Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con: Được không? Thủ tục?

Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con là quyền hợp pháp của người trực tiếp nuôi con khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Việc truy đòi khoản tiền này nhằm bảo vệ quyền lợi của con và người trực tiếp nuôi dưỡng con. Bài viết sau đây của Luật Long Phan PMT sẽ phân tích đầy đủ căn cứ pháp lý và thủ tục thực hiện.

Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con như thế nào?
Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con như thế nào?

Quyền truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con

Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con là quyền của người trực tiếp nuôi con khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Căn cứ pháp lý xác lập quyền này được quy định tại Điều 82 và Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, xác định rõ nghĩa vụ của cha mẹ không trực tiếp nuôi con phải thực hiện việc cấp dưỡng. 

Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền lợi của trẻ em thông qua việc đảm bảo nghĩa vụ nuôi con của cha mẹ. Khi một bên không thực hiện nghĩa vụ, bên còn lại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu cưỡng chế thực hiện. Điều này nhằm đảm bảo trẻ em được chăm sóc đầy đủ về mặt vật chất, không bị ảnh hưởng bởi mâu thuẫn giữa cha mẹ.

Theo quy định pháp luật hiện hành, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên là nghĩa vụ bắt buộc, không phụ thuộc vào khả năng kinh tế tại thời điểm ly hôn. Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi đủ 18 tuổi hoặc đến khi có khả năng lao động và tự nuôi sống bản thân. Điều 119 Luật này xác định rõ quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, trong đó người trực tiếp nuôi con có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc người không thực hiện nghĩa vụ phải cấp dưỡng.

Bên cạnh Luật Hôn nhân và Gia đình, Án lệ số 62/2023/AL1 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao cũng là cơ sở pháp lý bổ trợ làm rõ thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con. Án lệ này nhấn mạnh nghĩa vụ phát sinh không phụ thuộc vào thời điểm có yêu cầu, mà tính từ thời điểm quan hệ huyết thống được xác định. 

Thủ tục truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con theo quy định mới nhất

Việc truy đòi khoản tiền này phải tuân thủ quy trình tố tụng dân sự hoặc thủ tục thi hành án dân sự, tùy thuộc vào tình trạng pháp lý hiện tại của vụ việc.

Trường hợp chưa có bản án/quyết định có hiệu lực của Tòa án

Khi chưa có bản án hay quyết định công nhận nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, người trực tiếp nuôi con phải nộp đơn khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết. Thủ tục này yêu cầu người có quyền nuôi con nộp đơn khởi kiện với đầy đủ tài liệu chứng minh. Việc xác định thẩm quyền Tòa án và chuẩn bị hồ sơ phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hiện hành. 

Thẩm quyền Tòa án

Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con là tranh chấp về cấp dưỡng trong hôn nhân và gia đình nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, theo khoản 5 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Từ sau ngày 01/7/2025, cơ cấu tổ chức Tòa án không còn Tòa án nhân dân cấp huyện do chính sách sáp nhập của Nhà nước nên việc giải quyết tranh chấp này không thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. Với cơ cấu mới, các tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực. Việc xác định Tòa án có thẩm quyền cụ thể căn cứ vào nơi cư trú thường xuyên hoặc nơi làm việc của các bên đương sự theo quy định pháp luật hiện hành. (Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP).

Đơn khởi kiện và thành phần hồ sơ

Thủ tục truy đòi tiền cấp dưỡng cần nộp các thành phần hồ sơ như sau: 

  • Đơn khởi kiện vụ án dân sự theo Mẫu số 23-DS Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nội dung đơn khởi kiện đòi tiền cấp dưỡng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
  • Bản án/Quyết định ly hôn;
  • Căn cước công dân/Căn cước của người trực tiếp nuôi con và người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Giấy tờ chứng minh thu nhập của người trực tiếp nuôi con và người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Giấy khai sinh của con.

Lưu ý: Thành phần hồ sơ nộp kèm theo đơn khởi kiện đều là bản sao y, tài liệu nào không thể sao y thì nộp bản photo và giải trình trong đơn khởi kiện. 

Thủ tục thụ lý

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện (kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan) đến Toà án có thẩm quyền theo Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Người khởi kiện có thể nộp một trong ba phương thức sau: 

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 2: Toà án tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

  • Tòa án có trách nhiệm thông báo đã nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện;
  • Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện;
  • Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Tiền tạm ứng án phí căn cứ theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
  • Thẩm phán ra quyết định thụ lý vụ án theo quy định pháp luật. 

