Đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là yếu tố quan trọng định hình quá trình pháp lý và kết quả cuối cùng của vụ án. Việc xác định đúng đối tượng khởi kiện không chỉ là bước quan trọng mà còn là điều kiện tiên quyết để tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến vụ án một cách hiệu quả, phù hợp. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn đọc cách xác định đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.
Xác định đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính
Quy định pháp luật chung về khởi kiện trong vụ án hành chính
Đối tượng khởi kiện
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Luật TTHC 2015 được bổ sung bởi Khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 thì đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính bao gồm:
Thứ nhất, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
- Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Thứ hai, khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
Thứ ba, khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
Thứ tư, khiếu kiện danh sách cử tri.
Thời hiệu khởi kiện của đối tượng khởi kiện
Theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC 2015 bổ sung bởi Luật Kiểm toán Nhà nước 2019 thì thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định cụ thể như sau:
- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
- 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
- Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
Đối với trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
- 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Đối với trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện của từng đối tượng khởi kiện
>>>Xem thêm: Thời gian đưa vụ án hành chính ra xét xử là bao lâu?
Hướng dẫn xác định đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính
Xác định đối tượng khởi kiện của một vụ án hành chính là một bước quan trọng và không thể thiếu trong quá trình pháp lý. Điều này đòi hỏi sự cẩn thận và chính xác để xác định rõ ràng vai trò và quyền lợi của các bên liên quan. Đối tượng khởi kiện không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định phạm vi và nội dung của vụ án, mà còn ảnh hưởng đến công bằng và minh bạch của quá trình tố tụng.
Theo Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: quyết định hành chính, hành vi hành chính; quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống; quyết định giải quyết khiếu nại về vụ việc cạnh tranh; khiếu kiện danh sách cử tri. Để nhận định và đưa ra kết luận về đối tượng khởi kiện vụ án hành chính một cách chính xác, các đối tượng khởi kiện theo quy định pháp luật được hiểu như sau:
Quyết định hành chính
Quyết định hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 được hiểu là “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.
Đặc điểm của một quyết định hành chính bị kiện
- Về hình thức: quyết định hành chính được thể hiện bằng văn bản, cụ thể như quyết định, công văn, thông báo…
- Về nội dung: các quyết định hành chính này luôn mang tính mệnh lệnh, áp đặt, bắt buộc các đối tượng bị quản lý phải phục tùng, chấp hành.
- Về hiệu lực của quyết định hành chính: mang tính cá biệt, được áp dụng một lần cho một hoặc một số đối tượng cụ thể và có hiệu lực trong một khoảng thời gian cụ thể.
- Quyết định hành chính đó phải làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hành vi hành chính
Hành vi hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 được hiểu là: “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.
Một hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính sẽ mang những đặc điểm sau đây:
- Về chủ thể thực hiện: hành vi hành chính do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được trao quyền quản lý thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động quản lý, điều hành.
- Những hành vi hành chính này gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
- Những hành vi hành chính này được biểu hiện cụ thể bằng các hành vi thực hiện hoặc không thực hiện công vụ do nhà nước giao, nhân danh nhà nước và vì lợi ích của nhà nước.
- Đây là những hành vi mang tính cá biệt.
- Hành vi này khi thực hiện ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc hiểu là các văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính chỉ là những quyết định kỷ luật buộc thôi việc chỉ áp dụng đối với các công chức giữ chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, có thể hiểu vụ việc cạnh tranh là các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Khi xảy ra vụ việc cạnh tranh, các bên không có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
- Thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là do Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh giải quyết. Kết quả của việc giải quyết vụ việc cạnh tranh là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Các cá nhân, cơ quan, tổ chức chỉ có quyền khởi kiện vụ án hành chính về quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Khi các cá nhân, tổ chức, cơ quan này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó thì mới được khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Cơ sở pháp lý: khoản 8, 9 Điều 3; Mục 5 Chương VIII Luật Cạnh tranh 2018.
Danh sách cử tri
Theo quy định của pháp luật, có thể xác định danh sách cử tri có thể bị khởi kiện bao gồm:
- Danh sách cử tri bầu cử Đại biểu Quốc hội;
- Danh sách cử tri bầu cử Hội đồng nhân dân;
- Danh sách cử tri trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 3 Điều 115 LTTHC 2015 thì Cá nhân chỉ có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Luật sư tư vấn khởi kiện vụ án hành chính
Nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho quý khách hàng trong việc khởi kiện và tham gia vào các vụ án hành chính, Luật Long Phan cung cấp dịch vụ gồm:
- Tư vấn quyền và nghĩa vụ các bên trong quá trình khởi kiện vụ án;
- Tư vấn quy định về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính
- Tư vấn thủ tục khởi kiện hành vi hành chính của chủ tịch UBND xã
- Hướng dẫn viết đơn khởi kiện trong vụ án hành chính
- Tư vấn mức án phí khi khiếu kiện hành chính là bao nhiêu?
- Tư vấn thủ tục đối thoại trong vụ án hành chính
- Hướng dẫn thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin;
- Đại diện theo ủy quyền gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan hòa giải, Tòa án để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tư vấn khởi kiện án hành chính
Việc xác định đối tượng khởi kiện ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giải quyết trong vụ án hành chính. Nếu quý khách hàng còn khó khăn hoặc cần sử dụng Dịch vụ luật sư tranh tụng tham gia vụ án hành chính trong việc tiếp cận vui lòng liên hệ luật sư hành chính của Luật Long Phan qua số hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ kịp thời.
Các bài viết liên quan đến khởi kiện vụ án hành chính mà bạn quan tâm:
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính
- Thẩm quyền giải quyết khởi kiện quyết định hành chính về bồi thường khi thu hồi đất
- Hướng dẫn khởi kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc
- Khởi kiện quyết định hành chính của Chủ tịch Tỉnh ở đâu
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.