Hướng giải quyết di sản để lại khi có người hưởng thừa kế theo pháp luật mất tích

Khi người thân qua đời, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là việc chia di sản như thế nào cho đúng pháp luật và hạn chế được sự tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình. Bộ luật Dân sự và pháp luật liên quan có quy định cụ thể cho từng trường hợp khi tiến hành chia di sản. Vậy hướng giải quyết di sản để lại khi có người hưởng thừa kế theo pháp luật mất tích như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề này.

Hướng giải quyết di sản để lại khi có người hưởng thừa kế theo pháp luật mất tích
Hướng giải quyết di sản để lại khi có người hưởng thừa kế theo pháp luật mất tích

>> Xem thêm: Người nhận thừa kế mất tích nhiều năm phân chia thừa kế thế nào?

Thủ tục tuyên bố người thừa kế mất tích

Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Căn cứ theo Điều 387 đến Điều 390 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thủ tục tuyên bố người thừa kế mất tích diễn ra như sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu

Người yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích phải gửi đơn yêu cầu theo Mẫu số 92-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP). Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.

Bước 2: Thông báo tìm kiếm người mất tích

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
  • Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

Bước 3: Ra quyết định tuyên bố một người mất tích

Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự.

Trường hợp người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự, nếu chấp nhận đơn yêu cầu, Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích, trong đó phải quyết định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.

Tuyên bố người thừa kế mất tích

Tuyên bố người thừa kế mất tích

>> Xem thêm: Xử lý tài sản thừa kế của những người chết cùng thời điểm

Quản lý tài sản của người thừa kế bị tuyên bố mất tích

Người quản lý tài sản của người thừa kế bị tuyên bố mất tích

Theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015, người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích. Theo đó, người quản lý tài sản của người thừa kế bị tuyên bố mất tích có thể là:

  • Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý khi người vắng mặt bị Tòa án tuyên mất tích.
  • Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý.
  • Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
  • Trường hợp không có những người trên thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người mất tích tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người thừa kế bị tuyên bố mất tích được quy định tại Điều 66, Điều 67 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

Người quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích có quyền:

  • Quản lý tài sản của người mất tích.
  • Trích một phần tài sản của người mất tích để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người mất tích.
  • Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản của người mất tích.

Người quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích có nghĩa vụ:

  • Giữ gìn, bảo quản tài sản của người mất tích như tài sản của chính mình.
  • Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng.
  • Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người mất tích bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án.
  • Giao lại tài sản cho người mất tích khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Quản lý tài sản của người thừa kế bị tuyên bố mất tích

Quản lý tài sản của người thừa kế bị tuyên bố mất tích

>> Xem thêm: Thủ tục chia tài sản của cha đã bỏ nhà đi mất tích

Giải quyết tài sản khi người thừa kế mất tích

Trường hợp người thừa kế mất tích trở về

Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015, khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.

Tuy nhiên, việc Tòa án tuyên một người mất tích không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế di sản của người đó. Khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp không được hưởng di sản bao gồm: người thừa kế đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Vì vậy việc chia di sản cho người thừa kế theo pháp luật vẫn diễn ra theo đúng quy định kể cả khi có người thừa kế mất tích.

Tài sản của người mất tích sau khi chia thừa kế sẽ được quản lý theo như nội dung tại phần Quản lý tài sản của người thừa kế bị tuyên bố mất tích. Đồng thời theo quy định tại Điều 66, Điều 69 Bộ luật Dân sự 2019, trường hợp người mất tích trở về, người quản lý tài sản của người mất tích có trách nhiệm giao lại tài sản cho người mất tích và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trường hợp người thừa kế mất tích bị tuyên bố đã chết

Theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

  • Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
  • Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
  • Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015.

Sau khi Tòa án tuyên bố một người đã chết, quyền thừa kế di sản của người đó cũng chấm dứt. Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, di sản sẽ được chia cho những người thừa kế ở hàng thứ nhất còn lại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Trường hợp người thừa kế bị Tòa án tuyên bố đã chết, dẫn đến không còn ai có quyền thừa kế theo pháp luật trong hàng thừa kế thứ nhất, di sản sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Trường hợp không còn người thuộc hàng thừa kế thứ hai thì áp dụng tương tự đối với những người thuộc hàng thừa kế thứ ba.

Nếu việc Tòa án tuyên người thừa kế đã chết dẫn đến không còn ai trong ba hàng thừa kế có quyền hưởng di sản, theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp này được xác định là tài sản không có người nhận thừa kế, tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản sẽ thuộc về Nhà nước.

Trường hợp người thừa kế bị Tòa án tuyên bố đã chết mà còn sống, theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật Dân sự 2015, người này có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về việc Hướng giải quyết di sản để lại khi có người hưởng thừa kế theo pháp luật mất tích của Long Phan PMT. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần tư vấn luật dân sự hoặc muốn gặp trực tiếp luật sư dân sự, vui lòng liên hệ tới Hotline 1900636387 để được tư vấn chi tiết hơn.

Chuyên viên pháp lý Tham vấn Luật sư: Nguyễn Trần Phương - Tác giả: Trần Hường

Trần Hường – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình và pháp luật lao động. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87