Doanh nghiệp xã hội cũng có cơ cấu tổ chức, quản lý theo các mô hình doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020, nhưng doanh nghiệp xã hội được thành lập không phải vì mục đích lợi nhuận mà nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng của xã hội như nghèo đói, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp và phát triển giáo dục, văn hóa. Trong bài viết này Luật Long Phan PMT sẽ hướng dẫn cách chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội như sau:
Chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội cần thực hiện thủ tục gì?
>> Xem thêm: Trường hợp nào cá nhân kinh doanh cần đăng ký doanh nghiệp
Mục Lục
- 1 Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp xã hội hiện nay
- 2 Các hình thức hoạt động hiện nay của doanh nghiệp xã hội hiện nay như sau:
- 3 Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp thành doanh nghiệp xã hội
- 4 Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
- 5 Những lưu ý khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành doanh nghiệp xã hội
Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp xã hội hiện nay
Doanh nghiệp xã hội là một trong các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 hoạt động của doanh nghiệp xã hội là nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ mục tiêu xã hội và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Phải là doanh nghiệp đã được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Doanh nghiệp xã hội mục tiêu hoạt động là giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường tất cả vì lợi ích cộng đồng.
- Doanh nghiệp xã hội sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư với mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Các hình thức hoạt động hiện nay của doanh nghiệp xã hội hiện nay như sau:
- Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận có thể kể đến như: các tổ chức, nhóm tình nguyện; các hiệp hội, trung tâm của người khuyết tật.
- Doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận là mô hình kinh doanh mặc dù có lợi nhuận nhưng không bị chi phối về lợi nhuận hay đặt nặng vấn đề về tài chính mà chú trọng vào mục đích chia sẻ các dự án môi trường, xã hội và vì cộng đồng. Đa số lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được dùng để tái đầu tư hoặc để trợ cấp cho các hoạt động này.
- Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận là doanh nghiệp do các cá nhân hay tổ chức đứng ra thành lập doanh nghiệp kết hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội, thường hoạt động dưới các hình thức của Công ty TNHH hay Công ty Cổ phần. Lợi nhuận thu được chủ yếu để sử dụng tái đầu tư hoặc để mở rộng phát triển xã hội.
Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp xã hội hiện nay.
>> Xem thêm: Những lưu ý khi làm thủ tục thay đổi loại hình doanh nghiệp
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp thành doanh nghiệp xã hội
Căn cứ Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 04 tháng 01 năm 2021.
Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây
- Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh;
- Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thông qua nội dung Cam kết;
- Giấy ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận kết quả (trường hợp người đại diện theo pháp luật không trực tiếp thực hiện);
- Bản sao hợp lệ CCCD/CMND/hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và đăng tải Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường .
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Căn cứ Điều 14 và khoản 2 Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng kí doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 04 tháng 01 năm 2021.
- Người thành lập doanh nghiệp xã hội hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cập nhật thông tin Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
- Trường hợp từ chối, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ doanh nghiệp biết.
- Thời hạn giải quyết: Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Những lưu ý khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành doanh nghiệp xã hội
Khi doanh nghiệp chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội cần lưu ý các điểm sau đây:
- Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;
- Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 trong suốt quá trình hoạt động;
- Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;
Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh về tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021.
- Doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi chấm dứt thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường hoặc không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật doanh nghiệp có hiệu lực ngày 01 tháng 4 năm 2021.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi liên quan đến Chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội cần thực hiện thủ tục gì?. Nếu bạn đọc có nhu cầu TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ gửi hồ sơ tài liệu hoặc đặt lịch gặp trực tiếp luật sư vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua HOTLINE: 1900.63.63.87. Xin cám ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.