Thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài là thủ tục mà giữa công dân Việt Nam muốn tiến hành đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Thủ tục này bao gồm các điều kiện và quy trình được pháp luật quy định để tiến hành đăng ký kết hôn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các điều kiện cũng như hướng dẫn đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài.
Thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt ở nước ngoài mới nhất
Mục Lục
Điều kiện đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài
Căn cứ theo khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc kết hôn giữa người Việt Nam cư trú ở trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài do có một bên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo đó, để thực hiện việc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Thứ nhất, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Thứ hai, không thuộc trường hợp kết hôn giữa những người đồng giới với nhau.
Như vậy, việc muốn đăng ký kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn đáp ứng đủ các điều kiện về độ tuổi, sự tự nguyện, và không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo pháp luật quy định.
>>> Xem thêm: Các trường hợp cấm kết hôn
Thẩm quyền đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài
Để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài, thì trước tiên phải xác định được cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với trường hợp người Việt Nam cư trú tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp trên được quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn
- Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
- Giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
- Giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Như vậy, việc một công dân Việt Nam cư trú ở trong nước muốn đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam trong nước có thẩm quyền giải quyết.
Trình tự, thủ tục đăng ký ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài
Hồ sơ đăng ký kết hôn
Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký kết hôn như sau:
- Hai bên nộp tờ khai theo mẫu quy định: Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó;
- Bản sao CMND hoặc thẻ CCCD đối với người Việt Nam cư trú trong nước;
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Như vậy, hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài cần đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật quy định như trên.
>>>Xem thêm: Công dân Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn ở nước ngoài cần lưu ý gì?
Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn
Về trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 31 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Hai bên nam nữ đăng ký kết hôn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP để nộp cho Phòng tư pháp.
Bước 2: Nghiên cứu, thẩm định hồ sơ.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh. Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp khi một bên vắng mặt, theo quy định tại Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau: Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.
Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Thủ tục đăng ký kết hôn
>>>Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài có 02 quốc tịch
Luật sư tư vấn thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài
Luật sư đóng vai trò quan trọng việc hướng dẫn và giúp đỡ cho việc đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài, cụ thể:
- Tư vấn cho khách hàng thông tin và lời khuyên về các vấn đề pháp luật liên quan đến đăng ký kết hôn, giúp khách hàng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
- Soạn thảo các hợp đồng, văn bản pháp lý khác như: tờ khai đăng ký kết hôn, thỏa thuận chế độ tài sản trước hôn nhân, … cho khách hàng đồng thời tư vấn cho khách hàng về tính hợp pháp và hiệu lực pháp lý của các văn bản pháp luật.
- Tư vấn và hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để đăng ký kết hôn
- Tư vấn phương án cho khách hàng trong trường hợp khách hàng bị trục trặc giấy tờ trong quá trình đăng ký kết hôn
Luật sư hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn
Để đăng ký kết hôn với người Việt sống ở nước ngoài, bạn cần thu thập tài liệu cá nhân và giấy tờ liên quan của cả hai bên, như hộ chiếu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân. Sau đó, bạn phải liên hệ với cơ quan đúng thẩm quyền tại nơi bạn đang sinh sống để được hướng dẫn về quy trình đăng ký kết hôn. Nếu còn thắc mắc về Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài ở nước ngoài, xin vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được Luật sư hôn nhân và gia đình hỗ trợ kịp thời.
Các bài viết liên quan đến kết hôn có yếu tố nước ngoài có thể bạn quan tâm:
- Thủ tục ghi chú kết hôn theo pháp luật Việt Nam mới nhất
- Thủ tục công nhận quyết định kết hôn có yếu tố nước ngoài
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.