Các loại thuế mà công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải nộp

Các loại thuế mà công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải nộp là vấn đề được các chủ công ty TNHH hai thành viên trở lên quan tâm. Việc tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tránh được các rủi ro pháp lý. Để tìm hiểu cụ thể quy định về các loại thuế phải nộp và thủ tục đăng ký nộp thuế khi thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Nghĩa vụ nộp thuế của công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Nghĩa vụ nộp thuế của công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Quy định về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau: Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.

Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế.

Như vậy, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên khi được thành lập và trong quá trình hoạt động kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải nộp các loại thuế nào khi thành lập và hoạt động

Lệ phí môn bài

Công ty TNHH hai thành viên trở lên được thành lập theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài. Tuy nhiên, đối với công ty mới thành lập thì được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập.

Mức thu lệ phí môn bài đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên được xác định như sau:

  • Đối với công ty có vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
  • Đối với công ty có vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm.

Trường hợp có sự thay đổi vốn điều lệ thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên mới thành lập thực hiện khai lệ phí môn bài một lần trước ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập. Người nộp lệ phí tiến hành khai lệ phí môn bài bằng việc nộp Tờ khai lệ phí môn bài theo mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 2, điểm a khoản 8 Điều 3 và khoản 1, 2, 4 Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2020/NĐ-CP; khoản 1 Điều 4 Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 65/2020/TT-BTC ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Bộ Tài chính.

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Công ty TNHH hai thành viên trở lên được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty TNHH hai thành viên trở lên phải nộp được xác định theo công thức sau:

Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN

Trong đó:

  1. Thu nhập tính thuế được xác định theo công thức sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định);

  1. Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác;

  1. Thuế suất được xác định tùy vào hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Trường hợp công ty TNHH hai thành viên trở lên Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của công ty về Việt Nam thì được giải quyết như sau:

  • Đối với các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định;
  • Đối với các nước chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp đầu tư chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.

Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Cơ sở pháp lý: Điều 5, 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung 2013; khoản 1 Điều 3 và khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính.

>>>Xem thêm: Các loại chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế mà Công ty TNHH hai thành viên trở lên nộp thay cho người lao động, được tính theo tháng, kê thai theo tháng hoặc quý và kế toán theo năm.

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp được xác định theo công thức sau:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất

Trong đó:

  1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng:

Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế – các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản giảm trừ theo quy định của pháp luật;

  1. Thu nhập chịu thuế được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế;
  2. Thuế suất được xác định dựa vào việc cư trú của người lao động, cụ thể:
  • Đối với người lao động cư trú, thuế suất được xác định theo Biểu thuế lũy tiến từng phần sau:
Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)  Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35
  • Đối với người lao động không cư trú: Thuế suất là 20%.

Cơ sở pháp lý: Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 91/2022/NĐ-CP; Điều 11, 21, 22 và 26 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007; khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài chính.

>>>Xem thêm: Thành lập năm 2024, doanh nghiệp mới được ưu đãi gì về thuế?

Thuế giá trị gia tăng

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng khi công ty sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng trừ trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Thuế giá trị gia tăng được xác định theo hai phương pháp sau:

  1. Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng: Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào;
  2. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng: Thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó.

Mức thuế suất GTGT đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên có các mức 0%, 5%, 10% tùy thuộc vào loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cụ thể của công ty.

Cơ sở pháp lý: Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008; Điều 9, 10 và 11 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013; Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2016.

Thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng

Thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng

>>>Xem thêm: Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp trong năm gồm những gì

Thuế xuất nhập khẩu

Trường hợp công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu thì công ty có trách nhiệm nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định theo một trong các phương pháp sau:

  1. Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế;
  2. Phương pháp tính thuế tuyệt đối: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế;
  3. Phương pháp tính thuế hỗn hợp: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối.

Cơ sở pháp lý: Điều 3, 5 và 6 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

Thuế tài nguyên

Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Thuế tài nguyên 2009 sửa đổi, bổ sung 2022, trường hợp công ty TNHH hai thành trở lên thực hiện hoạt động khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên thì công ty có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên, trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí.

