Kế toán trưởng có chịu trách nhiệm cho thất thoát tài sản công ty đã được pháp luật quy định cụ thể. Thực tế, kế toán trưởng có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các khoản thu chi tài chính của công ty. Do đó, nếu việc tài sản của công ty bị thất thoát thì kế toán trưởng có thể phải chịu trách nhiệm về trường hợp tham ô, rút ruột, chiếm đoạt tài sản của công ty. Bài viết dưới đây của Luật Long Phan PMT sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
Trách nhiệm của kế toán trưởng
Mục Lục
Kế toán trưởng theo quy định của Luật kế toán
Kế toán trưởng là người đứng đầu của bộ phận kế toán, có trách nhiệm điều hành, giám sát, cũng như chỉ đạo bộ phận kế toán. Kế toán trưởng còn có nhiệm vụ lãnh đạo và tư vấn cho quản lý cấp cao đồng thời chịu trách nhiệm về hệ thống tài chính của công ty. Đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, kế toán trưởng sẽ làm việc dưới quyền của Giám đốc tài chính (CFO) và giám sát công việc của các chuyên gia tài chính.
Điều kiện để trở thành Kế toán trưởng đó là người ứng tuyển không được thuộc 1 trong các trường hợp được bổ nhiệm vào vị trí Kế toán trưởng theo quy định tại Điều 52 Luật Kế toán 2015, Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, đồng thời phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện căn cứ theo khoản 1 Điều 51 và Điều 54 Luật kế toán 2015:
Thứ nhất, người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.
Thứ hai, kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
- Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
- Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
- Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.
Như vậy, để có thể trở thành kế toán trưởng thì người ứng tuyển vị trí này phải có đủ các điều kiện của một kế toán viên và phải có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trong nhiều năm.
Tiêu chuẩn để trở thành kế toán trưởng
Kế toán trưởng có trách nhiệm và quyền hạn gì trong quản lý tài sản của công ty?
Để đảm bảo việc quản lý, lên kế hoạch tài chính diễn ra thuận lợi và chính xác nhất, kế toán trưởng sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
Quản lý hoạt động của bộ phận kế toán
Kế toán trưởng là một trong các quản lý cao cấp, đưa ra các khuyến nghị cho các nhà quản lý trong việc tăng lợi nhuận và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các kế toán viên trong bộ phận kế toán. Cung cấp báo cáo kịp thời cho lãnh đạo và đưa ra ý kiến đóng góp giúp lãnh đạo xử lý các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả và kịp thời. Ngoài ra, kế toán trưởng cũng là người thực hiện các giao dịch với ngân hàng.
Giám sát việc quyết toán
Kế toán trưởng giám sát việc quyết toán các khoản thu chi, tổ chức kiểm kê tài sản, dòng tiền của doanh nghiệp vào cuối năm tài chính.
Đảm bảo tính hợp pháp trong sổ sách kế toán
Đối với nhiệm vụ này, kế toán trưởng cần đảm bảo được tính chính xác, kịp thời, hợp pháp trong các tài liệu, sổ sách kế toán, các giấy thanh toán, báo cáo tài chính, bảng kê, bảng cân đối kế toán, bảo hiểm, công nợ với ngân hàng, khách hàng cũng như chủ đầu tư.
Lập báo cáo tài chính
Kế toán trưởng tham gia vào việc lập các báo cáo tài chính vào thời gian quy định và trình bày báo cáo với những lãnh đạo cấp cao. Những báo cáo tài chính này có thể là do kế toán viên hoặc do chính kế toán trưởng lập.
Tham gia phân tích và dự báo
Từ các phân tích này, kế toán trưởng sẽ đưa ra các dự báo về nguồn tài chính, đưa ra các kiến nghị trong việc thu hút nguồn tài chính cho doanh nghiệp nhằm duy trì ngân sách; hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc xử lý các rủi ro, sai phạm và vi phạm tài chính hoặc pháp luật. Kế toán trưởng hiểu rõ về các hoạt động kế toán tài chính của doanh nghiệp.
Nhiệm vụ khác
Ngoài các nhiệm vụ chính liên quan đến kế toán và thuế, kế toán trưởng có thể thực hiện một số nhiệm vụ khác nếu thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của cấp trên. Nhiệm vụ của kế toán trưởng còn phụ thuộc vào doanh nghiệp họ đang làm việc.
Căn cứ theo Điều 55 Luật Kế toán 2015 quy định về trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng như sau:
- Về quyền hạn, kế toán trưởng có quyền hạn độc lập đối với các công việc liên quan tới kế toán, tài chính. Kế toán trưởng ở những doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước còn có quyền đưa ra ý kiến với người đại diện pháp luật của đơn vị (có thể là giám đốc pháp lý hoặc trưởng phòng pháp lý) về việc thay đổi nhân sự (tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật); yêu cầu kế toán viên cung cấp đầy đủ và kịp thời các tài liệu kế toán. Khi ý kiến về chuyên môn kế toán của kế toán trưởng khác với ý kiến của lãnh đạo, kế toán trưởng có quyền giữ ý kiến của mình.
