Thủ tục yêu cầu giám định lại thương tích trong vụ án hình sự là một trong những thủ tục phố biến trong các vụ tố tụng hình. Trong một số trường hợp, cần yêu cầu giám định lại thương tích trong vụ án hành sự để đảm bảo vụ án được giải quyết đúng luật. Bài viết dưới đây của Long Phan PMT sẽ giúp quý đọc giả nắm rõ hơn về các quy định như ai có quyền yêu cầu, căn cứ yêu cầu cũng như trình tự, thủ tục yêu cầu giám định lại thương tích theo quy định pháp luật.
Giám định lại thương tích
Mục Lục
Quy định về giám định lại thương tích trong vụ án hình sự
Khi nào cần yêu cầu giám định lại thương tích?
Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) (Sau đây gọi là “Luật Giám định tư pháp”) quy định: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.”
Với quy định trên, giám định thương tích trong vụ án hình sự được hiểu là việc giám định của người có chuyên môn để xác định tỷ lệ thương tật nhằm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 211 và Điều 212 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Sau đây gọi là “BLTTHS”), việc giám định lại thương tích được thực hiện khi:
- Có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại sẽ do người giám định khác thực hiện, không phải người giám định ban đầu;
- Có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định. Việc giám định lại lần thứ hai do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp;
- Trong trường hợp đặc biệt, theo quyết định của người có thẩm quyền, việc giám định lại có thể được thực hiện sau khi có kết luận của Hội đồng giám định. Việc giám định lại này do Hội đồng mới thực hiện và những người đã tham gia giám định trước đó không được tham gia. Kết luận giám định lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.
>>> Xem thêm: Trường hợp bắt buộc thực hiện giám định thương tích
Thời hạn giám định lại thương tích
Căn cứ Điều 208 BLTTHS, thời hạn giám định lại thương tích được quy định như sau:
- Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại các khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này;
- Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại các khoản 3 và 6 Điều 206 của Bộ luật này;
- Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này;
- Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn nêu trên thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Yêu cầu giám định lại thương tích
Ai có quyền yêu cầu giám định lại thương tích?
- Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố
Theo khoản 2 Điều 211 BLTTHS, người tham gia tố tụng có quyền đề nghị giám định lại thương tích. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong giai đoạn xét xử
Theo khoản 2 Điều 316 BLTTHS: “Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, định giá tài sản, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định, định giá tài sản hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án.”
Với quy định trên, có thể hiểu rằng, Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có thể yêu cầu giám định lại trong trường hợp thấy vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án. Tuy nhiên, khác với giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, việc có giám định lại hay không do Hội đồng xét xử quyết định khi xét thấy cần thiết mà không phụ thuộc và có hay không có yêu cầu của người có quyền.
Thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định lại
- Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố
Cơ quan có thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định lại thương tích trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố bao gồm:
- Cơ quan điều tra;
- Viện kiểm sát;
- Tòa án.
CSPL: Khoản 2 Điều 211 và khoản 1 Điều 205 BLTTHS.
- Trong giai đoạn xét xử
Căn cứ theo khoản 4 Điều 316 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định lại.
- Thẩm quyền trong một số trường hợp đặc biệt
Bao gồm:
- Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Đối với trường hợp này, quyết định trưng cầu giám định lần thứ hai không phụ thuộc vào có hay không có yêu cầu giám định lại của người có quyền yêu cầu.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền quyết định trưng cầu giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Tương tự trường hợp giám định lại lần thứ hai, quyết định trưng cầu giám định lại trong trường hợp này không phụ thuộc vào việc có hay không có yêu cầu giám định lại.
CSPL: Khoản 3 Điều 211 và Điều 212 BLTTHS.
>>> Xem thêm: Thủ tục yêu cầu giám định thương tích bổ sung
Thủ tục yêu cầu giám định lại thương tích
Bước 1: Người có quyền yêu cầu giám định lại thương tích
Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định lại.
Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trung cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định và Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Bước 4: Trong thời hạn 09 ngày, cơ quan, cá nhân thực hiện giám định phải tiến hành giám định và gửi kết luận trong vòng 24 giờ kể từ khi ra kết luận giám định cho người yêu cầu và cơ quan trưng cầu giám định. Trường hợp không thể tiến hành trong thời hạn nêu trên thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo kết luận cho người tham gia tố tụng có liên quan.
CSPL: Khoản 3 Điều 205, Điều 213, Điều 214 BLTTHS.
Luật sư tư vấn thủ tục yêu cầu giám định lại thương tích
Luật sư tư vấn
- Hỗ trợ tư vấn các trường hợp bắt buộc phải giám định thương tích để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng;
- Luật sư tư vấn trình tự, thủ tục yêu cầu giám định lại thương tích;
- Soạn thảo đơn từ, hướng dẫn khách hàng chuẩn bị các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc yêu cầu giám định lại thương tích;
- Đại diện khách hàng thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ các vấn đề pháp lý liên quan.
Kết luận giám định thương tích có ý nghĩa quan trọng trong tố tụng hình sự. Do đó, nếu có căn cứ cho thấy rằng kết quả giám định có sai sót, chủ thể có quyền phải yêu cầu giám định lại thương tích theo quy định của pháp luật. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư vấn luật, Quý khách vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được luật sư tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.