Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải

Giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải là thủ tục giải quyết tranh chấp lao động thông qua một bên trung gian thứ ba là hòa giải viên lao động. Trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thường dễ xảy ra các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích. Trong đó tranh chấp lao động tập thể là một loại tranh chấp phổ biến. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến Quý bạn đọc chi tiết về trình tự giải quyết tranh chấp này.

Tranh chấp lao động tập thể

Tranh chấp lao động tập thể

Quy định pháp luật về tranh chấp lao động tập thể

Khái niệm tranh chấp lao động tập thể

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 thì tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Tranh chấp lao động gồm tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.

Theo điểm b khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 thì tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp lao động giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động tập thể gồm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Cụ thể, tranh chấp lao động tập thể về quyền được quy định tại khoản 2 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong các trường hợp sau:

  • Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
  • Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
  • Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là việc tranh chấp về những vấn đề chưa được quy định hoặc chưa từng được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc dưới hình thức khác, bao gồm các trường hợp sau:

  • Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể.
  • Khi một bên từ chối thương lượng, hoặc không tiến hành thương lượng trong nội dung quy định.

Như vậy, tranh chấp lao động tập thể là những tranh chấp lao động phát sinh từ mâu thuẫn, xung đột về quyền, nghĩa vụ, và lợi ích của một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động trong quá trình thương lượng với người sử dụng lao động.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 191 Bộ luật Lao động 2019 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

  • Hòa giải viên lao động;
  • Hội đồng trọng tài lao động;
  • Tòa án nhân dân.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

  • Hòa giải viên lao động;
  • Hội đồng trọng tài lao động.

Như vậy, cả hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích. Chỉ riêng Tòa án Nhân dân chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lợi ích.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Giải quyết tranh chấp lao động nói chung hay giải quyết tranh chấp lao động tập thể nói riêng thì đều phải tuân theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

  • Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
  • Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
  • Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Dù tình huống tranh chấp lao động tập thể xảy ra như thế nào, các bên liên quan vẫn cần giải quyết tranh chấp tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Bộ luật Lao động 2019.

Tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên

Tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên

Tranh chấp lao động tập thể có bắt buộc hòa giải không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 191 Bộ luật Lao động năm 2019 thì các tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thì tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.

Như vậy, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích đều phải bắt buộc được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước.

>>>Xem thêm: Tranh chấp lao động nào bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải cơ sở?

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải

Tranh chấp lao động tập thể về quyền

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thông qua hòa giải viên được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu hòa giải

Các bên trong tranh chấp lao động tập thể về quyền gửi đơn yêu cầu hòa giải tới hòa giải viên hoặc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, theo phân cấp quản lý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân loại và có văn bản cử hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định.

Đối với tranh chấp lao động tập về quyền phát sinh trong trường hợp có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động; khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hòa giải viên lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Tiến hành Phiên họp hòa giải

Tại phiên họp hòa giải, các bên tranh chấp đều phải có mặt, các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải. Theo đó, hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Bước 3: Kết thúc quá trình hòa giải

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân, hòa giải viên phải kết thúc việc hòa giải.

Biên bản hòa giải thành và biên bản hòa giải không thành đều phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Căn cứ pháp lý: Điểm b,c khoản 2 Điều 179, khoản 3 Điều 181, khoản 2, 3, 4, 5 Điều 188, khoản 1 Điều 192 Bộ luật Lao động 2019.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thông qua hòa giải viên được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu hòa giải

Các bên trong tranh chấp lao động tập thể về quyền gửi đơn yêu cầu hòa giải tới hòa giải viên hoặc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, theo phân cấp quản lý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân loại và có văn bản cử hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định.

Bước 2: Tiến hành Phiên họp hòa giải

Tại phiên họp hòa giải, các bên tranh chấp đều phải có mặt, các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải. Theo đó, hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải bao gồm đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Bước 3: Kết thúc quá trình hòa giải

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân, hòa giải viên phải kết thúc việc hòa giải.

Biên bản hòa giải thành và biên bản hòa giải không thành đều phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 181, khoản 2, 3, 4, 5 Điều 188, khoản 1, khoản 2 Điều 196 Bộ luật Lao động 2019.

Tổ chức phiên họp hòa giải

Tổ chức phiên họp hòa giải

Luật sư tư vấn về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải

Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải, bao gồm:

  • Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;
  • Tư vấn, đưa ra các ý kiến pháp lý và giải pháp tối ưu nhằm giải quyết nhanh chóng và có hiệu quả đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;
  • Tư vấn về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải;
  • Hỗ trợ soạn thảo các văn bản, đơn từ trong quá trình giải tranh chấp lao động tập thể qua hòa giải viên;
  • Đại diện theo ủy quyền của khách hàng tham gia phiên họp hòa giải.
  • Các vấn đề pháp lý phát sinh khác.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam, Luật Long Phan PMT sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý hỗ trợ tư vấn đảm bảo quyền lợi của khách hàng một cách tối ưu nhất.

Hòa giải tranh chấp lao động tập thể cần phải được tiến hành theo đúng trình tự thủ tục luật định nhằm tránh những rủi ro pháp lý không đáng có sau này. Bài viết trên đây là toàn bộ các quy định pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải. Nếu có bất kỳ vướng mắc hay cần sử dụng Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp lao động tập thể, vui lòng liên hệ qua số Hotline 1900.63.63.87 để được Luật sư lao động hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời.

Scores: 4.8 (47 votes)

Tham vấn Luật sư: Nguyễn Trần Phương - Tác giả: Trần Hường

Trần Hường – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình và pháp luật lao động. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87

Kênh bong đa truc tuyen Xoilacz.co luck8