Thời hạn giải quyết

Sau khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện, bước tiếp theo là chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án. Thời hạn giải quyết tranh chấp về tiền đặt cọc mua bán đất sẽ tùy vào tính chất phức tạp của vụ án, căn cứ theo khoản 1 Điều 203 và khoản 1 Điều 286 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Cụ thể: 

  • Giai đoạn sơ thẩm: Thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án này là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án;
  • Giai đoạn phúc thẩm: Thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án này là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.

Thực hiện thủ tục thi hành án

Sau khi có bản án/quyết định có hiệu lực của Toà án, đương sự thực hiện thủ tục thi hành án dân sự theo bản án/quyết định. Quá trình thi hành án truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con được thực hiện liên tục cho đến khi con đủ 18 tuổi hoặc có khả năng tự lập. Việc thi hành án đảm bảo quyền lợi của trẻ em được thực hiện đúng như bản án đã quyết định. Phần thi hành án này sẽ được chúng tôi trình bày chi tiết ở tiểu mục đối với trường hợp đã có bản án/quyết định có hiệu lực của Tòa án bên dưới của bài viết này. 

Trường hợp giấy khai sinh của con không thể hiện tên cha hoặc mẹ (là người bị truy đòi tiền cấp dưỡng)

Trường hợp giấy khai sinh của con không thể hiện tên cha hoặc mẹ – người bị truy đòi tiền cấp dưỡng thì người trực tiếp nuôi dưỡng con phải yêu cầu Tòa án công nhận cha/mẹ cho con song song với yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng. Thủ tục này phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều chứng cứ để chứng minh quan hệ huyết thống. Việc xác định cha/mẹ là điều kiện tiên quyết để có thể yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Sau khi được công nhận là cha/mẹ của con, người đó có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ thời điểm con sinh ra. Tòa án có thể quyết định mức cấp dưỡng hồi tố để bù đắp chi phí nuôi con mà bên kia đã bỏ ra. Điều này đảm bảo tính công bằng và bảo vệ quyền lợi của người đã trực tiếp nuôi con trong thời gian qua.

Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con khi chưa có bản án/quyết định có hiệu lực
Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con khi chưa có bản án/quyết định có hiệu lực

Trường hợp đã có bản án/quyết định có hiệu lực của Tòa án

Khi đã có bản án hoặc quyết định buộc cấp dưỡng nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện, người nuôi con có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện cưỡng chế.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án

Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2024 (văn bản hợp nhất) quy định thời hiệu thi hành án là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đơn và thành phần hồ sơ

Thành phần hồ sơ cần nộp đối với yêu cầu thi hành án: 

  • Đơn yêu cầu thi hành án thoả các nội dung cần có theo khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2024 (văn bản hợp nhất);
  • Bản án/Quyết định đã có hiệu lực về truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con; 
  • Tài liệu về thông tin tài sản hoặc điều kiện thi hành của người phải thi hành án (nếu có);
  • Trường hợp ủy quyền phải kèm theo giấy ủy quyền hợp pháp và xuất trình tài khoản định danh điện tử theo quy định của pháp luật hoặc một trong các giấy tờ sau đây: Căn cước công dân, Căn cước, Hộ chiếu, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
  • Trường hợp yêu cầu thi hành án quá hạn, ngoài các tài liệu nêu trên, người yêu cầu thi hành án nộp kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
  • Tài liệu khác có liên quan. 

Lưu ý: Thành phần hồ sơ nộp kèm theo đơn yêu cầu đều là bản sao y, tài liệu nào không thể sao y thì nộp bản photo và giải trình trong đơn yêu cầu. 

Thủ tục thụ lý và ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu

Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu. Hoặc cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:

  • Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này;
  • Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;
  • Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Cơ quan thi hành án dân sự khu vực nơi bản án/quyết định của Toà án nhân dân khu vực đó được ban hành có thẩm quyền thi hành án, vì sau ngày 01/7/2025, đơn vị hành chính cấp huyện không còn do chính sách sáp nhập của Nhà nước.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án hoặc chủ động ra quyết định thi hành án trong một số trường hợp. 

Cơ sở pháp lý: Khoản 4 và khoản 5 Điều 31, Điều 35, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2024 (văn bản hợp nhất).

Xác minh điều kiện thi hành án 

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.

Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án.

Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.

Cơ sở pháp lý: Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2024.

Kê biên, cưỡng chế nếu người phải thi hành án không chấp hành

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Việc xử lý có thể bao gồm phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản hoặc trừ lương. 

