Con nuôi có được thừa kế thế vị không là một nội dung pháp lý tương đối phức tạp, đặc biệt là vấn đề về quyền thừa kế thế vị của con nuôi. Nhận thấy đây là một vấn đề “nóng” trong thực tiễn, công ty chúng tôi xin gửi đến độc giả bài viết sau đây nhằm cung cấp những kiến thức về con nuôi, đồng thời giải đáp các khúc mắc của quý độc giả về phân chia tài sảnthừa kế thế vị bao gồm nội dung về thủ tục và các điều kiện thủ hưởng.
Quyền thừa kế thế vị của con nuôi
Mục Lục
Quy định pháp luật về con nuôi
Điều kiện công nhận con nuôi hợp pháp
Để được công nhận việc nhận nuôi con nuôi là hợp pháp, người nhận nuôi và người được nhận nuôi phải đáp ứng những điều kiện theo Điều 8, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, cụ thể như sau:
Về người được nhận nuôi:
- Người được nhận nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi
- Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi được nhận nuôi nếu được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
- Chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc cả 2 người là vợ chồng
Về người nhận nuôi phải đáp ứng một số điều kiện như:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt;
- Không thuộc các trường hợp không được nhận nuôi con nuôi
Bên cạnh các quy định về chủ thể, việc nuôi con nuôi nếu muốn được pháp luật công nhận thì phải thực hiện một thủ tục pháp lý quan trọng, như theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 có đề cập về thuật ngữ con nuôi theo quy định:
Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.
Như vậy, ngoài phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể, việc nuôi con nuôi còn phải đáp ứng các điều kiện về mặt thủ tục để được công nhận là con nuôi hợp pháp.
>>> Xem thêm: Thừa kế thế vị có áp dụng đối với cháu của người chết là con nuôi?
Địa vị pháp lý của con nuôi
Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quy định:
Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Có thể thấy, theo quy định trên thì kể từ thời điểm xác lập quan hệ con nuôi thì quan hệ pháp luật giữa cha mẹ nuôi với con nuôi giống như quan hệ pháp luật giữa cha, mẹ đẻ với con đẻ. Và vì thế, cha mẹ nuôi sẽ có những nghĩa vụ và quyền đối với con theo quy định tại các Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 73, Điều 74, Điều 76, Điều 77 tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như: Nghĩa vụ và quyền giáo dục con; Đại diện cho con; Bồi thường thiệt hại do con gây ra; Quản lý tài sản riêng của con; Nghĩa vụ và quyền về chăm sóc và nuôi dưỡng,..
Đồng thời, con nuôi cũng sẽ có những quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ như con đẻ theo quy định như: quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, quyền được cha mẹ yêu thương, tôn trọng,… (quy định tại Điều 70, Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Như vậy, tóm lại, từ khi quan hệ con nuôi được xác lập hợp pháp thì địa vị pháp lý của con nuôi sẽ ngang bằng và giống như con đẻ.
Quyền thừa kế thế vị trong pháp luật dân sự
Định nghĩa
Căn cứ theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Thừa kế thế vị là trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, có thể hiểu nôm na việc thừa kế thế vị là việc cháu hưởng phần di sản của ông/bà thay cho cha/mẹ khi cha mẹ chết trước hoặc cùng lúc với ông/bà. Trường hợp cháu cũng chết trước hoặc chết cùng lúc với người để lại di sản thì chắt sẽ hưởng thay phần di sản mà cha/mẹ chắt được hưởng nếu còn sống.
Ai được nhận thừa kế thế vị
Căn cứ theo quy định định nghĩa về thừa kế thế vị đã phân tích ở trên thì có 2 chủ thể được đề cập có quyền được nhận thừa kế thế vị:
- Cháu của người để lại di sản có cha/mẹ được hưởng di sản nhưng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản.
- Chắt của người để lại di sản có cha/mẹ được hưởng di sản nhưng chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản.
Như vậy, 2 chủ thể được đề cập là cháu và chắt của người để lại di sản, đồng thời điều kiện để được hưởng di sản là cha/mẹ của 2 chủ thể phải là người được hưởng di sản và chết trước hoặc cùng thời điểm với ông/bà (người để lại di sản).
Con nuôi có được thừa kế thế vị không?
Điều kiện
Căn cứ theo quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015:
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
Như vậy, có thể khẳng định, con nuôi là chủ thể được hưởng thừa kế thế vị. Tuy nhiên, cần lưu ý về điều kiện để con nuôi được hưởng thừa kế thế vị là:
- Con nuôi phải là người được nhận nuôi theo quy định pháp luật;
- Điều kiện về chủ thể được nhận thừa kế thế vị phải là cháu/chắt của người để lại di sản;
- Điều kiện về trường hợp được hưởng di sản là cha/me của người hưởng phải là người được hưởng di sản và chết trước hoặc cùng thời điểm với ông/bà (người để lại di sản).
