Thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai là một thủ tục tố tụng quan trọng. Thực hiện thủ tục này giúp Tòa án thu thập thông tin khách quan, chính xác về hiện trạng sử dụng đất. Đây là cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp công bằng, đúng pháp luật. Việc áp dụng đúng các quy định pháp luật liên quan là rất cần thiết. Trong bài viết này, Luật Long Phan PMT sẽ cung cấp kiến thức pháp lý và thực tiễn về thủ tục này.

Mục đích của việc xem xét thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai
Xem xét thẩm định tại chỗ (XXTĐTC) là một trong các biện pháp Tòa án áp dụng để thu thập tài liệu, chứng cứ khi giải quyết vụ án. Trong các vụ án tranh chấp đất đai thì thủ tục này hầu hết luôn được áp dụng. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ đất tranh chấp giúp:
- Thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ khách quan và chính xác đối tượng tranh chấp. Thông qua việc trực tiếp xem xét Tòa án có thể xác định hiện trạng: diện tích, vị trí, ranh giới, tài sản trên đất, người đang quản lý sử dụng đất,… Đây là những yếu tố không thể xác định chính xác tuyệt đối qua các tài liệu do đương sự giao nộp.
- Căn cứ để đối chiếu lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác với thực tế tài sản tranh chấp. Thông qua việc đối chiếu này, Tòa án sẽ có cái nhìn khách quan về tính chất vụ án, sự chính xác lời khai của các đương sự cũng như tính đúng đắn của các thông tin trong hồ sơ.
- Làm cơ sở để Tòa án đưa ra phán quyết chính xác, khách quan và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự.
- Giúp Tòa án hiểu rõ bản chất tranh chấp: Trong nhiều vụ án, chỉ khi xuống hiện trường, Tòa án mới nhận diện được nguyên nhân tranh chấp thực tế như lối đi bị chặn, đất bị lấn chiếm, tài sản xây dựng sai vị trí… Từ đó đưa ra quyết định phù hợp quy định và thực tiễn.
Các trường hợp cần phải xem xét thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai
Tòa án sẽ thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ trong các trường hợp sau:
- Xác định ranh giới, diện tích, hiện trạng sử dụng đất: Khi các bên có mâu thuẫn về diện tích đất, vị trí mốc giới, tình trạng lấn chiếm hoặc không đồng nhất với các thông tin trong sổ đỏ, trích lục địa chính…
- Xác định tài sản gắn liền với đất: Bao gồm nhà ở, công trình phụ, cây trồng lâu năm… đặc biệt trong các tranh chấp về quyền sở hữu, xác định phần xây dựng chung – riêng, công trình có xây dựng lấn sang phần đất của bên kia hay không.
- Thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ mâu thuẫn: Khi các tài liệu các bên cung cấp không thống nhất, mâu thuẫn về vị trí, diện tích, hoặc không đủ để chứng minh, việc thẩm định tại chỗ sẽ bổ sung chứng cứ khách quan để Tòa có cơ sở giải quyết.
- Khi có yêu cầu của đương sự: Một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án xem xét tại chỗ để làm rõ thực trạng tài sản tranh chấp. Nếu yêu cầu hợp lý, Tòa sẽ chấp nhận và tiến hành thủ tục theo quy định.
Thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai
Thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự như sau:
Bước 1: Đương sự nộp đơn yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản tranh chấp
Căn cứ Điều 101 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án tổ chức xem xét, thẩm định tại chỗ. Yêu cầu của đương sự phải lập bằng văn bản nộp đến tòa án có thẩm quyền. Trong yêu cầu cần nêu rõ thông tin địa điểm, tài sản cần xem xét, thẩm định tại chỗ, lý do yêu cầu.
Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì đương sự không cần thực hiện bước này.
>> Xem thêm: Mẫu đơn yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ
Bước 2: Tòa án thông báo nộp tạm ứng chi phí tố tụng cho đương sự
Căn cứ khoản 1 Điều 156 BLTTDS thì đương sự yêu cầu tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ thì phải nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng. Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn/ người kháng cáo là người phải nộp tạm ứng chi phí này.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận yêu cầu XXTĐTC Tòa án phải ra thông báo nộp tạm ứng chi phí tố tụng cho người có nghĩa vụ. Thông báo nêu rõ số tiền tạm ứng, thời hạn và phương thức nộp.
Bước 3: Nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người có nghĩa vụ phải nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Trường hợp đương sự có đơn xin miễn, giảm tạm ứng chi phí thì trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận thì người có nghĩa vụ phải nộp tạm ứng theo thông báo (nếu có).
Đối với nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí này, Tòa án cũng sẽ xem xét thỏa thuận của đương sự (nếu có).
Cơ sở pháp lý: Điều 156 BLTTDS và Điều 17 Pháp lệnh 05/2024/UBTVQH15 ngày 11/12/2024 pháp lệnh về chi phí tố tụng.
>>> Xem thêm: Mức chi phí xem xét thẩm định tại chỗ
Bước 4: Tòa án ra quyết định và thông báo về việc xem xét, thẩm định tại chỗ
Sau khi nhận tiền tạm ứng chi phí tố tụng của đương sự, Tòa án ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ. Đồng thời, Tòa án phải thông báo về việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Thông báo ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ. Thông báo này phải được gửi đến các đương sự trong vụ án.

