Hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký có hiệu lực không?

Hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký kết là trường hợp hợp đồng do nhân viên của một pháp nhân đại diện pháp nhân này ký kết để đặt cọc thuê mặt bằng. Vậy theo quy định của pháp luật thì hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký kết có hiệu lực hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin để giải đáp vấn đề này.

Giá trị pháp lý của hợp đồng đặt cọc do nhân viên ký

Hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký kết

Hợp đồng đặt cọc là gì?

Pháp luật không quy định cụ thể về khái niệm của hợp đồng đặt cọc, tuy nhiên có thể hiểu bản chất của hợp đồng đặt cọc thông qua khái niệm hợp đồng và đặt cọc tại Điều 328 và Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

  • Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
  • Đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Như vậy, hợp đồng đặt cọc là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc tài sản đặt cọc trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng?

Chủ thể giao kết

Căn cứ các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), chủ thể có quyền giao kết hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng bao gồm:

Thứ nhất, chủ thể giao kết là cá nhân:

  • Người thành niên (trừ trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi và người bị hạn chế hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật giao kết hoặc đồng ý);
  • Người chưa thành niên khi giao kết hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp người chưa đủ 06 tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện).

Trường hợp chủ thể giao kết là pháp nhân: vì pháp nhân không thể tự mình giao kết các hợp đồng, vì vậy người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền sẽ là người trực tiếp ký kết hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng. Do đó, người đại diện sẽ cũng phải đáp ứng các điều kiện để giao kết hợp đồng như với cá nhân và việc giao kết phải nằm trong phạm vi đại diện.

Thứ hai, chủ thể giao kết phải hoàn toàn TỰ NGUYỆN.

Nội dung, mục đích của hợp đồng

Căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 117 BLDS 2015; nội dung và mục đích của hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Ví dụ: A ký kết hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng của B với mục đích thuê là để làm nơi sản xuất ma túy. Vậy hợp đồng này vô hiệu vì mục đích giao kết vi phạm điều cấm của luật.

Hình thức của hợp đồng

Căn cứ Khoản 1 Điều I của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP, hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng phải được lập thành văn bản.

Các trường hợp vô hiệu của hợp đồng

Theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Dân sự 2015 quy định Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác. Theo đó, các trường hợp hợp đồng vô hiệu được quy định cụ thể từ Điều 123 đến Điều 129, Bộ luật Dân sự 2015.

Hợp đồng vô hiệu trong các trường hợp cụ thể sau:

  • Do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
  • Do giả tạo;
  • Do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
  • Do bị nhầm lẫn;
  • Do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
  • Do không tuân thủ quy định về hình thức

Các trường hợp vô hiệu của hợp đồng

Đặt cọc thuê mặt bằng

Hiệu lực của hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký kết

Trong trường hợp mà pháp nhân là một bên trong hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng và nhân viên của pháp nhân là người trực tiếp ký kết. Ngoài những điều kiện có hiệu lực được đề cập bên trên, để hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng được ký kết bởi nhân viên có hiệu lực và phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với pháp nhân thì còn phải thỏa mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất, nhân viên ký kết là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền.

Căn cứ Khoản 1, Điều 137 BLDS 2015, người đại diện theo pháp luật bao gồm:

  • Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
  • Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
  • Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Thông thường, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là những người điều hành, quản lý nắm giữ các chức danh quan trọng của pháp nhân như: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc đối với công ty cổ phần,…

Trong trường hợp nhân viên ký kết hợp đồng theo ủy quyền của pháp nhân thì khi ký kết hợp đồng cần xuất trình được giấy ủy quyền của pháp nhân.

Thứ hai, nhân viên đại diện pháp nhân ký kết hợp đồng cũng phải đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng về chủ thể giao kết là cá nhân như đề cập bên trên.

Thứ ba, việc ký kết hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng phải thuộc phạm vi đại diện của nhân viên ký kết. Phạm vi đại diện căn cứ vào:

  • Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
  • Điều lệ của pháp nhân;
  • Nội dung ủy quyền;
  • Quy định khác của pháp luật.

Như vậy, khi hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký kết thỏa mãn được các điều kiện trên thì lúc đó hợp đồng có hiệu lực và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của pháp nhân mà nhân viên đại diện ký kết.

Hiệu lực của hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký

Nhân viên ký kết hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng

>>> Xem thêm: NGƯỜI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN KÝ THÌ XỬ LÝ THẾ NÀO?

Tại sao lại cần luật sư tư vấn đối với hợp đồng đặt cọc

Luật sư hỗ trợ, tư vấn các vấn đề sau:

  • Các quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng đặt cọc;
  • Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đặt cọc;
  • Hướng giải quyết tốt nhất đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng đặt cọc;
  • Hỗ trợ đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng đặt cọc để triệt tiêu rủi ro;
  • Nhận ủy quyền thay mặt khách hàng tham gia phiên tòa giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Trên đây là bài viết tư vấn các quy định của pháp luật về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc thuê mặt bằng do nhân viên ký kết. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về các vấn đề khác liên quan cần TƯ VẤN LUẬT HỢP ĐỒNG, hãy liên hệ ngay đến luật sư hợp đồng qua số hotline: 1900.63.63.87 để được tư vấn. Xin cảm ơn.

Scores: 4.7 (36 votes)

Luật sư: Thạc Sĩ - Luật Sư Phan Mạnh Thăng

Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng thành viên đoàn luật sư Tp.HCM. Founder Công ty luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn giải quyết các vấn đề về đất đai, hợp đồng thương mại ổn thỏa và nhanh nhất. Với 7 năm kinh nghiệm của mình đã giải quyết thành công nhiều yêu cầu pháp lý của khách hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  Hotline: 1900.63.63.87