Cách tính thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại thường được đặt ra khi có tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực đặc thù như kinh doanh thương mại. Trên thực tế tuỳ thuộc vào một số yếu tố đặc thù mà mỗi vụ án sẽ có cách tính thời hiệu khởi kiện khác nhau. Bài viết dưới đây, Luật Long Phan sẽ thông tin đến quý khách hàng các quy định tính thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại.
Thời hiệu khởi kiện đối với những vụ án kinh doanh thương mại
Mục Lục
Quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện
Pháp luật định nghĩa về thời hiệu khởi kiện tại Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 (viết tắt là BLDS 2015), thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Khi thời hiệu khởi kiện kết thúc thì quyền khởi kiện của chủ thể cũng biến mất.
BLDS 2015 cũng quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện trong một số loại vụ án dân sự như sau:
- Thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng nói chung theo quy định tại Điều 429 BLDS 2015 là 03 năm, kể từ ngày một trong các bên có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm;
- Thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 588 BLDS 2015 là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.
Quy định về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại
Bản chất của tranh chấp kinh doanh thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra giữa các bên trong hoạt động kinh doanh thương mại. Dựa theo định nghĩa về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nói chung, khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại là thời hạn mà các bên tham gia hợp đồng thương mại có quyền khởi kiện đối với bên còn lại, khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những tranh chấp xảy ra đối với hợp đồng thương mại. Và nếu thời hiệu khởi kiện kết thúc thì các bên cũng mất quyền khởi kiện.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về tranh chấp kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, ngoài quy định chung về thời hiệu khởi kiện tại BLDS 2015 nêu trên, nguyên tắc tính thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại đặc thù trong một số lĩnh vực như sau:
- Thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm
Theo quy định tại Mục 2 Chương 1 Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC về một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại (viết tắt là Hướng dẫn 29/HD-VKSTC), thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp, căn cứ tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (viết tắt là LKDBH 2000).
Tuy nhiên, hiện nay Luật Kinh doanh bảo hiểm mới nhất có hiệu lực là năm 2022 (viết tắt là LKDBH 2022) đã loại bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện. Do đó, đối với những tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm có thể áp dụng theo BLDS 2015 để xác định. Theo đó, thời hiệu khởi kiện là 03 năm đối với tranh chấp về hợp đồng kể từ ngày một trong các bên có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, quy định tại Điều 429 BLDS 2015.
- Thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp trong thương mại
Theo quy định tại Điều 319 Luật Thương mại 2005 (viết tắt là LTM 2005), thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp trong thương mại là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trừ trường hợp tại Điểm e Khoản 1 Điều 237 LTM 2005.
Ví dụ: Ngày 05/4/2023, Công ty A ký hợp đồng mua bán hàng hóa là thép với Công ty B, các bên thỏa thuận trong hợp đồng là ngày 05/5/2023 bên B sẽ giao toàn bộ số hàng. Tuy nhiên, đến ngày 05/5/2023, Công ty B không giao hàng với lý do sự kiện bất khả kháng. Theo đó, tàu chuyên chở hàng phải thay đổi hải trình do cơn bão bất ngờ xuất hiện và dự kiến hàng sẽ đến chậm hơn 1 tháng. Lúc này, Công ty A sẽ có thời hạn 02 năm kể từ ngày 05/5/2023 để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết sự việc.
- Thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu Toà án huỷ bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn
Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi và bổ sung 2022 (viết tắt là LDN 2022), thời hiệu khởi kiện cho việc yêu cầu Toà án huỷ bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của LDN 2022 này và Điều lệ công ty.
- Thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 151 LDN 2022, thời hiệu khởi kiện là 90 ngày cho việc yêu cầu Toà án huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông.
Như vậy, phụ thuộc vào việc tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc một số trường hợp kể trên sẽ áp dụng các thời hiệu khởi kiện khác nhau hoặc sẽ áp dụng theo quy định chung tại BLDS 2015.
>>>Xem thêm: Thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng thương mại
Áp dụng thời hiệu khởi kiện cho một số trường hợp đặc thù
Cách tính và áp dụng thời hiệu khởi kiện
Cách tính thời hiệu khởi kiện áp dụng chung được quy định tại Khoản 1 Điều 154 BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu được quy định tại Điều 151 BLDS 2015.
Một số trường hợp không được áp dụng thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 155 BLDS 2015, áp dụng chung đối với cả lĩnh vực kinh doanh thương mại, bao gồm:
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp BLDS 2015 này, luật khác có liên quan quy định khác;
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai;
Ngoài ra, tại Điều 156 BLDS 2015 cũng quy định một số trường hợp cụ thể mà thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện, áp dụng chung cho cả lĩnh vực kinh doanh thương mại, bao gồm:
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu;
- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Như vậy, ngoài việc xác định thời hiệu khởi kiện theo một số lĩnh vực đặc thù, việc tính thời hiệu khởi kiện cũng được tính toán và áp dụng trong một số trường hợp cụ thể như trên.
Không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong một số trường hợp
>>>Xem thêm: Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại là bao lâu?
Luật sư tư vấn hỗ trợ các vấn đề thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại
Với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, Luật Long Phan giới thiệu tới quý khách hàng các dịch vụ luật sư tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại như sau:
- Tư vấn, hỗ trợ khách hàng xác định lĩnh vực tranh chấp;
- Tư vấn khách hàng xác định thời hiệu khởi kiện Tòa án trong tranh chấp;
- Tư vấn thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài đối với tranh chấp thương mại
- Tư vấn hướng giải quyết khi hết thời hiệu khởi kiện
- Tư vấn giải pháp pháp lý có lợi giải quyết tranh chấp các bên;
- Luật sư tư vấn khách hàng chuyên sâu về khởi kiện giải quyết tranh chấp;
- Luật sư đại diện khách hàng tham gia tranh tụng, giải quyết tranh chấp, làm việc với cơ quan có thẩm quyền.
>>>Xem thêm: Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án
Như vậy, thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp trong kinh doanh thương mại sẽ được xác định áp dụng chung là 03 năm, từ 90 ngày đến 02 năm tuỳ vào một số trường hợp lĩnh vực đặc thù. Bài viết trên, Luật Long Phan PMT cũng đã thông tin cho quý bạn đọc về chi tiết các xác định và áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nếu quý khách còn thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu sử dụng Dịch vụ Luật sư thay mặt tiến hành việc khởi kiện vui lòng liên hệ qua hotline: 1900.63.63.87 để được luật sư dân sự tư vấn tư vấn.
Các bài viết liên quan có thể bạn quan tâm:
- Quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự trong tố tụng dân sự
- Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng vận chuyển
- Thời hạn yêu cầu phản tố trong tranh chấp hợp đồng thương mại
- Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.