Người lao động có được rút lại đơn xin thôi việc không là câu hỏi thường gặp khi người lao động đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng lại thay đổi ý định. Theo pháp luật hiện hành, người lao động chỉ có thể rút lại đơn xin thôi việc khi thỏa mãn các điều kiện nhất định. Bài viết dưới đây của Luật Long Phan sẽ làm rõ về vấn đề trên, mời quý khách tham khảo.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Mục Lục
Các trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do. Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp trên, người lao động phải tiến hành báo trước cho người lao động. Thời gian báo trước được pháp luật quy định cụ thể như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như Tổ viên lái tàu bay, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không và các công việc khác được quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì thời hạn báo trước được quy định như sau:
- Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
- Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, nếu thuộc các trường hợp dưới đây, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có bất cứ lý do gì nhưng vẫn phải báo trước cho người lao động. Tuy nhiên, nếu thuộc các trường hợp đặc biệt, người lao động hoàn toàn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
>>> Xem thêm: Hướng xử lý khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng đổi ý không muốn nghỉ nữa thì có được không?
Căn cứ Điều 38 Bộ luật Lao động 2019, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý.
Trước khi hết thời gian thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định, người lao động có quyền gửi thông báo bằng văn bản đến người sử dụng lao động về việc rút lại đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, quyết định về việc rút đơn xin nghỉ việc cần được sự đồng ý từ phía người sử dụng lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động không đồng ý, hợp đồng lao động sẽ chấm dứt tại thời điểm hết thời hạn thông báo chấm dứt theo quy định.
Thông báo hủy đơn xin nghỉ việc bằng văn bản
Quyền lợi của người lao động xin nghỉ việc
Hưởng tiền lương những ngày chưa thanh toán
Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán tiền lương trong thời hạn 14 ngày làm việc (30 ngày trong các trường hợp đặc biệt), kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động
Hưởng tiền phép năm
Theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được quy định tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:
- Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Theo khoản 1, 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Hưởng trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, khi hợp đồng lao động chấm dứt thuộc trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi được liệt kê ở trên.
Quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
Dịch vụ luật sư tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động
Dịch vụ tư vấn và hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động được cung cấp bởi các luật sư chuyên về lĩnh vực lao động, bao gồm nhưng không giới hạn trong các công việc sau:
- Tư vấn về quyền, nghĩa vụ của các bên khi tranh chấp lao lao động xảy ra;
- Tư vấn thủ tục tố cáo, khởi kiện, thủ tục hòa giải lao động, trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại…
- Hướng dẫn giải quyết khiếu nại lần đầu của người lao động
- Tư vấn giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài
- Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng thử việc
- Tư vấn thủ tục giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài
- Soạn thảo văn bản – đơn từ nhằm giải quyết tranh chấp tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi của khách hàng;
- Trực tiếp tham gia với tư cách đại diện ủy quyền để thay mặt khách hàng giải quyết tranh chấp, liên hệ và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Cử luật sư tham gia phiên tòa, phiên họp, các buổi làm việc giải quyết tranh chấp lao động.
Để hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, người lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động trong thời gian báo trước và phải được người lao động đồng ý về việc hủy bỏ đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu quý khách còn có thắc mắc liên quan đến bài viết hoặc cần Tư Vấn Luật Lao Động hãy liên hệ với Luật Long Phan qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được luật sư lao động hỗ trợ và tư vấn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.