Thủ tục yêu cầu phong tỏa tài sản người có nghĩa vụ để thi hành án là một thủ tục do người được thi hành án yêu cầu phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ thi hành án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Phong tỏa tài sản cũng là một trong các biện pháp bảo đảm thi hành án. Vậy trình tự, thủ tục yêu cầu phong tỏa như thế nào, đơn yêu cầu cần viết ra sao, bài viết dưới đây Luật Long Phan PMT sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nó.
Phong tỏa tài sản người có nghĩa vụ để thi hành án
Mục Lục
Phong tỏa tài sản là gì?
Phong tỏa tài sản là cấm chuyển dịch, sử dụng, hủy hoại tài sản khi đã xác định được loại, số lượng, đặc điểm, giá trị tài sản.
Phong tỏa tài sản trong thi hành án là một trong các biện pháp đảm bảo thi hành án được áp dụng trong quá trình thi hành án dân sự nhằm tránh tình trạng tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh trách nhiệm thi hành án.
Biện pháp phong tỏa tài sản bao gồm: phong tỏa tài khoản và phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
Khi nào cần áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản trong thi hành án
Biện pháp phong tỏa tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 67 Luật thi hành án Dân sự 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 26 Điều 1 Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi 2014 như sau:
- Việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ.
- Trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.
Như vậy, khi cơ quan thi hành án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản, có thể dẫn đến tẩu tán tài sản hoặc trốn tránh nghĩa vụ thì nhằm đảm bảo việc thi hành án phải thực hiện áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản.
>>> Xem thêm: Tẩu tán tài sản thi hành án
Trình tự thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Thẩm quyền phong tỏa
Theo Điều 66 Luật thi hành án Dân sự 2008, Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật thi hành án dân sự (Nghị định 62/2015/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định về chủ thể có thẩm quyền phong tỏa tài sản như sau:
- Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp.
- Chấp hành viên được áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự.
- Trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không thực hiện theo yêu cầu của Chấp hành viên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác bảo quản theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chấp hành viên sẽ là người có thẩm quyền lựa chọn, áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản để đảm bảo việc thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
Mẫu đơn yêu cầu phong tỏa
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ để đảm bảo thi hành án
Kính gửi: Cục Thi hành án Dân sự……
Tôi tên là……………..
Địa chỉ: ……………
Là người được thi hành án theo quyết định thi hành án số…. được Cục thi hành án dân sự tỉnh/thành phố ban hành ngày……
Căn cứ quyết định thi hành án số …… ngày ….. của Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum ông/bà ……. địa chỉ thường trú: ……………………..Chỗ ở hiện nay: ……………….. Có nghĩa vụ trả cho tôi…………………số tiền gốc và lãi: ………….. (số tiền……………)
Vào lúc…….giờ……..phút, ngày…….tháng……năm……
Qua xác minh, tôi được biết ông …… đang có tiền trong tài khoản và có tài sản ở nơi gửi giữ để thi hành án, cụ thể thông tin chúng tôi cung cấp như sau:
- Tài khoản số: ……………………………………………..tại Ngân hàng: …………………………
- Địa chỉ:…………………………………………………….
- Số dư tại thời điểm cung cấp: …………………………….
- Địa chỉ nơi gửi giữ tài sản:………………………………..
- Tài sản gửi tại thời điểm cung cấp:…………………………….
Căn cứ điều 66 Luật thi hành án, nhằm ngăn ngừa hành vi tẩu tán tiền của người phải thi hành án, tôi đề nghị Cục thi hành án dân sự………….tiến hành phong tỏa số tiền trong tài khoản và tài sản nói trên của ông………. để đảm bảo việc thi hành án của tôi.
Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đề nghị của mình.
Trân trọng cảm ơn!
……, ngày … tháng … năm ….
Người yêu cầu
>>> Tham khảo: Mẫu đơn đề nghị phong tỏa tài khoản, tài sản nơi gửi giữ để đảm bảo thi hành án
Trình tự thủ tục
Căn cứ theo Điều 67 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014 và Điều 20 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định rõ về trình tự, thủ tục phong tỏa tài sản như sau:
Bước 1: Xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa;
- Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.
Bước 2: Ban hành quyết định phong tỏa tài sản;
- Sau khi ban hành quyết định phong tỏa tài sản Chấp hành viên phải gửi quyết định ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản đã bị phong tỏa.
- Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó. Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.
Bước 3: Lập biên bản giao quyết định;
- Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ.
- Trường hợp người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ không ký thì phải có chữ ký của người chứng kiến.
Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lập biên bản yêu cầu phong tỏa;
- Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó.
Bước 2: Ra quyết định.
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Quy trình thực hiện thủ tục phong tỏa tài sản phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
Quyết định phong tỏa tài sản
Thời hạn
Đối với biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, khoản 3 Điều 67 Luật thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định:
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này.
Như vậy, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài sản, Chấp hành viên phải cho người có nghĩa vụ thi hành án thực hiện thi hành án hoặc sẽ phải ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa tài sản.
Trách nhiệm do áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản không đúng
Căn cứ khoản 2 Điều 66 Luật thi hành án Dân sự 2008 quy định về trách nhiệm do áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản không đúng:
- Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình.
- Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì người yêu cầu đó phải bồi thường.
Như vậy, nếu việc áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng gây thiệt hại đến người bị áp dụng hoặc bên thứ ba thì người yêu cầu áp dụng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại.
>>> Xem thêm: Điều kiện để yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Luật sư tư vấn thủ tục phong tỏa tài sản
Nhằm phục nhu cầu yêu cầu phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, Luật Long Phan PMT sẽ cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tư vấn sau:
- Tư vấn trình tự, thủ tục yêu cầu phong tỏa tài sản;
- Tư vấn cách viết đơn yêu cầu phong tỏa tài sản;
- Hỗ trợ xem xét tính chính xác của đơn yêu cầu;
- Hoàn thiện đơn yêu cầu phong tỏa tài sản;
- Tư vấn một số thủ tục khác có liên quan.
Dịch vụ luật sư tư vấn thủ tục phong tỏa tài sản
Thủ tục yêu cầu phong tỏa tài sản là thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo người thi hành án thực hiện thi hành án một cách nhanh chóng, trung thực. Việc yêu cầu này cũng giúp ngăn chặn được nhiều nguy cơ tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản thi hành án. Nếu có thắc mắc hay muốn sử dụng dịch vụ luật sư của Luật Long Phan PMT vui lòng qua hotline 1900.63.63.87 hoặc liên hệ với Luật sư Dân sự để được tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.