Điều kiện giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án của Tòa án là căn cứ để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Khi thỏa các điều kiện quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi đã có bản án của Tòa án, người mong muốn giành lại quyền nuôi con sẽ nộp đơn khởi kiện cùng chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhằm giải quyết và công nhận quyền nuôi con của bạn. Bài viết sau đây, Luật Long Phan PMT sẽ thông tin chi tiết hơn về vấn đề này cho quý bạn đọc.

Tổng hợp các điều kiện giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án của Tòa án
Sau khi Tòa án ra phán quyết về quyền nuôi con, các bên vẫn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng. Để thực hiện việc này, người có yêu cầu cần khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền và chứng minh được các điều kiện giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án đã được đáp ứng. Pháp luật, cụ thể là Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, đã quy định rõ các căn cứ để Tòa án xem xét và quyết định, luôn đặt lợi ích tốt nhất của con lên hàng đầu.
Để Tòa án chấp thuận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, người khởi kiện cần tập hợp tài liệu, chứng cứ để làm rõ một hoặc nhiều trong các yếu tố then chốt sau đây: chứng minh người đang nuôi con không còn đủ điều kiện, người được giao quyền nuôi con nhưng không trực tiếp chăm sóc, người yêu cầu có điều kiện phát triển tốt hơn cho con, và nguyện vọng của chính đứa trẻ.
Người trực tiếp nuôi không đủ điều kiện để nuôi con
Căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (LHNGĐ) sau khi ly hôn, cha/ mẹ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Yêu cầu này cần gửi đến Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết. Người yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con cần chứng minh người đang trực tiếp nuôi không đủ điều kiện để nuôi con.
Điều kiện nuôi con cần xem xét cả điều kiện về vật chất và tinh thần. Một số căn cứ có thể chứng minh người trực tiếp nuôi không còn đủ điều kiện:
- Không có thu nhập, thu nhập không ổn định, kinh tế không đảm bảo cho sự phát triển tốt cho con.
- Người trực tiếp nuôi con có gia đình mới gây ảnh hưởng đến tâm lý của con.
- Không đảm bảo điều kiện học tập, vui chơi cho con: không cho con đi học, không tạo điều kiện đến trường cho con…
- Không đảm bảo nơi ở ổn định cho con: ở nhà thuê, ở nhờ, thường xuyên thay đổi chỗ ở, … gây ảnh hưởng đến đời sống của con.
- Môi trường sống cho con không đảm bảo: tệ nạn xã hội; nơi sinh sống có xu hướng bạo lực; con bị phân biệt đối xử, kỳ thị, bị ngược đãi,.. ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Người yêu cầu thay đổi quyền nuôi con cần thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh các sự việc nêu trên.
Người có quyền nuôi không trực tiếp nuôi con
Yếu tố quan trọng khác có giá trị quyết định giành quyền nuôi con là sự trực tiếp nuôi dưỡng của cha mẹ dành cho con. Người nuôi con phải đảm bảo thời gian trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Thực tế, nhiều trường hợp người được giao quyền nuôi con không trực tiếp nuôi dưỡng mà giao cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ này. Việc không trực tiếp nuôi con thể hiện qua việc:
- Người nuôi con phải đi làm xa, thường xuyên không ở nhà trực tiếp chăm sóc con.
- Người nuôi con có gia đình mới không tiếp tục trực tiếp chăm sóc con.
- Giao con cho ông bà, người thân hoặc thuê người khác chăm sóc con mà không trực tiếp chăm sóc.
Việc không được cha/ mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng có tác động sâu sắc đối với nhận thức, và sự phát triển tinh thần của con. Vì vậy, đây được xem là tiêu chí quan trọng có giá trị quyết định quyền nuôi con mà Tòa án ưu tiên xem xét. Căn cứ này được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84 LHNGĐ 2014.
