Tai nạn lao động do lỗi của người lao động, công ty có phải bồi thường cho người lao động trong trường hợp này không. Trách nhiệm của công ty khi người lao động bị tai nạn lao động trong lúc làm việc, mức bồi thường, … được Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể. Sau đây là các nội dung cơ bản mà Luật Long Phan PMT cung cấp về vấn đề trên.
Trách nhiệm bồi thường khi tai nạn lao động do lỗi của người lao động
Mục Lục
Tai nạn nào được xem là tai nạn lao động?
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động (Luật ATVSLĐ) 2015, tai nạn được xem là tai nạn lao động khi:
- Gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động;
- Xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Theo khoản 4 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động (Luật ATVSLĐ) 2015 và khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, người lao động được bồi thường tai nạn khi:
- Bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động;
- Tai nạn xảy ra không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này.
>>> Xem thêm: Cách xác định tỷ lệ thương tật khi bị tai nạn lao động
Tai nạn do lỗi của người lao động thì công ty có phải bồi thường không?
Trách nhiệm bồi thường của công ty khi người lao động bị tai nạn
Công ty chỉ có trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động khi:
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động.
- Tai nạn xảy ra không hoàn toàn do lỗi của chính người này.
- Trường hợp nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của người lao động (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động), Công ty không có trách nhiệm bồi thường nhưng phải trả trợ cấp tai nạn theo Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
- Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động.
- Các tai nạn sau thì người lao động không được hưởng chế độ bồi thường từ người sử dụng lao động:
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý: khoản 3, khoản 4 Điều 38, khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 40 Luật ATVSLĐ 2015; Điều 3, Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH,
Mức bồi thường đối với người lao động bị tai nạn lao động
Mức bồi thường tai nạn lao động được xác định như sau:
- Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.
Mức bồi thường cụ thể được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH. Nếu công ty đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định, Công ty có trách nhiệm trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường nêu trên.
- Nếu công ty không đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì ngoài việc phải bồi thường các khoản nêu trên, công ty còn phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động khi người lao động bị tai nạn lao động. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.
Cơ sở pháp lý: khoản 3 và 4 Điều 39, khoản 4 Điều 38 Luật ATVSLĐ 2015 và khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Mức bồi thường cho người lao động bị tai nạn
>>> Xem thêm: Tư vấn chế độ bồi thường trợ cấp khi xảy ra tai nạn lao động
Xử phạt hành chính khi công ty không bồi thường cho người lao động
Theo Điều 23 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn việc bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động có thể bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động trả cho người lao động số tiền bồi thường, cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp không chịu bồi thường
Khởi kiện yêu cầu bồi thường khi bị tai nạn lao động
Thẩm quyền giải quyết
Theo Điều 32 Bộ luật Tố tụng 2015 quy định đối với tranh chấp về lao động cần phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động thì mới đủ điều kiện để có thể khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Trường hợp các bên hòa giải thành nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định thì người lao động có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận, huyện nơi công ty có trụ sở để giải quyết theo quy định tại Điều 32, điểm c Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 nếu hai bên không có thỏa thuận chọn nơi giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đối với trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Hồ sơ khởi kiện
- Đơn khởi kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
- Hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh về thiệt hại do tai nạn lao động
- CMND/CCCD của người khởi kiện (bản sao y)
- Các giấy tờ liên quan khác
Trình tự, thủ tục khởi kiện
Theo quy định tại Điều 190, 191, 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về trình tự giải quyết đơn khởi kiện đòi bồi thường như sau:
- Bước 1: Người lao động nộp đơn khởi kiện kèm theo hồ sơ khởi kiện đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
- Bước 2: Tòa án cấp giấy xác nhận đã nhận đơn sau khi nhận được đơn khởi kiện
- Bước 3: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện
- Bước 4: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày được phân công xem xét đơn, Thẩm phán phải ra thông báo về kết quả xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khởi kiện được thụ lý thì phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí
- Bước 5: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền làm thủ tục nộp tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án
- Bước 6: Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.
Luật sư tư vấn đòi bồi thường khi xảy ra tai nạn lao động
- Tư vấn quy định pháp luật về bồi thường khi bị tai nạn lao động;
- Tư vấn mức bồi thường, các trường hợp được và không được bồi thường khi bị tai nạn lao động;
- Tư vấn giải quyết tranh chấp bồi thường khi bị tai nạn lao động;
- Hỗ trợ thực hiện thủ tục giám định thương tật do tai nạn lao động để yêu cầu bồi thường;
- Soạn thảo đơn từ yêu cầu bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường
- Đại diện theo ủy quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quý khách hàng.
- Tính toán và lựa chọn ra phương án tối ưu nhất để đảm bảo quyền lợi của quý khách hàng.
- Thay mặt khách hàng làm việc với cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường.
- Các công việc khác theo thỏa thuận và theo quy định.
Như vậy, khi bị tai nạn lao động, phụ thuộc vào nhiều yếu tố để xác định công ty có trách nhiệm bồi thường hay không. Nếu Quý khách hàng có khó khăn hoặc thắc mắc gì về vấn đề trên, hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.63.63.87 hoặc email pmt@luatlongphan.vn để được tư vấn luật kỹ hơn. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.