Tranh chấp phân chia đất cấp cho hộ gia đình là tranh chấp phổ biến liên quan tới lĩnh vực luật đất đai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp như ly hôn, thừa kế,… Vậy để giải quyết những tranh chấp này cần phải làm như thế nào để vừa bảo vệ quyền lợi của mình vừa đúng với quy định của pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn về vấn đề giải quyết tranh chấp phân chia đất cấp cho hộ gia đình.
Tranh chấp phân chia đất hộ gia đình
Mục Lục
Quy định về phân chia đất hộ gia đình
Đất của Hộ gia đình là tài sản chung của các thành viên hộ gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, việc sử dụng, định đoạt phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần trong Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết
Đồng thời, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 có quy định:
- Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
- Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.
Như vậy, khi muốn phân chia đất cấp cho hộ gia đình thì việc phân chia phải được đáp ứng điều kiện ở Điều 167 Luật đất đai 2013 trên cơ sở Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Làm thủ tục tách thửa theo quy định của luật Đất đai;
- Làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần đất được chia.
Đối với các trường hợp phân chia đất vì lí do vợ chồng ly hôn hay chia thừa kế trong hộ gia đình sẽ phải đáp ứng theo các quy định được ghi nhận ở Bộ luật dân sự 2015 và Luật hôn nhân gia đình 2014 bên cạnh luật Đất đai 2013.
Thủ tục phân chia đất hộ gia đình
Thủ tục tách thửa, phân chia đất của hộ gia đình được thực hiện theo Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BTNMT, hồ sơ thực hiện thủ tục tách thửa đất hộ gia đình bao gồm:
- Đơn đề nghị, đơn xin tách thửa theo mẫu 11/ĐK
- Bản gốc giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đã cấp.
Nơi nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi có đất.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ đủ hay thiếu để tiếp tục thủ tục.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện công việc tách thửa đất
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính
Bước 4: Nhận kết quả
Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Tranh chấp phân chia đất hộ gia đình
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phân chia đất của hộ gia đình:
- Thừa kế di sản là quyền sử dụng đất (theo di chúc hoặc theo pháp luật);
- Phân chia tài sản sau ly hôn giữa vợ chồng;
- Mâu thuẫn gia đình dẫn đến việc phân chia;
- Các nguyên nhân khác.
Khi việc phân chia đất không được đảm bảo về quyền lợi, các chủ thể được phân chia đất sẽ phát sinh các tranh chấp về quyền sử dụng đất đòi hỏi phải có sự can thiệp của pháp luật.
Hướng giải quyết tranh chấp
Để giải quyết tranh chấp phân chia đất, hộ gia đình cá nhân có đất phân chia phải tiến hành hòa giải:
- Các bên tự hòa giải, phân chia đất phù hợp để giải quyết tranh chấp
- Trong trường hợp không thể tự hòa giải thì các bên gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất cần phân chia để tiến hành hòa giải.
- UBND xã tiến hành hòa giải trong vòng 45 ngày, việc hòa giải phải được lập thành biên bản.
- UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải tới Phòng Tài nguyên – Môi trường đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất
Thành phần hòa giải tranh chấp đất đai gồm:
- Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải;
- Hai bên tranh chấp đất đai;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Các tổ chức xã hội khác.
Trong trường hợp UBND cấp xã hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có thể tiến hành khởi kiện để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Lứu ý: Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã, nếu không hòa giải sẽ không đủ điều kiện khởi kiện theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Điều 3 Nghị quyết 02/2017/NQ-HĐTP).
Thủ tục giải quyết tranh chấp phân chia đất hộ gia đình
Thẩm quyền giải quyết
Căn cứ khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân.
Thứ nhất, thẩm quyền theo cấp
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất thuộc về Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, trong trường hợp mà có đương sự ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh (khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
Thứ hai, thẩm quyền theo lãnh thổ
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tranh chấp đất đai thuộc thâm quyền của Tòa án nơi có đất
Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp Huyện nơi có đất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh nơi có đất
Thủ tục giải quyết
Khi tranh chấp xảy ra các đương sự nộp đơn khởi kiện đến Tòa án cấp có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự như sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng một trong các phương thức sau
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ Công quốc gia (nếu có).
Bước 2: Toà án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện
Thứ nhất, tiếp nhận đơn
- Nếu nộp trực tiếp, Tòa án cấp ngay giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện
- Nếu nộp theo đường dịch vụ bưu chính, Tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn
- Nếu nộp bằng phương thức gửi trực tuyến, Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (nếu có)
Thứ hai, xử lý đơn
Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Thụ lý đơn khởi kiện
Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi xét thấy hồ sơ khởi kiện đầy đủ và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ ra thông báo cho người khởi kiện thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.
Theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.
Bước 5: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng
Bước 6: Thẩm phán ban hành bản án hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên về việc giải quyết tranh chấp phân chia đất hồ gia đình
Bước 7: Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị
Theo quy định của Điều 270, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án
- Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
- Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
>>>Xem thêm: Thủ tục khởi kiện chia tài sản chung là nhà đất của hộ gia đình
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp phân chia đất hộ gia đình
Luật Long Phan PMT cung cấp đến Quý khách hàng dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp phân chia đất hộ gia đình như sau:
- Tư vấn quyền và nghĩa vụ của các thành viên hộ gia đình sử dụng chung đất
- Tư vấn cách thức phân chia quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình
- Hướng dẫn thủ tục, chuẩn bị hồ sơ tách thửa đất của các thành viên hộ gia đình
- Tư vấn giá trị pháp lý của việc tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của hộ gia đình
- Tư vấn các phương thức giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất hộ gia đình
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp phân chia đất hộ gia đình
- Tư vấn chuẩn bị hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ
- Luật sư tham gia tranh tụng để bảo vệ quyền và lợi ích khách hàng
- Tư vấn các vấn đề khác có liên quan.
Giải quyết tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong hộ gia đình có thể được giải quyết bằng các phương thức khác nhau và theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Để đảm bảo quyền lợi khách hàng cũng như giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả thì có thể liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.63.63.87 để được luật sư nhà đất hướng dẫn, tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai một cách tốt nhất.
Kính gửi văn phòng luật sư.
Xin cho tôi hỏi 1 vấn đề như sau:
Tôi và em trai của tôi là thành viên của hộ gia đình được cấp đất theo nghị định 64 của chính phủ, nhưng anh em chúng tôi không còn ở chung với cha mẹ mà đã đi lập nghiệp ở riêng, vậy phần đất mà nhà nước đã cấp cho chúng tôi ở trong sổ của cha mẹ, vậy chúng tôi có được hưởng phần đất đó không, và thủ tục như thế nào? Tôi đã hỏi cha tôi nhưng ông ấy nói là tôi không có phần trong đó. Nếu tôi đc hưởng thì xin luật sư cho tôi biết tôi phải làm đơn gì để đề nghị đc chia đất. Xin cảm ơn
Kính chào quý khách, nội dung câu hỏi của quý khách đã được chúng tôi phản hồi qua email. Qúy khách vui lòng xem mail để biết chi tiết. Trân trọng./.