Bồi thường thiệt hại do đối thủ cạnh tranh không lành mạnh gây ra là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đang tìm biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình quan tâm. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh được pháp luật cạnh tranh quy định, đối thủ phải bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra. Tòa án nhân sẽ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường. Sau đây là các nội dung cơ bản mà Luật Long Phan PMT cung cấp về vấn đề trên.
Bồi thường thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh
Mục Lục
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. (Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018).
Theo đó, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm bao gồm:
- Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức như: (i) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; (ii) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
- Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
- Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
- Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức như: (i) đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; (ii) so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
- Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.
Cơ sở pháp lý: Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.
Bồi thường thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh gây ra
Căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh mà gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018).
Trách nhiệm bồi thường phát sinh khi có các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh dẫn đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
- Có thiệt hại xảy ra;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại: hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại và thiệt hại là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại
Nguyên tắc và mức bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, trên thực tế thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một loại thiệt hại rất đặc thù, nó bao gồm: các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ, các khoản lợi nhuận và thu thập bị mất, hoặc giảm sút, các khoản lỗ phải gánh chịu, các chi phí phát sinh,… Do đó, bên bị thiệt hại phải chứng minh được các khoản thiệt hại mà do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Về nguyên tắc bồi thường thì theo quy định trên thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, mức bồi thường dựa trên mức độ lỗi và khả năng kinh tế của người gây thiệt hại.
Mức bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh
>>> Xem thêm: Thủ tục tố cáo đối thủ kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh
Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được mức bồi thường hợp lý hoặc đối thủ cạnh tranh tranh không đồng ý bồi bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận, huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở giải quyết theo quy định tại Khoản 6 Điều 26, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Tuy nhiên, đối với trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Lưu ý, việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể được thực hiện sau khi quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực hoặc cũng có thể khởi kiện ngay tại Tòa án mà không cần phải khiếu nại vụ việc tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Hồ sơ khởi kiện
- Đơn khởi kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại của đối thủ
- Giấy đăng ký kinh doanh (bản sao y) hoặc Giấy tờ chứng minh nhân thân (bản sao y) của người khởi kiện và người bị kiện
- Tài liệu chứng minh thiệt hại
- Các giấy tờ liên quan khác
Trình tự, thủ tục khởi kiện
Theo quy định tại Điều 190, 191, 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về trình tự giải quyết đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường như sau:
- Bước 1: người bị thiệt hại nộp đơn khởi kiện kèm theo hồ sơ khởi kiện đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
- Bước 2: Tòa án cấp giấy xác nhận đã nhận đơn sau khi nhận được đơn khởi kiện
- Bước 3: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện
- Bước 4: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày được phân công xem xét đơn, Thẩm phán phải ra thông báo về kết quả xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khởi kiện được thụ lý thì phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí
- Bước 5: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền làm thủ tục nộp tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án
- Bước 6: Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.
>>> Xem thêm: Quy trình điều tra, xử lý vi phạm, xử lý vi phạm về cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2018
Luật sư tư vấn đòi bồi thường thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh gây ra
- Soạn thảo đơn từ yêu cầu bồi thường thiệt hại;
- Đại diện theo ủy quyền làm việc với cơ quan nhà nước, cơ quan, tổ chức khác có liên quan;
- Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm bồi thường và xác định mức bồi thường;
- Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh;
- Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong vụ án cạnh tranh;
- Soạn thảo các đơn từ, văn bản cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án;
- Tư vấn các vấn đề pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng,…
Như vậy, đối với trường hợp đối thủ có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì đầu tiên bên bị thiệt hại có thể thương lượng với doanh nghiệp xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi và bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thể thương lượng được thì có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại bên cạnh việc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm (nếu có). Nếu Quý khách hàng có khó khăn hoặc thắc mắc gì về vấn đề trên, hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.63.63.87 hoặc email pmt@luatlongphan.vn để được tư vấn luật kỹ hơn. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.