Có bao nhiêu hình thức tổ chức lại doanh nghiệp? Trình tự thực hiện

Hình thức tổ chức lại doanh nghiệp được quy định pháp luật doanh nghiệp. Tổ chức lại doanh nghiệp là  lựa chọn giúp doanh nghiệp thay đổi quy mô hay loại hình doanh nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu và điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Vậy bao nhiêu hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, trình tự thực hiện như thế nào và những vấn đề cần lưu ý sẽ được Luật Long Phan PMT trình bày trong bài viết dưới đây.

Hình thức tổ chức lại doanh nghiệpHình thức tổ chức lại doanh nghiệp

Tổ chức lại doanh nghiệp là gì?

Tổ chức lại doanh nghiệp tái cấu trúc lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sao cho phù hợp hơn với mục tiêu doanh nghiệp hướng tới.

Như vậy, nhằm giúp cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh để phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh hoặc giúp doanh nghiệp giải quyết được các mâu thuẫn nội bộ để tránh phải giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp thì doanh nghiệp thường sẽ tổ chức lại doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý (CSPL): khoản 31 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020

Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệpCác hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

Chia công ty

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Số lượng thành viên, cổ đông và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của thành viên, cổ đông và vốn điều lệ của các công ty mới sẽ được ghi tương ứng với cách thức phân chia, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị chia sang các công ty mới theo nghị quyết, quyết định chia công ty.

CSPL: khoản 1, khoản 3 Điều 198 Luật Doanh nghiệp 2020

Tách công ty

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có); đồng thời đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được tách.

CSPL: khoản 1, khoản 2 Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2020

Hợp nhất doanh nghiệp

Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Đồng thời, Công ty bị hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất công ty.

CSPL: khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020

Sáp nhập doanh nghiệp

Một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

CSPL: khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Thủ tục thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp

Chia công ty

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty
  • Danh sách thành viên công ty, cổ đông sáng lập (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần)
  • Nghị quyết, quyết định về việc chia công ty
  • Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  • Bản sao hợp lệ biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chia công ty
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị chia.

CSPL: Điều 23, Điều 24, khoản 1 Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Trình tự thực hiện:

  • Thứ nhất: Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua nghị quyết, quyết định chia công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty

Nghị quyết, quyết định chia công ty phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc thông qua nghị quyết.

  • Thứ hai: Thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải kèm theo nghị quyết, quyết định chia công ty quy định tại bước thứ nhất.

CSPL: Điều 198 Luật Doanh nghiệp 2020

Tách công ty

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty
  • Danh sách thành viên công ty, cổ đông sáng lập (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần)
  • Nghị quyết, quyết định về việc tách công ty
  • Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  • Bản sao hợp lệ biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc tách công ty
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị tách

CSPL: Điều 23, Điều 24, khoản 2 Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Trình tự thực hiện cũng tương tự như trình tự thực hiện thủ tục chia doanh nghiệp:

  • Thứ nhất: Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo quy định.

Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết.

  • Thứ hai: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty.

CSPL: Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2020

Hợp nhất doanh nghiệp

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty
  • Danh sách thành viên công ty, cổ đông sáng lập (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần)
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

  • Hợp đồng hợp nhất
  • Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng hợp nhất công ty của các công ty bị hợp nhất và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng hợp nhất để thành lập công ty mới.

CSPL: Điều 22, Điều 23, Điều 24, khoản 3 Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Trình tự thực hiện:

  • Thứ nhất: Công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất, dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất
  • Thứ hai: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất và tiến hành đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp nhất theo quy định của Luật này.

Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

CSPL: Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020

Sáp nhập doanh nghiệp

Hồ sơ cần chuẩn bị:

Trường hợp 1: Công ty nhận sáp nhập không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh:

  • Thông báo bằng văn bản về việc sáp nhập đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập;
  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị sáp nhập.

Trường hợp 2: Công ty nhận sáp nhập có thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh

  • Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp tùy theo từng trường hợp thay đổi cụ thể;
  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập; thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
  • Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần của công ty bị sáp nhập
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty bị sáp nhập;

CSPL: Điều 61, khoản 4 Điều 73 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Trình tự thực hiện:

  • Thứ nhất: Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập
  • Thứ hai: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật này. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua

CSPL: Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Như vậy, thủ tục thực hiện các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp được thực hiện theo trình tự như trên.

>>> Xem thêm: Thủ tục chia tách doanh nghiệp

Ưu nhược điểm của các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

Ưu điểm và nhược điểm của tổ chức lại doanh nghiệpƯu điểm và nhược điểm của tổ chức lại doanh nghiệp

Ưu điểm:

  • Giúp tái cấu trúc lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập) sao cho phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp hướng tới
  • Hoạt động có hiệu quả hơn và phát triển hơn, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
  • Tổ chức lại doanh nghiệp giải quyết được vấn đề mâu thuẫn nội bộ giữa các chủ đầu tư trong doanh nghiệp (chia, tách doanh nghiệp), tránh việc doanh nghiệp rơi vào tình trạng giải thể hoặc phá sản (hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp).

Nhược điểm:

  • Có thể không dùng hết số lượng người lao động hiện có, phải cho thôi việc một số lượng người lao động để phù hợp với mô hình doanh nghiệp mới dẫn đến thất nghiệp của một số lao động và vấn đề tranh chấp lao động có thể phát sinh;
  • Việc tổ chức lại doanh nghiệp có thể làm thay đổi quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ từ công ty có quy mô lớn thành công ty có quy mô nhỏ hơn và ngược lại); hình thành các doanh nghiệp mới và chấm dứt các doanh nghiệp đang tồn tại; làm thay đổi mô hình pháp lý hiện tại của doanh nghiệp và tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
  • Khó khăn trong định giá thương mại (sáp nhập doanh nghiệp)
  • Nguy cơ đánh mất khách hàng và thị trường

Như vậy, khi thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi cũng như sẽ gặp những khó khăn có thể xảy ra

>>> Xem thêm: Giải quyết chế độ cho NLĐ khi doanh nghiệp bị sáp nhập như thế nào?

Dịch vụ luật sư tư vấn tổ chức lại doanh nghiệp

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, Luật Long Phan rất hân hạnh được cung cấp các dịch vụ về tổ chức lại doanh nghiệp như sau:

  • Tư vấn cho khách hàng các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức lại doanh nghiệp
  • Soạn hồ sơ phục vụ cho việc thực hiện thủ tục
  • Tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ tổ chức lại doanh nghiệp
  • Tư vấn thực hiện thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp;
  • Luật sư tham gia hỗ trợ giải quyết vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp;
  • Tư vấn các vấn đề liên quan khác

Trên đây là toàn bộ những quy định của pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp. Có bao nhiêu hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, trình tự thực hiện như thế nào đã được Luật Long Phan trình bày chi tiết. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc gì vui lòng liên hệ Hotline 1900.633.716 để được Luật sư lĩnh vực Luật Doanh nghiệp của Luật Long Phan PMT tư vấn chi tiết.

Scores: 4.9 (49 votes)

Tham vấn Luật sư: Trần Tiến Lực - Tác giả: Phạm Thị Hồng Hạnh

Phạm Thị Hồng Hạnh – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hợp đồng và thừa kế. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ. Đạt sự tin tưởng của khách hàng.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87

Kênh bong đa truc tuyen Xoilacz.co luck8