Nguyên tắc hỏi cung người dưới 18 tuổi là một trong những nguyên tắc tiến hành tố tố tụng hình sự quan trọng. Người dưới 18 tuổi là đối tượng đặc biệt nhạy cảm do khả năng nhận thức còn chưa hoàn thiện, dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy, việc tìm hiểu để biết thế nào là hỏi cung và những quy định liên quan đến việc hỏi cung đối với người dưới 18 tuổi là cần thiết. Thông qua bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này.
Nguyên tắc hỏi cung người dưới 18 tuổi
Mục Lục
Hỏi cung theo thủ tục tố tụng hình sự
Hỏi cung là một hoạt động tố tụng nhằm khai thác hay làm sáng tỏ một vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự do Điều tra viên tiến hành khi có quyết định khởi tố bị can để lấy lời khai thông qua việc xét hỏi người này về các tình tiết của các hành vi phạm tội. Theo đó, bị can là người đã bị khởi tố về hình sự, có yếu tố, căn cứ, dấu hiệu để cấu thành tội phạm.
Về nguyên tắc chung việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Căn cứ pháp lý: Điều 183, Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
>>>xem thêm: Bị can có được thay đổi lời khai
Nguyên tắc hỏi cung đối với người dưới 18 tuổi
Khác với các nguyên tắc chung của thủ tục hỏi cung thông thường, pháp luật yêu cầu Điều tra viên cần tuân thủ thêm một số nguyên tắc đặc thù khi hỏi cung người dưới 18 tuổi khác nhằm tránh làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng tâm lý của chủ thể này khi trong quá trình thực hiện. Cụ thể:
Tuân thủ một số nguyên tắc tiến hành tố tụng chung đối với người dưới 18 tuổi:
- Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
- Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.
- Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
- Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.
- Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
- Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
- Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Căn cứ pháp lý: Điều 414 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Tuân thủ nguyên tắc riêng về thời gian khi hỏi cung: Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp: phạm tội có tổ chức; để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn; ngăn chặn người khác phạm tội; để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án; vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Căn cứ pháp lý: Khoản 5 Điều 421 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
>>>xem thêm: Luật sư có được có mặt lúc hỏi cung bị can không?
Thực hiện việc hỏi cung người dưới 18 tuổi
Chủ thể có thẩm quyền triệu tập và hỏi cung người dưới 18 tuổi
Chủ thể có thẩm quyền triệu tập người dưới 18 tuổi là trước hết họ phải những người có thẩm quyền tố tụng và được Bộ luật tố tụng Hình sự trực tiếp ghi nhận thẩm quyền trên, bao gồm:
- Điều tra viên (điểm d Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015);
- Kiểm sát viên (điểm g Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015);
- Cấp trưởng, cấp phó của các Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm đ khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
Người thực hiện việc hỏi cung người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi (Điều 415 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015). Các chủ thể có thẩm quyền hỏi cung người dưới 18 tuổi bao gồm những người có quyền triệu tập người dưới 18 tuổi đã nêu và các cán bộ điều tra của các Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm c khoản 4 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
Trình tự, thủ tục hỏi cung người dưới 18 tuổi
Hỏi cung phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi như sau:
- Hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai, hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi.
- Khi tiến hành hỏi cung người dưới 18 tuổi phải có sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, Điều tra viên phải thông báo cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can về thời gian, địa điểm hỏi cung trước khi hoạt động hỏi cung diễn ra.
- Tuân thủ những quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến việc hỏi cung bị can nói chung và bị can là người dưới 18 tuổi nói riêng được quy định tại Điều 183 và Điều 421 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Chẳng hạn, trước khi hỏi cung bị can lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can, biết rõ quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự và phải ghi rõ vào biên bản.
Thủ tục hỏi cung người dưới 18 tuổi
- Tuân thủ các trình tự tư, thủ tục chung khác được pháp luật quy định khi tiến hành tố tụng.
- Áp dụng đúng và chính xác Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/01/2018 về hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 14 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an,Bộ Tư pháp, Bộ lao động-Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Luật sư bào chữa cho người dưới 18 tuổi
- Luật sư bào chữa cho người dưới 18 tuổi
- Luật sư tư vấn các quy định pháp luật tố tụng hình sự cho người dưới 18 tuổi
- Luật sư tham gia các buổi hỏi cung cùng thân chủ
- Luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho người dưới 18 tuổi.
Với những tính chất đặc thù về thủ tục cũng như là đối tượng của hoạt động hỏi cung người dưới 18 tuổi, pháp luật tố tụng Hình sự Việt Nam đã đề ra những nguyên tắc buộc người thực hiện công việc hỏi cung cần tuân thủ triệt để nhằm tránh ảnh hưởng đến các khía cạnh về tâm sinh lý bình thường của chủ thể đặc biệt này. Nếu quý khách có vướng mắc về bào chữa cho người dưới 18 tuổi, vui lòng liên hệ tông đài 1900.63.63.87 để được luật sư hình sự hỗ trợ.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.