Thủ tục giám định thương tật là quá trình do phía cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa ra kết luận giám định về tỷ lệ thương tật trên cơ thể của một người. Từ đó, xác định được hành vi của một cá nhân hay tổ chức để cấu thành tội theo quy định tại Bộ luật Hình sự và căn cứ cho việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Qua bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin như thủ tục, lệ phí và xác định về thương tật được dựa trên bảng tỷ lệ theo pháp luật hiện hành.
Quy định về giám định thương tật
Mục Lục
Quy định về giám định thương tật
Giám định thương tật xảy ra khi cá nhân bị xâm hại đến thân thể sức khỏe thì để có căn cứ trong vụ án hình sự cần được xác định thương tật. Theo đó, các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định như sau:
- Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
- Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
- Nguyên nhân chết người;
- Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
- Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
- Mức độ ô nhiễm môi trường.
Việc giám định thương tật là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền truy tố trách nhiệm hình sự và người bị hại có cơ sở để tiến hành yêu cầu bồi thường thiệt hại
Cơ sở pháp lý: Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 (Gọi tắt là “Bộ luật Tố tụng Hình sự”))
Cách xác định tỷ lệ thương tật
Việc thực hiện giám định xác định tổn thương cơ thể phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên người cần giám định, trừ trường hợp nếu người cần giám định đã bị chết, mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm cần giám định thì việc giám định sẽ được thực hiện trên hồ sơ.
- Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể phải được xác định tại thời điểm thực hiện giám định theo đúng quy định của pháp luật.
Lưu ý: Nếu phải giám định tổn thương cơ thể qua hồ sơ thì tỷ lệ phần trăm phải được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.
Việc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể theo các nguyên tắc như sau:
>>>Xem thêm: Cách xác định bao nhiêu phần trăm thương tật vụ án hình sự
- Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của người bị tổn thương cơ thể phải nhỏ hơn 100%
- Mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương chỉ được tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể một lần. Trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì tính thêm tỷ lệ % tổn thương cơ thể do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai.
- Nếu nhiều thương tật cơ thể là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỷ lệ % thương tật cơ thể thì tỷ lệ % thương tật cơ thể được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.
- Khi tính tỷ lệ % thương tật cơ thể chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỷ lệ % thương tật cơ thể là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị).
- Khi tính tỷ lệ % thương tật cơ thể của một bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỷ lệ % thương tật cơ thể đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó.
- Khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ % thương tật cơ thể trong khung tỷ lệ tương ứng với Bảng tỷ lệ % thương tật cơ thể.
- Đối với các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỷ lệ % thương tật cơ thể được tính bằng 30% tỷ lệ % thương tật cơ thể của bộ phận đó.
- Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần (theo quyết định trưng cầu/yêu cầu), thì tổ chức giám định thực hiện giám định sau tổng hợp (cộng) tỷ lệ % thương tật cơ thể của người cần giám định theo phương pháp xác định tỷ lệ % thương tật cơ thể quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT.
Cơ sở pháp lý: Điều 2, Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BYT về quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần
Giám định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể
Cách tính tỷ lệ thương tật
Tổng tỷ lệ % thương tật cơ thể = T1 + T2 + T3 +…+ Tn, trong đó:
- T1: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ nhất: T1 được xác định là tỷ lệ % tổn thương nằm trong khung tỷ lệ các thương tật cơ thể;
- T2: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ hai: T2 = (100 – T1) x tỷ lệ % thương tật cơ thể thứ 2/100;
- T3: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ ba: T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % thương tật cơ thể thứ 3/100;
- Tn: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ n: Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % thương tật cơ thể thứ n/100.
Việc xác định tỷ lệ thương tật được thực hiện theo các quy định của Luật giám định tư pháp 2012. Trong rất nhiều trường hợp, đây là yếu tố quan trọng xác định một người phạm tội hay không phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự.
Cơ sở pháp lý: Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT về quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần
Trình tự thủ tục yêu cầu giám định thương tật
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Văn bản yêu cầu giám định/đề nghị giám định;
- Các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có);
- Bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Trình tự thủ tục
- Bước 1: Người có quyền yêu cầu giám định thương tích hoặc Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
- Bước 2: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định tiếp nhận và thực hiện giám định theo yêu cầu.
- Bước 3: Gửi kết quả giám định cho cơ quan đã trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 26 Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020
>>>Xem thêm: Thủ tục yêu cầu giám định thương tích bổ sung trong vụ án hình sự
Chi phí thực hiện thủ tục giám định thương tật
Theo đó, cơ quan trưng cầu giám định hoặc người yêu cầu giám định về thương tật sẽ phải có trách nhiệm trả chi phí giám định cho tổ chức đã thực hiện giám định thương tật theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
- Chi phí tiền lương và các khoản thù lao cho người thực hiện giám định;
- Chi phí vật tư tiêu hao;
- Chi phí sử dụng dịch vụ;
- Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị;
- Các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Điều 36 Luật Giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi, bổ sung 2020; Điều 9 của Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 quy định về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, phiên dịch trong tố tụng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; Nghị định 81/2014/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng
>>> Xem thêm: Mẫu đơn đề nghị giám định thương tật
Giám định thương tật được quy định theo pháp luật hiện nay
Luật sư tư vấn về thủ tục giám định thương tật
- Tư vấn quy định của pháp luật về thủ tục yêu cầu giám định thương tích;
- Soạn thảo hồ sơ, văn bản yêu cầu giám định thương tích, giám định y khoa theo mẫu đơn có sẵn;
- Tư vấn tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm thì bị khởi tố;
- Soạn đơn tố giác tội phạm, tin báo, giai đoạn điều tra;
- Trao đổi với người bị hại để nghiên cứu vụ việc, trực tiếp hoặc cùng bị hại thu thập chứng cứ, vật chứng vụ án để bảo vệ trong vụ việc đánh nhau dẫn đến thương tích;
- Đại diện cho bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại;
- Tiến hành soạn thảo đơn, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cùng với các quy định từ các văn bản liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại;
- Luật sư tham gia bảo vệ cho bị hại tại cơ quan ở giai đoạn truy tố, tòa án xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Hiện nay, việc giám định thương tật thông qua các cách như xác định thương tích, phần trăm tỷ lệ thương tật mà người bị hại phải chịu để làm cơ sở bồi thường thiệt hại đối với người gây ra. Ngoài ra, trưng cầu giám định có thời hạn nhất định được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Để hiểu rõ về quy định giám định thương tật trong hình sự, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua số Hotline 1900.63.63.87 để được Luật sư tư vấn chi tiết và giải quyết kịp thời.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.