Bước 5: Tổ chức xem xét thẩm định tại chỗ
Căn cứ thời gian, địa điểm trong quyết định, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định trên thực tế. Thành phần tham gia bao gồm:
- Tòa án.
- Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã, Công chức địa chính xã.
- Đương sự được triệu tập.
- Cơ quan, tổ chức khác(nếu có): Văn phòng đăng ký đất đai; cán bộ trung tâm kỹ thuật đo đạc – Sở Tài nguyên và Môi trường,.. cơ quan chuyên môn khác có liên quan phục vụ việc xem xét, thẩm định tại chỗ.
>> Xem thêm: Có tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ khi đương sự vắng mặt không?
Bước 6: Lập Biên bản về việc xem xét, thẩm định tại chỗ
Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản. Biên bản này phải ghi rõ:
- Kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường.
- Có chữ ký của người xem xét, thẩm định.
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt.
- Chữ ký của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định.
Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 101 BLTTDS.
Câu hỏi thường gặp về xem xét thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ trong tranh chấp đất đai.
Tòa án có được quyền từ chối yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ không?
Theo Điều 101 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đương sự có quyền yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ, nhưng việc chấp nhận hay không phụ thuộc vào đánh giá của Tòa án. Nếu Tòa xét thấy yêu cầu là không cần thiết, không liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, hoặc tài liệu hiện có đã đầy đủ chứng cứ, thì có thể từ chối yêu cầu này bằng văn bản, nêu rõ lý do. Việc này nhằm tránh gây kéo dài thời gian tố tụng hoặc phát sinh chi phí không cần thiết cho các bên.
Đương sự vắng mặt có được tiến hành thẩm định tại chỗ không?
Theo khoản 2 Điều 101 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, việc xem xét, thẩm định tại chỗ vẫn được tiến hành nếu đương sự được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, Tòa án sẽ ghi nhận sự vắng mặt của đương sự trong biên bản xem xét thẩm định tại chỗ. Trường hợp cần sự có mặt của đương sự để làm rõ, Tòa án có thể hoãn buổi xem xét, thẩm định tại chỗ và dời lại buổi khác.
Có thể yêu cầu thẩm định tại chỗ nhiều lần không?
Luật không quy hạn chế số lần xem xét, thẩm định tại chỗ trong một vụ án. Tuy nhiên, yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ phải phải có lý do chính đáng. Đương sự có thể yêu cầu thẩm định lại nếu có yếu tố mới phát sinh, kết quả thẩm định trước chưa chính xác, có sai lệch hoặc chưa đầy đủ. Tuy nhiên, Tòa án chỉ chấp nhận nếu yêu cầu đó thực sự cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Tránh trường hợp lợi dụng thủ tục này để kéo dài thời gian tố tụng. Trường hợp cần thiết, Tòa cũng có quyền tự mình quyết định tổ chức thêm buổi thẩm định khác để đảm bảo tính khách quan.
Biên bản thẩm định tại chỗ có giá trị pháp lý như thế nào?
Biên bản thẩm định tại chỗ là chứng cứ quan trọng trong vụ án dân sự. Theo khoản 2 Điều 101 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, biên bản này được lập có đầy đủ chữ ký của các bên tham gia, mô tả hiện trạng rõ ràng, có thể kèm theo hình ảnh, sơ đồ. Nếu không có tranh chấp về nội dung trong biên bản, Tòa án sẽ xem đây là chứng cứ khách quan để giải quyết vụ án. Trường hợp có tranh chấp về tính xác thực của biên bản, Tòa án có thể tiến hành thủ tục tố tụng khác để làm rõ tình tiết này.
Có thể nhờ luật sư tham gia buổi thẩm định tại chỗ không?
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án có quyền tham gia buổi xem xét, thẩm định tại chỗ theo thông báo của tòa. Luật sư có thể giám sát quá trình thực hiện, đưa ra kiến nghị, ý kiến tại chỗ hoặc ghi nhận những điểm không khách quan để phản bác trong quá trình tố tụng. Đây là quyền hợp pháp theo Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Việc có luật sư hỗ trợ giúp đảm bảo quyền lợi và chứng cứ cho đương sự được ghi nhận đầy đủ, đúng quy trình.
Luật sư tư vấn thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án đất đai
Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai:
- Tư vấn thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai.
- Tư vấn quyền yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Tư vấn nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Tư vấn các trường hợp được miễn, giảm chi phí tạm ứng xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Tư vấn trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Tư vấn quy trình tổ chức xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Soạn thảo đơn yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ; đơn xin miễn, giảm tạm ứng chi phí tố tụng…
- Đại diện tham gia tố tụng tại tòa, tham gia buổi xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Hãy liên hệ hotline 1900636387 để được Luật sư chuyên nhà đất tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho trường hợp cụ thể của bạn.

Kết luận
Trong các vụ án tranh chấp đất đai, thủ tục XXTĐTC rất quan trọng và thường xuyên được thực hiện. Vì kết quả của thủ tục này cung cấp những chứng cứ trực quan, khách quan về hiện trạng đất đai và tài sản trên đất, giúp Tòa án có cái nhìn đầy đủ và chính xác để giải quyết vụ án. Mặc dù thủ tục này không “bắt buộc 100%” trong mọi vụ tranh chấp đất (nếu các chứng cứ khác đã quá rõ ràng và đủ để giải quyết), nhưng trong thực tế, đây là một bước gần như không thể thiếu để đảm bảo tính khách quan và thuyết phục của bản án, đặc biệt khi có sự mâu thuẫn về thông tin hoặc ranh giới.
Tags: biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, Luật sư tư vấn đất đai, thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ, Tố tụng dân sự, Tranh chấp đất đai
Cho e xin phép hỏi là giấy báo xem xét, thẩm định tại sản có dấu chữ kí của Phó Chánh Án và khi gửi giấy về không bảo mật thông tin của giấy mà truyền tay người khác rồi mới đến tay e thì có được công nhận không ạ?
Kính chào quý khách, nội dung câu hỏi của quý khách đã được chúng tôi phản hồi qua zalo quý khách cung cấp. Qúy khách vui lòng kiểm tra zalo để biết chi tiết.