Chế tài đối với hành vi không thông báo tập trung kinh tế là biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp có hành vi tập trung kinh tế không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền. Việc không thông báo tập trung kinh tế dẫn đến sự khó khăn trong quản lý. Bài viết này Luật Long Phan PMT sẽ giúp quý khách giải đáp thắc mắc.
Hành vi không thông báo tập trung kinh tế
Mục Lục
Tập trung kinh tế là gì
Tập trung kinh tế được hiểu là hoạt động hợp nhất, sáp nhập, mua lại hoặc liên doanh giữa các doanh nghiệp. Theo đó, có thể hình thành doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền. Với mục đích làm tăng tiềm lực kinh tế, kiểm soát quy mô thị phần và nguồn cung cấp hàng hoá dịch vụ. Và làm giảm tình trạng cạnh tranh riêng lẻ giữa các doanh nghiệp.
Quy định về thông báo tập trung kinh tế
Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế
Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Cạnh Tranh cụ thể như sau :
- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
- Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;
- Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
Dựa vào các căn cứ nêu trên, ngưỡng tập trung kinh tế cũng được hướng dẫn chi tiết tại Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh (Sau đây gọi tắt là Nghị định 35/2020/NĐ-CP) như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:
- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Thứ hai, các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán dự định tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:
- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên, của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán từ 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Lưu ý: Trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được áp dụng theo điểm a, b hoặc d của khoản 1, điểm a, b hoặc d của khoản 2 Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP như nội dung đề cập trên.
Hợp tác tập trung kinh tế
Hồ sơ thông báo
Để thông báo tập trung kinh tế thương nhân cần chuẩn bị hồ sơ cần thiết. Theo điều 34 Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể về hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bao gồm như sau:
- Thông báo tập trung kinh tế theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
- Dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế hoặc dự thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
- Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm thông báo tập trung kinh tế đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;
- Danh sách các công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (nếu có);
- Danh sách các loại hàng hóa, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang kinh doanh;
- Thông tin về thị phần trong lĩnh vực dự định tập trung kinh tế của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế;
- Phương án khắc phục khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế;
- Báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.theo mẫu do.
Theo đó, cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để tránh những rủi ro không đáng có về thủ tục thông báo tập trung kinh tế. Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ. Trong hồ sơ có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.
Thủ tục thông báo tập trung kinh tế
Thủ tục thông báo tập trung kinh tế được pháp luật quy định chi tiết và thường gồm có các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
- Các doanh nghiệp thuộc diện phải thông báo tập trung kinh tế tiến hành chuẩn bị và nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế như nội dung trên;
- Nơi tiếp nhận hồ sơ : Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
Bước 2: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận hồ sơ:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo;
Lưu ý: Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
Bước 3: Thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế:
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế. Nội dung thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế bao gồm:
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;
- Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
- Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế về một trong các nội dung sau đây:
- Tập trung kinh tế được thực hiện;
- Tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức.
Bước 4: Thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế:
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ. Đối với vụ việc phức tạp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể gia hạn thẩm định chính thức nhưng không quá 60 ngày và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế;
Nội dung thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế bao gồm:
- Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế và các biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh;
- Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế;
- Đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế.
Trong quá trình này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang hoạt động. Cụ thể:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc tham vấn ý kiến, cơ quan được tham vấn có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về nội dung được tham vấn.
Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể tiến hành tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Bước 5: Ra quyết định về việc tập trung kinh tế:
Sau khi kết thúc thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế, căn cứ vào nội dung thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định về một trong các nội dung sau đây:
- Tập trung kinh tế được thực hiện;
- Tập trung kinh tế có điều kiện;
- Tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm.
Quyết định về việc tập trung kinh tế phải được gửi đến các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Cơ sở pháp lý: Các Điều 34, Điều 35, Điều 36 (được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 35/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2020), Điều 37, Điều 39, Điều 41 Luật Cạnh tranh 2018.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn hồ sơ và thủ tục thông báo tập trung kinh tế
Không thông báo tập trung kinh tế sẽ bị xử lý như thế nào
Khi thương nhân không thông báo tập trung kinh tế sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật , cụ thể Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh (sau đây gọi tắt là Nghị định 75/2019/NĐ-CP) như sau:
Phạt tiền từ 0,5% đến 01% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đối với một trong các hành vi sau đây:
- Thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Luật Cạnh tranh 2018, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Cạnh tranh;
- Thực hiện việc tập trung kinh tế khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định quy định tại Điều 41 của Luật Cạnh tranh trong trường hợp hành vi tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức.
Phạt tiền từ 01% đến 03% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đối với hành vi sau đây:
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện được thể hiện trong quyết định về tập trung kinh tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 của Luật Cạnh tranh;
- Thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 của Luật Cạnh tranh.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với thương nhân không thông báo tập trung kinh tế.
Cơ quan thẩm quyền xử phạt hành vi không thông báo tập trung kinh tế
Căn cứ vào Điều 26 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về tập trung kinh tế được quy định như sau:
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có các thẩm quyền sau đây:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung;
- Áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định 75/2019/NĐ-C
Vậy cơ quan thẩm quyền xử phạt hành vi không thông báo tập trung kinh tế là Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia.
Tư vấn hỗ trợ khi bị xử phạt hành vi không thông báo tập trung kinh tế
Dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp của Công ty luật Long Phan PMT sẽ thay doanh nghiệp giải quyết những khó khăn này, bao gồm những nội dung như:
- Tư vấn các điều kiện, quy định pháp luật có liên quan đến thông báo tập trung kinh tế;
- Tư vấn, hỗ trợ chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ, các tài liệu cần thiết để thông báo tập trung kinh tế
- Soạn thảo đơn khiếu nại trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền có vi phạm làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng;
- Cung cấp các dịch vụ có liên quan;
Tập trung kinh tế phát triển thị trường
Chế tài đối với hành vi không Thông báo tập trung kinh tế là bài viết giúp các thương nhân nắm rõ hơn những vấn đề xoay quanh việc tập trung kinh tế . Nội dung trên đã cho biết về khái niệm , thủ tục và quy định về việc tập trung kinh tế và mức xử phạt đối với hành vi không thông báo tập trung kinh tế .Nếu Quý khách có thắc mắc hay cần sự hỗ trợ hãy liên hệ chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được luật sư doanh nghiệp tư vấn và hỗ trợ cụ thể và chi tiết nhất.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.