Biện pháp đầu tiên là khấu trừ từ lương, thu nhập hàng tháng với tỷ lệ tối đa 50% thu nhập. Biện pháp này đảm bảo người có nghĩa vụ vẫn có thu nhập để sinh sống nhưng ưu tiên tiền cấp dưỡng cho con.

Khi không đủ thu nhập để khấu trừ, cơ quan thi hành án tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án. Tài sản kê biên bao gồm bất động sản, phương tiện giao thông, tài sản có giá trị khác. Việc kê biên được thực hiện công khai và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương để đảm bảo tính minh bạch.

Ngoài ra, cơ quan thi hành án có thể phong tỏa tài khoản ngân hàng, yêu cầu hạn chế xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng chậm thực hiện. Các biện pháp này tạo áp lực mạnh mẽ buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con. 

Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Cơ sở pháp lý: Điều 46 Luật Thi hành án dân sự năm 2024.

Trường hợp không còn tài sản thì lưu hồ sơ thi hành án, xác minh hàng năm theo quy định

Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không còn tài sản để thi hành án, theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, cơ quan thi hành án sẽ lưu hồ sơ và xác minh hàng năm. Việc xác minh định kỳ nhằm phát hiện khi người này có tài sản mới để tiếp tục thi hành. Hồ sơ thi hành án tiền cấp dưỡng được lưu giữ trong suốt thời hạn thời hiệu để đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

Cơ quan thi hành án có trách nhiệm theo dõi, xác minh tình hình tài sản của người phải thi hành án ít nhất mỗi năm một lần. Khi phát hiện có tài sản mới, ngay lập tức tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Người yêu cầu thi hành án cũng có quyền cung cấp thông tin về tài sản của người có nghĩa vụ cấp dưỡng để cơ quan thi hành án xem xét.

Có thể thực hiện thủ tục tố cáo yêu cầu xử lý hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

Việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người trực tiếp nuôi dưỡng con có thể thực hiện thủ tục tố cáo lên Tòa án yêu cầu xử lý hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Hồ sơ nộp Tòa án có thể bao gồm: Bản án/Quyết định truy đòi tiền cấp dưỡng đã có hiệu lực; Đơn yêu cầu thi hành án; Tài liệu về thông tin tài sản hoặc điều kiện thi hành của người phải thi hành án (nếu có); Tài liệu khác có liên quan. 

Cụ thể các biện pháp đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng trốn tránh nghĩa vụ như sau: 

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;
  • Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Cơ sở pháp lý: Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP; Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015.

>> Xem thêm một số bài viết có liên quan về cấp dưỡng nuôi con:

Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con khi đã có bản án/quyết định có hiệu lực
Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con khi đã có bản án/quyết định có hiệu lực

Dịch vụ luật sư trong tranh chấp về cấp dưỡng

Luật sư tại Luật Long Phan PMT cung cấp các dịch vụ pháp lý cụ thể nhằm hỗ trợ Quý khách hàng trong quá trình yêu cầu truy đòi tiền cấp dưỡng:

  • Tư vấn cơ sở pháp lý về nghĩa vụ cấp dưỡng theo Luật Hôn nhân và Gia đình.
  • Soạn thảo đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu thi hành án theo đúng mẫu quy định.
  • Đại diện đương sự làm việc tại Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.
  • Tư vấn và hỗ trợ xác minh điều kiện thi hành án của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
  • Hỗ trợ thực hiện các thủ tục xác định cha/mẹ cho con nếu chưa xác lập quan hệ huyết thống.
  • Soạn thảo đơn tố cáo, kiến nghị xử lý hành vi trốn tránh nghĩa vụ theo quy định hình sự và hành chính.
  • Theo dõi, giám sát tiến độ xử lý hồ sơ tại cơ quan chức năng.

Kết luận

Truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con là quyền hợp pháp được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo quyền lợi trẻ em. Để bảo vệ quyền lợi cho con, Quý khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện truy đòi tiền cấp dưỡng nuôi con bằng các thủ tục pháp lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Nếu còn vướng mắc, Quý khách hàng hãy liên hệ ngay luật sư hôn nhân và gia đình của Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý toàn diện.

Tags: , , , ,

Nguyễn Trần Phương

Luật sư Nguyễn Trần Phương, thành viên Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang là luật sư thành viên tại công ty Luật Long Phan PMT. Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn giải quyết hầu như tất cả các vấn đề liên quan đến Dân sự, hôn nhân gia đình, thừa kế, lao động. Đồng thời trực tiếp tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi khách hàng trong các tranh chấp dân sự . Luôn lấy sự uy tín, tinh thần trách nhiệm lên hàng đầu.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  Miễn Phí: 1900.63.63.87