Người giành quyền nuôi con có điều kiện tốt hơn cho con phát triển
Tòa án luôn xem xét toàn diện về điều kiện của cha, mẹ để đưa ra quyết định đảm bảo quyền lợi ích tốt nhất cho sự phát triển của con. Vì vậy, nếu có căn cứ chứng minh mình có điều kiện tốt hơn so với người đang trực tiếp nuôi con thì cha/ mẹ có quyền yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi quyền nuôi con. Điều kiện tốt hơn phải đảm bảo cả về vật chất và tinh thần cho cùng khi về sinh sống.
Người yêu cầu cần cung cấp tài liệu chứng minh điều kiện tốt hơn của mình để Tòa án xem xét giải quyết. Các tài liệu có thể cung cấp để chứng minh nội dung này:
- Chứng minh thu nhập: hợp đồng lao động, hoạt động kinh doanh, thu nhập trung bình hàng tháng,…
- Chứng minh tài sản khác: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tiền trong tài khoản ngân hàng,..
- Chứng minh môi trường sống và sự thuận tiện trong việc cho con có môi trường phát triển thương ngày và đi học tốt hơn.
- Chứng minh mình có thể trực tiếp nuôi con: dành nhiều thời gian cùng con vui chơi, học tập,…
Song song với việc chứng minh điều kiện của mình thì người yêu cầu cũng cần phân tích đánh giá các yếu tố mà bên đang trực tiếp nuôi con không thể đảm bảo. Những nội dung này cần trình bày rõ trong đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con khi nộp cho tòa án.
Khi xét thấy người yêu cầu có điều kiện tốt hơn đảm bảo lợi ích tốt hơn cho con thì Tòa án sẽ có căn cứ quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Nguyện vọng của con mong muốn được người nào trực tiếp nuôi dưỡng
Nguyện vọng của con là một yếu tố quan trọng mà Tòa án sẽ cân nhắc khi xem xét yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi. Việc đánh giá này đặt trong khuôn khổ phù hợp độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ.
Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, pháp luật không yêu cầu lấy ý kiến trực tiếp của con. Bởi vì ở độ tuổi này, trẻ chưa đủ khả năng nhận thức và độc lập bày tỏ nguyện vọng khách quan. Thay vào đó, Tòa án sẽ xem xét toàn diện về môi trường sống, nuôi dưỡng, sự gắn bó và ảnh hưởng tâm lý từ phía cha mẹ để quyết định.
Đối với trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên, theo khoản 3 Điều 84 LHNGĐ 2014, Tòa án bắt buộc phải hỏi ý kiến của trẻ trước khi quyết định ai sẽ là người tiếp tục nuôi dưỡng. Nguyện vọng của trẻ được xem là cơ sở quan trọng phản ánh sự gắn bó và mong muốn cá nhân, giúp Tòa án có thêm căn cứ để đánh giá môi trường sống nào là phù hợp. Tuy nhiên, nguyện vọng này không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Tòa sẽ kết hợp giữa mong muốn của trẻ và điều kiện thực tế của cha mẹ để bảo đảm rằng việc thay đổi quyền nuôi con là hợp lý, khách quan và không bị chi phối bởi áp lực tâm lý từ bất kỳ bên nào.
Mọi trường hợp, mục tiêu để Tòa án quyết định là bảo vệ quyền lợi hợp pháp và sự phát triển toàn diện của trẻ em sau ly hôn.

Thủ tục giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án của Tòa án
Tính hiệu lực của Bản án là căn cứ quan trọng để người yêu cầu xác định thủ tục pháp lý phải thực hiện khi yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bản án sơ thẩm không có hiệu lực ngay sau khi tuyên mà sẽ chỉ có hiệu lực sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Trong thời gian đó, nếu đương sự không đồng ý với phần quyết định về quyền nuôi con, họ có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử.
Người kháng cáo cần chuẩn bị hồ sơ kháng cáo bao gồm:
- Đơn kháng cáo theo mẫu 52-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP.
- Bản án sơ thẩm.
