Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập quan hệ hợp tác kinh doanh, đảm bảo các điều kiện và quy định về hoạt động này đang được tuân thủ nghiêm ngặt. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ và hợp đồng nhượng quyền giúp các bên bảo vệ quyền lợi, rõ ràng hóa nghĩa vụ của mình. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về hồ sơ khi đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Đăng ký nhượng quyền thương mại
Mục Lục
Nhượng quyền thương mại là gì?
Căn cứ Điều 284 Luật Thương mại 2005 quy định về nhượng quyền thương mại như sau:
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Ngoài ra, trước khi nhượng quyền thương mại thì bên dự kiến quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại theo quy định tại Điều 291 Luật Thương mại 2005 sửa đổi bổ sung 2019.
>>> Xem thêm: Các điều khoản cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền trong Luật Thương mại
Các trường hợp yêu cầu đăng ký nhượng quyền thương mại
Việc đăng ký nhượng quyền thương mại là bước quan trọng và bắt buộc trong quá trình thiết lập mối quan hệ nhượng quyền thương mại tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Trước khi nhượng quyền thương mại cần phải đăng ký với Bộ Thương mại nếu thuộc các trường hợp sau: Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam (điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại).
Lưu ý đối với các trường hợp không cần phải đăng ký nhượng quyền thương mại mà chỉ cần thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số nghị định của chính phủ quy định chi tiết luật thương mại:
- Nhượng quyền trong nước;
- Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
Quá trình đăng ký nhượng quyền giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và giám sát hoạt động nhượng quyền thương mại, đồng thời tăng cường tính minh bạch và công bằng trong hoạt động thương mại.
>>>Xem thêm: Điều kiện cần có khi tiến hành nhượng quyền thương mại
Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại
Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 19 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, khoản 4 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP và Thông tư 09/2006/TT-BTM.
Đăng ký tại Bộ Công Thương
Hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Bộ Công thương bao gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM).
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam.
Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn nộp một trong ba hình thức bản sao trên.
- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn nộp một trong ba hình thức bản sao trên.
- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
Đăng ký tại Sở Công Thương
Hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Sở Công thương bao gồm:
- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-2 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM;
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM;
- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
Lưu ý: Các giấy tờ phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trình tự đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Bên dự kiến nhượng quyền thương mại có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo Điều 20 Nghị định 35/2006/NĐ-CP như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định Điều 19 Nghị định 35/2006/NĐ-CP và khoản 4 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP.
- Bước 2: Gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP;
- Bước 3: Xử lý hồ sơ và thông báo về việc đăng ký
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản thông báo để Bên dự kiến nhượng quyền bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ;
Các thời hạn nêu tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 35/2006/NĐ-CP không kể thời gian Bên dự kiến nhượng quyền sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
Sau khi hết thời hạn quy định tại khoản này mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối việc đăng ký thì phải thông báo bằng văn bản cho Bên dự kiến nhượng quyền và nêu rõ lý do.
>>>Xem thêm: Quy trình thực hiện nhượng quyền thương mại
Luật sư tư vấn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Khi sử dụng dịch vụ tư vấn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của Luật Long Phan PMT, khách hàng có thể được tư vấn hỗ trợ các nội dung như:
- Tư vấn các quy định của pháp luật liên quan đến nhượng quyền thương mại;
- Tư vấn trình tự, thủ tục cần thực hiện để tiến hành nhượng quyền theo quy định pháp luật;
- Tư vấn và soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Tư vấn về tiềm năng, tài chính và cơ hội cũng như những vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nhượng quyền thương mại.
- Đại diện cho khách hàng thực hiện các thủ tục tại cơ quan nhà nước.
Tư vấn các vấn đề về nhượng quyền thương mại
Việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại là bước không thể thiếu trong quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các bên. Điều này đảm bảo tính pháp lý và minh bạch, tuân thủ theo pháp luật. Nếu có các vấn đề thắc mắc cần giải đáp về pháp luật thương mại hoặc có nhu cầu Tư vấn Luật thương mại có thể liên hệ Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ kịp thời.
Các bài viết liên quan có thể bạn quan tâm:
- Hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng quyền thương hiệu
- Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại
- Mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại
- Mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.