có thể là cơ sở tạo tình thế bất lợi cho người bị tạm giữ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Luật sư bảo vệ khách hàng khi bị tạm giữ để điều tra hình sự
Luật sư bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi bị tạm giữ
>>> Xem thêm: Điều Kiện Bảo Lãnh Cho Người Bị Tạm Giam
Việc tạm giữ người để điều tra hình sự có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người bị tạm giữ. Sự có mặt của luật sư sẽ giúp khách hàng dễ dàng giải quyết vụ việc hơn, người bị tạm giữ có thể kết thúc thời hạn tạm giam nhanh hơn. Bởi luật sư sẽ giúp giải quyết những vấn đề sau:
- Ngăn chặn, xử lý khi khách hàng bị xâm phạm quyền lợi trong quá trình lấy lời khai;
- Thu thập tài liệu, chứng cứ có lợi để bảo vệ khách hàng;
- Thay mặt khách hàng thực hiện các công việc mà họ bị hạn chế trong thời hạn tạm giữ;
- Làm việc trực tiếp với cơ quan điều tra;
- Đại diện khách hàng gửi đơn khiếu nại, tố cáo đối với những quyết định, hành vi vi phạm pháp luật;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả tự do cho khách hàng khi hết thời hạn tạm giữ
- Tham gia phiên tòa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong trường hợp vụ án hình sự được đưa ra xét xử;
Như vậy, bài viết trên đã cung cấp đầy đủ và chi tiết những quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ để điều tra hình sự. Quý bạn đọc nếu chưa hiểu rõ hay có vấn đề khác cần giải đáp về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự thì có thể liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ miễn phí. Xin cảm ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.