- Giấy tờ pháp lý của người kháng cáo: căn cước công dân, hộ chiếu,…
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu kháng cáo.
Hồ sơ kháng cáo được nộp tại chính Tòa án đã ra bản án sơ thẩm.
Căn cứ Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm xác định như sau:
- 15 ngày kể từ ngày tuyên án nếu người kháng cáo có mặt tại phiên tòa.
- Hoặc 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án nếu người đó vắng mặt.
Hồ sơ kháng cáo cần nộp đến Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành bản án. Trình tự thủ tục kháng cáo vụ án dân sự được quy định tại Phần 3 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật
Trường hợp bản án đã có hiệu lực thi hành thì người yêu cầu thay đổi quyền nuôi có có thể khởi kiện vụ án mới. Căn cứ khoản 3 Điều 28, Điều 35 và 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 sửa đổi 2025 thì người yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nộp đơn đến Tòa án nhân dân khu vực nơi bị đơn cư trú.
Hồ sơ khởi kiện cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn khởi kiện theo mẫu 23 – DS theo Nghị quyết 01/2017/NQ – HĐTP.
- Giấy tờ pháp lý của người kháng cáo: căn cước công dân, hộ chiếu,…
- Bản án ly hôn.
- Giấy khai sinh của con.
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện.
Khởi kiện đòi lại quyền nuôi con sau ly hôn được thực hiện theo quy định Phần II Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Câu hỏi thường gặp về giành quyền nuôi con khi đã có bản án của Tòa án
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về giành quyền nuôi con khi đã có bản án của Tòa án để làm rõ hơn một số vấn đề pháp lý có liên quan.
Sau ly hôn, có thể yêu cầu thay đổi người nuôi con không?
Theo Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha hoặc mẹ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có căn cứ cho rằng người đang nuôi không còn đủ điều kiện. Đây là quyền được pháp luật công nhận nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho con. Người yêu cầu phải chứng minh các điều kiện mới có lợi hơn cho con cả về vật chất lẫn tinh thần, hoặc chứng minh người đang nuôi có hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con.
Việc người nuôi con tái hôn có ảnh hưởng đến quyền nuôi con không?
Việc tái hôn không đương nhiên ảnh hưởng đến quyền nuôi con, tuy nhiên nếu gia đình mới gây ảnh hưởng xấu đến con, làm phát sinh xung đột, bất ổn tâm lý hoặc không được quan tâm đúng mức thì có thể bị xem là căn cứ để yêu cầu thay đổi người nuôi con. Tòa án sẽ đánh giá toàn diện các điều kiện, đặc biệt chú trọng lợi ích tốt nhất của con.
Giao con cho người khác chăm sóc có bị xem là không trực tiếp nuôi con không?
Nếu cha/mẹ được giao quyền nuôi nhưng thường xuyên vắng mặt, giao con cho ông bà hoặc thuê người khác chăm sóc mà không có vai trò trực tiếp thì bị xem là không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nuôi dưỡng. Theo điểm b khoản 2 Điều 84 Luật HNGĐ 2014, đây là căn cứ để yêu cầu Tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Có được khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con nhiều lần không?
Pháp luật không giới hạn số lần khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Mỗi lần khởi kiện, người yêu cầu phải cung cấp tài liệu chứng minh có căn cứ mới ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Tuy nhiên, nếu yêu cầu không có cơ sở hoặc đã bị bác nhiều lần thì Tòa có thể từ chối thụ lý nếu lặp lại nội dung.
Tòa có thể tự mình thay đổi quyền nuôi con không cần yêu cầu của cha mẹ không?
Tòa án chỉ xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có đơn yêu cầu hợp lệ của cha hoặc mẹ. Trong tố tụng, Tòa không chủ động thay đổi nếu không có tranh chấp hoặc yêu cầu rõ ràng từ đương sự. Việc này đảm bảo nguyên tắc tố tụng và quyền tự định đoạt của các bên.