- Về trách nhiệm, kế toán trưởng có trách nhiệm thực hiện công việc kế toán và tổ chức quản lý bộ phận kế toán theo các quy định của pháp luật. Ngoài ra, kế toán trưởng là người lập các báo cáo về hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm đảm bảo sổ sách kế toán chính xác và đầy đủ, cũng như các hoạt động kế toán, tài chính, thuế của doanh nghiệp là phù hợp với quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm: Trách nhiệm của kế toán trưởng khi quỹ ngân hàng thất thoát
Trách nhiệm của kế toán trưởng trong quản lý tài sản của công ty
Trách nhiệm của kế toán trưởng đối với hành vi làm thất thoát tài sản công ty
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc Kế toán trưởng có hành vi gây thất thoát tài sản của công ty có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội danh trong pháp luật hình sự. Căn cứ trên hành vi khách quan cũng như nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kế toán trưởng mà sẽ là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm đặc trưng của một tội danh cụ thể. Theo đó:
Thứ nhất, hành vi gây thất thoát tài sản cho công ty của Kế toán trưởng có thể bị khép vào Tội tham ô. Tội này được cấu thành khi Kế toán trưởng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong vị trí quản lý của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Hành vi này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tự ý lấy tiền trong quỹ công ty, tự ý đem tài sản của công ty đi bán, chuyển nhượng…
Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội tham ô tài sản như sau:
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Có tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
- Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Thứ hai, hành vi gây thất thoát tài sản cho công ty của Kế toán trưởng có thể bị khép vào Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản. Tội danh này có hành vi khách quan qua việc Kế toán trưởng có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản nhưng đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của mình làm mất mát, hư hỏng, lãng phí tài sản đó.
Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như sau:
- Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, kế toán trưởng còn có thể bị truy cứu Trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 221, BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh này
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;
- Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;
- Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;
- Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán;
- Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
- Vì vụ lợi;
- Có tổ chức;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tùy vào hành vi, hậu quả, mức độ lỗi của Kế toán trưởng trong việc gây thất thoát tài sản công ty mà sẽ có cấu thành tội phạm riêng. Khi ấy, việc gây thất thoát tài sản cho công ty của Kế toán trưởng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh trên.
Xử lý kỷ luật
Nếu hành vi gây thất thoát tài sản cho công ty của Kế toán trưởng chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Kế toán trưởng có thể sẽ chỉ bị áp dụng chế tài xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật sẽ còn tùy thuộc vào quan hệ lao động hay quan hệ việc làm của Kế toán trưởng với tổ chức. Nghĩa là, sẽ còn tùy thuộc vào việc nhân viên Kế toán trưởng là người lao động hay cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ nhất, trường hợp Kế toán trưởng là cán bộ, công chức, viên chức. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:
Áp dụng đối với cán bộ
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Cách chức.
- Bãi nhiệm.
Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Hạ bậc lương.
- Buộc thôi việc.
Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Giáng chức.
- Cách chức.
- Buộc thôi việc.
Như vậy, Kế toán trưởng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây thất thoát tài sản cho tổ chức công lập, đơn vị sự nghiệp, các cơ quan công quyền… thì có thể bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật như trên tùy thuộc vào mức độ của hành vi cũng như là chức vụ kiêm quản lý.
Thứ hai, trường hợp Kế toán trưởng là người lao động. Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định về Hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
- Cách chức.
- Sa thải.
Như vậy, Kế toán trưởng là người lao động có hành vi gây thất thoát tài sản cho công ty thì có thể bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật như trên tùy thuộc vào mức độ của hành vi.
Lưu ý, pháp luật lao động cũng có quy định cho phép công ty có quyền xử lý kỷ luật sa thải khi người lao động có hành vi tham ô tài sản (Điều 125 Bộ luật Lao động 2019).
>>> Xem thêm: Hướng dẫn xử lý nhân viên vô ý gây thất thoát tài sản công ty
Luật sư tư vấn cho doanh nghiệp khi kế toán trưởng làm thất thoát tài sản của công ty
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối đa cho doanh nghiệp, đội ngũ luật sư tư vấn của công ty Luật Long Phan PMT với nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật sẽ luôn lắng nghe và giải đáp chi tiết các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Kế toán trưởng trong việc làm thất thoát tài sản của công ty. Cụ thể như sau:
- Tư vấn cụ thể về trách nhiệm pháp lý của kế toán trưởng khi gây thất thoát tài sản của công ty
- Giải đáp cho khách hàng các vấn đề pháp lý liên quan đến bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả
- Đề xuất giải pháp pháp lý có lợi nhất nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng
- Trực tiếp soạn thảo văn bản pháp lý hoặc hướng dẫn khách hàng chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến khởi kiện trong trường trường hợp xảy ra tranh chấp
- Luật sư đại diện tố tụng tại Tòa án, giải quyết các công việc với cơ quan chức năng khi có yêu cầu
Như vậy, hành vi gây thất thoát tài sản cho công ty của Kế toán trưởng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý kỷ luật. Bài viết trên của Luật Long Phan PMT cũng đã thông tin cho quý bạn đọc về trách nhiệm cũng như quyền hạn của Kế toán trưởng. Nếu quý bạn đọc còn thắc mắc và cần được tư vấn thì xin hãy liên hệ với chung tôi qua số HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn thêm. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.