Ngoài ra, cần lưu ý các điều kiện về nhận thừa kế thế vị tại Điều 620 về từ chối nhận di sản, Điều 621 về người không được quyền hưởng di sản, điểm c khoản 1 Điều 650 những trường hợp thừa kế theo pháp luật, Điều 651 điều kiện về người thừa kế theo pháp luật theo Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
- Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc. Trường hợp người thừa kế theo di chúc đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì phần di chúc đó vô hiệu và phải thực hiện chia di sản theo pháp luật.
- Thừa kế thế vị chỉ phát sinh ở hàng thừa kế thứ nhất. Người được hưởng di sản có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản (con) và người “thế vị” cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người được hưởng di sản (là cháu/chắt của người để lại di sản) và không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.
- Người thừa kế thế vị phải bảo đảm nguyên tắc chung về thừa kế được quy định tại Bộ luật Dân sự là còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Bản thân người thế vị không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản.
Tóm lại, để được hưởng thừa kế thế vị, người được hưởng không chỉ phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể thụ hưởng theo quy định về thừa kế thế vị mà còn phải đáp ứng các điều kiện chung về thừa kế đã được phân tích ở trên.
>>> Xem thêm: Con nuôi có được quyền hưởng thừa kế từ ông bà?
Phần tài sản con nuôi được hưởng thừa kế thế vị
Phần tài sản thừa kế của con nuôi
Như đã đề cập ở trên, việc hưởng thừa kế thế vị sẽ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật. Căn cứ quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các trường hợp, phần tài sản sẽ được thừa kế theo pháp luật, như sau:
- Trường hợp không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Đây là những trường hợp tài sản sẽ được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật. Và những người được thừa kế sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 651 về người thừa kế theo pháp luật.
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Và tại quy định trên cũng đề cập, phần di sản thừa kế của những người cùng hàng thừa kế sẽ ngang bằng nhau. Cần lưu ý, hàng thừa kế thế vị như đã phân tích thì thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Như vậy, trong trường hợp này, ta sẽ lấy tổng phần di sản chia cho số lượng người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì sẽ ra được phần tài sản mà người con nuôi sẽ được hưởng khi chia di sản.
Trình tự, thủ tục thừa kế thế vị
Thủ tục hưởng di sản
Để được hưởng thừa kế, sau khi người để lại di sản mất, những người thừa kế/người thừa kế phải thực hiện các thủ tục như sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục khai tử cho người mất theo quy định tại Điều 33 Luật Hộ tịch 2014
Bước 2: Đề thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ người đã chết sang người thừa kế có hai loại thủ tục là thủ tục khai nhận di sản hoặc thủ tục thỏa thuận phân chia di sản.
Đối với trường hợp khai nhận di sản: Căn cứ theo Điều 58 khoản 1 Luật Công chứng 2014 hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực việc thực hiện thủ tục khai nhận di sản được áp dụng đối với trường hợp: “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
Đối với trường hợp áp dụng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Căn cứ theo khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng 2014 hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực thì thủ tục thỏa thuận phân chia di sản được áp dụng trong trường hợp :“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.”
Bước 3: Đến các tổ chức công chứng để được công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản theo quy định. (Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014).
Bước 4: Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản sẽ được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản (nếu không xác định được thì niêm yết tại nơi tạm trú cuối cùng) theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công chứng.
Bước 5: Sau thời hạn niêm yết nếu không có khiếu nại tố cáo gì thì thực hiện theo văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản.
Như vậy, để được hưởng thừa kế nói chung và thừa kế thế vị nói riêng, người thừa kế phải thực hiện các thủ tục trên để được hưởng phần di sản do người mất để lại.
Tư vấn về thừa kế thế vị của con nuôi theo quy định pháp luật
- Tư vấn các quy định về thừa kế thế vị của con nuôi
- Hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục về chia thừa kế và khởi kiện vụ án về chia thừa kế
- Đại diện khách hàng làm việc với Tòa án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Thực hiện các yêu cầu khác của khách hàng
Như vậy để biết được con nuôi có được hưởng thừa kế hay không cần xem xét rất nhiều yếu tố từ địa vị pháp lý đến điều kiện có được nhận thừa kế của con nuôi. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc mong muốn được giải đáp về các vấn đề liên quan đến thừa kế hoặc có nhu cầu được tư vấn về tranh chấp thừa kế thế vị giải quyết như thế nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900.63.63.87 để được luật sư của Luật Long Phan PMT tư vấn hỗ trợ kịp thời.
Bài viết liên quan:
- Thừa kế thế vị có áp dụng đối với cháu của người chết là con nuôi?
- Con nuôi không đăng ký có được hưởng thừa kế?
- Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế của con nuôi
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.