Thực hiện công việc theo ủy quyền gây thiệt hại là trường hợp thường gặp trong các giao dịch ủy quyền. Trách nhiệm bồi thường này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất của công việc, nội dung ủy quyền, và quy định pháp luật áp dụng. Bài viết dưới đây của Luật Long Phan PMT sẽ lý giải vấn đề trên, mời quý độc giả tham khảo.
Bồi thường khi thực hiện công việc ủy quyền gây thiệt hại
Mục Lục
Quy định pháp luật về ủy quyền
Ủy quyền là gì?
Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện được ghi nhận tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời, căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng ủy quyền, có thể hiểu, ủy quyền là việc cá nhân hoặc tổ chức cho phép một cá nhân hoặc tổ chức khác đại diện và thực hiện các quyết định hoặc hành động pháp lý thay mặt cho mình. Việc này cũng đặt ra nghĩa vụ cho bên được ủy quyền phải thực hiện các công việc được ủy quyền; và nghĩa vụ cho bên ủy quyền phải trả thù lao khi có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền được xác định theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Theo thỏa thuận giữa các bên;
- Theo quy định của pháp luật;
- Thời hạn ủy quyền là 01 năm nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định.
Cơ sở pháp lý: Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ chấm dứt hoạt động ủy quyền
Căn cứ chấm dứt hợp đồng ủy quyền cũng là căn cứ chấm dứt hợp đồng nói chung quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Các bên đã thực hiện xong hợp đồng;
- Theo thỏa thuận của các bên;
- Một trong các chủ thể ký kết, thực hiện hợp đồng chết hoặc chấm dứt tồn tại;
- Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
- Hợp đồng không thể thực hiện do đối tượng của hợp đồng không còn;
- Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
- Trường hợp khác do luật quy định.
>>> Tham khảo thêm: Tranh chấp khi người nhận ủy quyền vi phạm nghĩa vụ thông báo
Căn cứ để hợp đồng ủy quyền chấm dứt
Trách nhiệm bồi thường khi người thực hiện công việc theo ủy quyền gây thiệt hại
Trường hợp thực hiện công việc theo ủy quyền gây thiệt hại cho bên ủy quyền thì bên nhận ủy quyền có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng và quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ. Cụ thể như sau:
- Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (khoản 1 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015).
- Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác (Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015).
- Bên nhận ủy quyền không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên ủy quyền (khoản 3 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015).
- Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015).
Trường hợp thực hiện công việc ủy quyền gây thiệt hại cho người khác, về nguyên tắc, bên ủy quyền có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho bên bị thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra (Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật – Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015).
>> Tham khảo thêm:
Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Thủ tục giải quyết tranh chấp bồi thường tại Tòa án
Thẩm quyền giải quyết
Khi có tranh chấp bồi thường khi thực hiện công việc theo ủy quyền gây thiệt hại, thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Cụ thể như sau:
- Tranh chấp trên được giải quyết bởi Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc
- Trong trường hợp tranh chấp mà có bên liên quan là người nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài, theo quy định của Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án Nhân dân cấp tỉnh.
Tùy thuộc vào tình huống cụ thể và các yếu tố liên quan, tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tranh chấp bồi thường khi thực hiện công việc theo ủy quyền gây thiệt hại sẽ được xác định theo các quy định trên.
Cơ sở pháp lý: khoản 3 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Hồ sơ cần chuẩn bị
Hồ sơ cần chuẩn bị để khởi kiện tranh chấp bồi thường tại Tòa án bao gồm:
Thứ nhất, đơn khởi kiện.
Đơn khởi kiện được thực hiện theo Mẫu số 23-DS của đính kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ hai, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
Việc cung cấp tài liệu và chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm là một phần quan trọng trong quá trình khởi kiện. Điều này giúp đảm bảo rằng đơn khởi kiện được hỗ trợ bằng những bằng chứng và tài liệu thích hợp để đạt được kết quả công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Chính vì vậy, khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện phải nộp kèm các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ.
Cơ sở pháp lý: khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Trình tự thực hiện
Trình tự giải quyết tranh chấp bồi thường khi làm hư hỏng sẽ được diễn ra như sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Bước 2: Tòa án xem xét và thụ lý Đơn khởi kiện
Bước 3: Người khởi kiện tiến hành nộp tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tạm ứng án phí
Bước 4: Tòa án tiến hành giai đoạn chuẩn bị xét xử (họp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải,…)
Bước 5: Khi tòa án đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và có bản án, nếu các bên không đồng ý với bản án thì có quyền nộp đơn kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Điều 190, Điều 191, Điều 195, Điều 203, Điều 220, Điều 271 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp bồi thường
- Tư vấn các quy định của pháp luật về bồi thường khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng ủy quyền;
- Tư vấn các phương án giải quyết, bồi thường khi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng ủy quyền;
- Là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong tranh chấp;
- Là người đại diện theo pháp luật bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án
- Các công việc liên quan khác.
Luật sư dân sự tư vấn
Như vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người thực hiện công việc theo ủy quyền gây thiệt hại sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, Quý độc giả cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: quy định của hợp đồng, hành vi thực tế của người được ủy quyền. Nếu quý độc giả còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư để hỗ trợ, vui lòng liên hệ qua hotline 1900.63.63.87. Xin cám ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.