Tài sản thế chấp bị đem bán tại trung tâm bán đấu giá thì kiện ai?

Trong hoạt động kê biên bán đấu giá tài sản thế chấp luôn là mối quan tâm của tổ chức tín dụng luôn cả người vay. Nhiều trường hợp tài sản thế chấp bị đem đi bán đấu giá dù đã xin gia hạn trả nợ, vậy tài sản thế chấp bị đem bán tại trung tâm bán đấu giá thì kiện ai? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc.

Bán đấu giá tài sản thế chấp

Bán đấu giá tài sản thế chấp

Khi nào được đem tài sản thế chấp bán đấu giá

Theo quy định tại Điều 299 BLDS 2015, tài sản thế chấp sẽ được xử lý thu hồi nợ khi

  • Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
  • Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
  • Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Việc áp dụng biện pháp bán đấu giá tài sản để xử lý tài sản thế chấp chỉ khi các bên không có thỏa thuận lựa chọn các biện pháp khác theo quy định tại Điều 303 BLDS 2015.

Ngoài ra đối với một số loại tài sản thì việc đăng ký biện pháp bảo đảm là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực. Cụ thể tại Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định các trường hợp giao dịch bảo đảm phải đăng ký như sau:

  • Thế chấp quyền sử dụng đất;
  • Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
  • Thế chấp tàu biển.

Theo đó tài sản thế chấp chỉ bị đem đi bán đấu giá nếu đã thỏa mãn các điều kiện đã nêu ở trên. Trường hợp chưa thỏa các điều kiện này mà tiến hành bán đấu giá tài sản có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình bên thế chấp tài sản có quyền khởi kiện.

>> Xem thêm: Khi nào ngân hàng được bán đấu giá nhà đất thế chấp mà không cần khởi kiện?

Đăng ký biện pháp bảo đảm đối với nhà ở

Đăng ký biện pháp bảo đảm đối với nhà ở

Ai được phép đem tài sản thế chấp bán đấu giá?

Căn cứ quy định tại Điều 323 BLDS 2015, bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp trong các trường hợp quy định tại Điều 299 BLDS 2015.

Trường hợp đòi nợ thông qua việc khởi kiện Tòa án, khi tranh chấp được bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực mà bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án 2008 giải quyết thi hành án. Khi đó Cơ quan thi hành cũng sẽ có quyền kê biên, bán đấu giá tài sản thế chấp.

>> Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp nhà đang thế chấp ngân hàng

Khởi kiện khi có sai phạm trong bán đấu giá tài sản thế chấp

Thông thường tại sản bán đấu giá đều là các tài sản có giá trị lớn nên các bên rất dễ xảy ra tranh chấp trong quá trình kê biên, định giá cũng như quá trình bán đấu giá tài sản thế chấp. Do đó khi có sai phạm làm sao để bảo vệ quyền lợi.

Khởi kiện ai?

Các sai phạm trong quy trình kê biên bán đấu giá tài sản thế chấp thường có thể xảy ra ở nhiều khâu khác nhau. Do đó theo nguyên tắc ai xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình thì sẽ tiến hành khởi kiện người đó. Cụ thể, khoản 3 Điều 68 BLTTDS quy định về bị đơn người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

Nội dung chủ yếu đơn khởi kiện và tài liệu đính kèm

Theo quy định của Khoản 4 Điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, nội dung đơn khởi kiện cần phải có những nội chính sau:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
  • Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
  • Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Khi gửi đơn khởi kiện cần phải kèm theo các tài liệu chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Theo quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015, các tài liệu là nguồn của chứng cứ.

  • Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  • Vật chứng.
  • Lời khai của đương sự.
  • Lời khai của người làm chứng.
  • Kết luận giám định.
  • Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  • Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
  • Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
  • Văn bản công chứng, chứng thực.
  • Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Khởi kiện khi nhận thấy có sai phạm

Khởi kiện khi nhận thấy có sai phạm

>> Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện mới nhất trong tố tụng dân sự gồm những gì?

Tòa án có thẩm quyền xem xét, thụ lý

Theo quy định tại Điều 39, 40 BLTTDS 2015 quy định về việc xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể như sau:

  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm
  • Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp
  • Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
  • Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
  • Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
  • Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
  • Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
  • Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.

Hậu quả của hủy kết quả bán đấu giá

Việc giải quyết tranh chấp về bán đấu giá tài sản thế chấp có thể dẫn đến Tòa án tuyên hủy kết quả bán đấu giá. Theo đó các bên phải nhận hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá quy định tại Điều 73 Luật Đấu giá 2016 cụ thể là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Tài sản thế chấp bị đem bán tại trung tâm bán đấu giá thì kiện ai” kính gửi đến quý bạn đọc. Nếu quý bạn đọc có bất kỳ đóng góp hay ý kiến thắc mắc gì liên quan vui lòng liên hệ số HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hỗ trợ nhanh nhất.

Chuyên viên pháp lý Tham vấn Luật sư: Nguyễn Trần Phương - Tác giả: Trần Hường

Trần Hường – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình và pháp luật lao động. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87