Hướng dẫn xác định mức bồi thường khi bị vu khống, làm nhục

Xác định mức bồi thường khi bị vu khống, làm nhục là vấn đề được mọi người quan tâm trong việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm. Việc không xác định được mức bồi thường thiệt hại làm cho người bị xâm phạm mất nhiều thời gian nhưng không đạt được kết quả khi làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bài viết dưới đây của Luật Long Phan PMT sẽ hướng dẫn cho Quý khách hàng về vấn đề trên.

Xác định mức bồi thường khi bị vu khốngXác định mức bồi thường khi bị vu khống

Khi bị vu khống, làm nhục thì phải làm sao

Tố cáo, tố giác tội phạm

Khi có dấu hiệu của hành vi vu khống, làm nhục người khác, người bị xâm phạm cần nắm hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chỉ thuộc trường hợp bị xử phạt hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại về dân sự. Khi xác định hành vi của người vu khống, bịa đặt làm nhục người khác thì bị hại có thể thực hiện tố cáo hoặc tố giác tội phạm

Thứ nhất, thực hiện tố giác tội phạm: Khi nhận thấy có đủ yếu tố về những dấu hiệu tội vu khống, làm nhục, cá nhân có thể thực hiện quyền tố giác của mình bằng cách nộp đơn tố giác tại các cơ quan có thẩm quyền tại nơi xảy ra vụ việc bao gồm:

  • Công an phường, thị trấn, đồn công an;
  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;
  • Cơ quan, tổ chức khác như Tòa án, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Hải quan,…

(CSPL: Khoản 2 Điều 145, khoản 3, 4 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)

Những hành vi sau đây cấu thành tội vu khống và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

  • Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;
  • Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu Trách nhiệm hình sự Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Thứ hai, thực hiện tố cáo hành vi vi phạm đến Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông

Theo quy định thì người có hành vi xúc phạm danh dự, lăng mạ, chì chiết người khác có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 7, Điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; Điểm a Khoản 3 Điều 99, điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cụ thể:

  • Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
  • Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
  • Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
  • Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Những lời nói mang tính xúc phạm, lăng mạ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác cần được xác định rõ ràng, cụ thể và có đầy đủ chứng cứ. Nhờ đó, khi thực hiện khởi kiện hoặc tố cáo, tố giác người khác người khởi kiện, tố giác, tố cáo không bị phản lại bởi những yêu cầu, thông tin mà mình đưa ra.

Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Đối với những hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác khi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ thực hiện tố giác tội phạm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về vu khống, làm nhục, người bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì người bị xâm phạm vẫn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách nộp đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 186, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Người bị xâm phạm có thể khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường ngoài hợp đồng tại Tòa án nhân dân nơi cư trú của bị đơn theo quy định tại  Khoản 6 Điều 26, điểm a Khoản 1 Điều 35 và điểm a, khoản 1, 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Theo quy định thì  Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xúc phạm danh dự nhân phẩm

Dựa theo quy định tại Khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, người bị xâm phạm thực hiện khởi kiện người xâm phạm mình về danh dự, nhân phẩm, uy tín tại Tòa án có thẩm quyền trên những căn cứ sau đây:

  • Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

Để chứng minh những căn cứ trên, người bị xâm phạm phải nộp cho Tòa án các giấy tờ liên quan đến chi phí thực tế bị mất do hành vi của người xâm phạm gây nên như hóa đơn, chứng từ về chi phí khám chữa bệnh do bị ảnh hưởng về tâm lý, hợp đồng lao động (chứng minh về thu nhập), thông báo chấm dứt hợp đồng lao động,…

Cách xác định mức bồi thường khi bị vu khống

Mức bồi thường thiệt hại được xác định trên những căn cứ yêu cầu bồi thường quy định tại Khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác sẽ phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần theo khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường sẽ do 02 bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người mà danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Việc đưa ra mức bồi thường hợp lý sẽ giúp yêu cầu của người bị xâm phạm dễ dàng được Tòa chấp nhận.

Thủ tục yêu cầu bồi thường và mẫu đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín gồm có các bước sau:

Bước 1: Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền. Việc xác định thẩm quyền căn cứ vào Điều 26, Điều 35, Điều 37 và Điều 39, Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015. Cụ thể Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi  bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức, trừ trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh.

Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi qua Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (Nếu có)

Bước 2: Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện

Khi nhận đơn khởi kiện Tòa thực hiện những công việc sau:

  • Tòa án nhận đơn khởi kiện, ghi vào sổ nhận đơn và có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện.

Bước 3: Tòa thụ lý vụ án

Căn cứ theo quy định tại Điều 196, BLTTDS 2015 thì việc thực hiện Thông báo thụ lý vụ án như sau:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
  • Đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử vụ án

Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày Tòa thụ lý. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  • Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
  • Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
  • Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
  • Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
  • Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
  • Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

Bước 5: Xét xử sơ thẩm vụ án

Trong 01 tháng tính từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa mở phiên tòa sơ thẩm; nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài đến 02 tháng.

Bước 6: giải quyết theo thủ tục phúc thẩm nếu có kháng cáo kháng nghị

Căn cứ theo Điều 270, BLTTDS 2015 thì Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị..

>>> Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự

Mẫu đơn khởi yêu cầu bồi thườngMẫu đơn khởi yêu cầu bồi thường

Luật sư hướng dẫn thực hiện khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị vu khống

Với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm và kỹ năng, Chúng tôi tự hào mang đến cho quý khách hàng các dịch vụ về hướng dẫn thực hiện khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nhanh chóng, uy tín và đúng trình tự thủ tục nhất. Một số dịch vụ có thể bao gồm:

  • Luật sư hướng dẫn xác định mức độ cấu thành tội phạm của hành vi vu khống, làm nhục người khác trong từng trường hợp cụ thể;
  • Tư vấn hướng giải quyết tốt nhất nhằm tối ưu quyền và lợi ích của khách hàng;
  • Hỗ trợ tố cáo, tố giác tội phạm về tội vu khống, làm nhục người khác;
  • Hướng dẫn soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại về xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác;
  • Hỗ trợ, hướng dẫn trình tự, thủ tục khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật một cách nhanh chóng, hiệu quả;
  • Đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại;

Trong trường hợp bị vu khống, làm nhục thì bị hại có quyền tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền. Hoặc có thể tố cáo hoặc khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.Mức bồi thường được quy định khá chi tiết trong Bộ luật Dân sự và đã được chúng tôi đề cập ở trên. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ dịch vụ Luật sư tư vấn Luật Dân sự của Luật Long Phan PMT hoặc liên hệ qua số hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ.

Scores: 4.6 (52 votes)

Tham vấn Luật sư: Nguyễn Trần Phương - Tác giả: Trần Hường

Trần Hường – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ dân sự, thừa kế, hôn nhân gia đình và pháp luật lao động. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87

Kênh bong đa truc tuyen Xoilacz.co luck8