Cách xử lý khi bị đối thủ gây rối hoạt động kinh doanh

Cách xử lý khi bị đối thủ gây rối hoạt động kinh doanh cần được doanh nghiệp cẩn trọng quyết định để đảm bảo quyền lợi nhưng không vi phạm pháp luật. Ngày nay, nhiều doanh nghiệp rất lo ngại hành vi cản trở kinh doanh này và tìm cách xử lý phù hợp. Bài viết dưới đây cung cấp cho Quý độc giả những hành vi được xem là gây rối hoạt động kinh doanh và hướng xử lý khi bị đối thủ thực hiện những hoạt động này.

Đối thủ gây rối hoạt động kinh doanhĐối thủ gây rối hoạt động kinh doanh

Hành vi cạnh tranh bị cấm về gây rối hoạt động kinh doanh

Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.

“Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.”

Theo đó, có thể hiểu, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là những hành vi của các chủ thể nhằm đạt được lợi thế kinh doanh thông qua thực hiện các hành vi gây rối, ngăn cản làm cho doanh nghiệp khác không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh một cách bình thường. Hành vi này có thể thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

>>> Xem thêm: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nào của đối thủ có thể bị khiếu nại?

Hướng xử lý khi bị đối thủ gây rối hoạt động kinh doanh

Khiếu nại vụ việc cạnh tranh

Trường hợp tổ chức, cá nhân bị gây rối hoạt động kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì có thể khiếu nại vụ việc cạnh tranh đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (khoản 1 Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018).

Thời hiệu khiếu nại là 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.

Thủ tục khiếu nại thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ khiếu nại bao gồm:

  • Đơn khiếu nại theo mẫu M02 ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-CT ngày 05 tháng 07 năm 2023;
  • Chứng cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại có căn cứ và hợp pháp;
  • Các thông tin, chứng cứ liên quan khác mà bên khiếu nại cho rằng cần thiết để giải quyết vụ việc.

Bước 2: Tiếp nhận và xem xét hồ sơ khiếu nại

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại. Trường hợp hồ sơ khiếu nại đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo cho bên khiếu nại về việc tiếp nhận hồ sơ đồng thời thông báo cho bên bị khiếu nại.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra thông báo cho các bên liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét hồ sơ khiếu nại; Trường hợp hồ sơ khiếu nại không đáp ứng yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo bằng văn bản về việc bổ sung hồ sơ khiếu nại cho bên khiếu nại. Thời hạn bổ sung không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu bổ sung. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể gia hạn thời gian bổ sung một lần nhưng không quá 15 ngày theo đề nghị của bên khiếu nại.

Bước 3: Điều tra vụ việc cạnh tranh

Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 45 ngày.

Bước 4: Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra một trong các quyết định sau đây:

  1. a) Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh;
  2. b) Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh điều tra bổ sung. Thời hạn điều tra bổ sung là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định;
  3. c) Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

Cơ sở pháp lý: Từ Điều 77 đến Điều 95 Luật Cạnh tranh 2018.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục yêu cầu giải quyết hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Khiếu nại hành vi gây rối hoạt động kinh doanhKhiếu nại hành vi gây rối hoạt động kinh doanh

Khởi kiện tại Tòa

Trường hợp hành vi gây rối hoạt động kinh doanh có phát sinh thiệt hại thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu bồi thường (khoản 1 Diều 110 Luật Cạnh tranh 2010). Việc yêu cầu bồi thường này có thế được thực hiện sau khi có quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực hoặc khởi kiện trực tiếp mà không cần thông qua khiếu nại vụ việc cạnh tranh. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết làTòa án Nhân dân quận, huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở theo quy định tại Khoản 6 Điều 26, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 nếu hai bên không có thỏa thuận chọn nơi giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đối với trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Theo quy định  tại Điều 190, 191, 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về trình tự giải quyết đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền gồm:

  • Đơn khởi kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh gây thiệt hại của đối thủ
  • Giấy đăng ký kinh doanh (bản sao y) hoặc Giấy tờ chứng minh nhân thân (bản sao y) của người khởi kiện và người bị kiện
  • Các giấy tờ liên quan khác

Bước 2: Tòa án cấp giấy xác nhận đã nhận đơn sau khi nhận được đơn khởi kiện

Bước 3: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện

Bước 4: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày được phân công xem xét đơn, Thẩm phán phải ra thông báo về kết quả xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khởi kiện được thụ lý thì phải thông báo ngay cho doanh nghiệp khởi kiện để doanh nghiệp khởi kiện làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí

Bước 5: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí thì doanh nghiệp khởi kiện phải đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền làm thủ tục nộp tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án

Bước 6: Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.

Khởi kiện bồi thường thiệt hại do gây rối tại TòaKhởi kiện bồi thường thiệt hại do gây rối tại Tòa

Hậu quả khi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác

Bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường như sau:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, trong trường hợp này đối thủ đã có hành vi gây rối hoạt động kinh doanh dẫn đến thiệt là căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của đối thủ theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật này như sau:

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  • Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

>>> Xem thêm: Có thể khởi kiện bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật cạnh tranh?

Phạt tiền đối với hành vi vi phạm

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, hành vi gây rối hoạt động kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
  • Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
  • Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
  • Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực thi hành; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Mức phạt trên áp dụng cho tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm, mức phạt bằng ½ mức phạt của tổ chức nêu trên (khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

Luật sư tư vấn cách xử lý khi bị đối thủ gây rối hoạt động kinh doanh

  • Tư vấn quy định pháp luật về các hành vi gây rối hoạt động kinh doanh;
  • Tư vấn hướng xử lý khi bị gây rối hoạt động kinh doanh;
  • Tư vấn và thực hiện thủ tục khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
  • Tư vấn và thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây rối kinh doanh;
  • Soạn thảo các đơn từ cần thiết trong quá trình giải quyết vụ việc;
  • Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng;
  • Các công việc khác theo thỏa thuận và theo quy định.

Như vậy, trường hợp phát hiện đối thủ cạnh tranh có hành vi gây rối hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp bị thiệt hại có thể tố cáo hành vi ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện ra Tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu Quý khách hàng có khó khăn hoặc thắc mắc gì về vấn đề trên, hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.63.63.87 hoặc email pmt@luatlongphan.vn để được tư vấn luật kỹ hơn. Xin cảm ơn.

Scores: 4.7 (33 votes)

Tham vấn Luật sư: Trần Tiến Lực - Tác giả: Phạm Thị Hồng Hạnh

Phạm Thị Hồng Hạnh – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hợp đồng và thừa kế. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ. Đạt sự tin tưởng của khách hàng.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87

Kênh bong đa truc tuyen Xoilacz.co luck8