Dịch vụ luật sư tư vấn giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án của Tòa
Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ pháp lý như sau:
- Tư vấn điều kiện, căn cứ pháp lý để giành lại quyền nuôi con sau ly hôn;
- Phân tích bản án ly hôn và đánh giá tính khả thi khi thay đổi quyền nuôi con;
- Hướng dẫn thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh điều kiện nuôi con tốt hơn hoặc người đang nuôi không còn phù hợp;
- Soạn thảo đơn kháng cáo trong trường hợp bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Soạn thảo đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu bản án đã có hiệu lực;
- Soạn các tài liệu liên quan: đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bản khai, tường trình, kiến nghị…;
- Đại diện khách hàng làm việc với Tòa án và các cơ quan có liên quan trong quá trình tố tụng;
- Tư vấn về quyền thăm nom, mức phạt khi cha hoặc mẹ cản trở việc gặp con;
- Hướng dẫn các thủ tục thi hành án thay đổi người nuôi con (nếu có);

Kết luận
Trên đây là bài viết về điều kiện cũng như thủ tục giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án của Tòa án. Theo đó, nếu một trong các bên có cơ sở chứng minh cho yêu cầu của mình thì hoàn toàn có thể giành được quyền nuôi con theo quy định. nếu Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ đến Hotline số 1900636387 nhằm được tư vấn luật hôn nhân gia đình giải đáp các vướng mắc pháp lý.
Tags: điều kiện giành lại quyền nuôi con, giành lại quyền nuôi con, kháng cáo quyền nuôi con, khởi kiện giành quyền nuôi con, Quyền nuôi con sau ly hôn, thay đổi người trực tiếp nuôi con, thủ tục giành lại quyền nuôi con, Tranh chấp quyền nuôi con
Nếu thuận tình ly hôn toa giải xong con một người nuôi một đứa.con. Khi bt ra vợ mình từng sống như vợ chồng với ngta trước khi toà giải quyết đơn xin ly hôn. Vừa có quyết đinh của toà án xong. Vợ mình xin chuyển hộ khẩu tên vợ và tên về trên đó nhập vộ làm giấy đăng ký hôn liền. Và hiện tậi vợ mình cũng kg làm gì phụ thuộc vào người sau này.công việc kg ổn định thiếu thôn. Mình có đc quyền nhận lại nuôi con hay kg.trong khi đó vợ minh kg chẳp nhận cho mình nuôi. Mình có đc khởi kiện lại dành quyền nuôi con hay kg. Mình muốn tốt cho sau này thôi. Nhưng cố chấp kg nghe.mà nói mặc tình cho số phận
Chào bạn,
Để có thể giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn, bạn cần chứng minh người có được quyền nuôi con sau ly hôn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (về mặt sức khỏe, tinh thần, học tập…) và bạn phải có đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con bạn hơn vợ/chồng của bạn thì Tòa án sẽ căn cứ vào những căn cứ trên nhằm ra phán quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 và khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trường hợp con của bạn từ đủ 7 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con; trường hợp con của bạn dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi con.
Trân trọng!
Em muốn hỏi luật sư là con trên 4t thì ai được quyền nuôi con ạ
Chào bạn, nội dung câu hỏi của bạn có những nội dung cần cụ thể, chi tiết hơn về thông tin thì mới có thể tư vấn được. Bạn vui lòng kết bạn qua số zalo: 0819700748 để trao đổi. Trân trọng./.
Hiện nay tôi đã ly hôn với chồng, và đã lấy chồng mới, tôi và chồng thỏa thuận mỗi người nuôi 1 con (lúc đó con út chưa đủ 36 tháng) vậy hiện tại Tôi có thể giành lại quyền nuôi con sau khi đã xóa bản án thuận tình ly hôn không ?
Kính chào quý khách, nội dung câu hỏi của quý khách đã được chúng tôi phản hồi qua email. Qúy khách vui lòng xem email để biết chi tiết.