Số thuế tài nguyên công ty TNHH hai thành viên trở lên được xác định như sau:

  • Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Giá tính thuế đơn vị tài nguyên x Thuế suất thuế tài nguyên;
  • Trường hợp được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế tài nguyên phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì: Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác.

Cơ sở pháp lý: Điều 4 Thông tư 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên.

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Bên cạnh các loại thuế nêu trên thì công ty TNHH hai thành viên trở lên phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi công ty sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, trường hợp công ty sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc trường hợp quy định tại Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Số thuế tiêu thụ đặc biệt công ty phải nộp = giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt x thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cơ sở pháp lý: Điều 4 và 5 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008.

>>>Xem thêm: Tặng cho vốn điều lệ có phải nộp thuế không

Thủ tục đăng ký thuế lần đầu đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Hồ sơ

Công ty TNHH hai thành viên trở lên tiến hành đăng ký thuế lần đầu cùng với đăng ký doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký thuế là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Theo đó, hồ sơ để thực hiện thủ tục đăng ký thuế bao gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  2. Điều lệ công ty;
  3. Danh sách thành viên;
  4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 31 Luật Quản lý thuế 2019; Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục đăng ký

Để thực hiện thủ tục đăng ký thuế lần đầu, công ty TNHH hai thành viên trở lên cần tiến hành các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thuế lần đầu

Người nộp thuế tiến hành chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tài liệu đã nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2019, việc đăng ký thuế của công ty TNHH hai thành viên trở lên được thực hiện cùng với đăng ký doanh nghiệp thì địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư – nơi công ty đặt trụ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Bước 3: Nhận kết quả đăng ký thuế

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế theo quy định, Cơ quan thuế cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho công ty TNHH hai thành viên trở lên, với các thông tin sau:

  • Tên người nộp thuế;
  • Mã số thuế;
  • Số, ngày, tháng, năm của giấy phép thành lập và hoạt động;
  • Cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý thuế 2019.

>>>Xem thêm: Nghĩa vụ thuế doanh nghiệp mới thành lập cần thực hiện gồm những gì

Dịch vụ tư vấn thuế cho doanh nghiệp mới thành lập

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh lực luật thuế, chúng tôi cung cấp đến khách hàng dịch vụ tư vấn các vấn đề liên quan đến thuế cho doanh nghiệp mới thành lập, với các nội dung công việc sau:

  • Tư vấn về pháp luật thuế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Tư vấn các loại thuế công ty TNHH 2 thanh viên, 1 thành viên, công ty cổ phần,…phải nộp
  • Hướng dẫn, thực hiện kê khai hồ sơ thuế cho doanh nghiệp mới thành lập;
  • Tư vấn các trường hợp doanh nghiệp được miễn thuế;
  • Tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục miễn, giảm thuế;
  • Tư vấn tổng thể các vấn đề và quy định pháp luật liên quan đến thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cùng các loại thuế khác (nếu phát sinh);
  • Tư vấn một số lưu ý về thuế cuối năm;
  • Hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ khai báo thuế hàng năm.

Trên đây là một số nội dung công việc cơ bản, tuỳ thuộc vào quy mô doanh nghiệp và yêu cầu của khách hàng mà nội dung công việc sẽ khác nhau.

Tư vấn thuế cho doanh nghiệp qua điện thoại

Tư vấn thuế cho doanh nghiệp qua điện thoại

Theo đó, tuỳ thuộc đối tượng kinh doanh, công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn để tránh các rủi ro pháp lý. Nếu quý bạn đọc cần được tư vấn chi tiết hơn về các loại thuế công ty TNHH 2 thành viên phải nộp vui lòng liên hệ với luật sư kế toán – thuế của chúng tôi thông qua số hotline: 1900.63.63.87.

Scores: 4.5 (32 votes)

Tham vấn Luật sư: Trần Tiến Lực - Tác giả: Phạm Thị Hồng Hạnh

Phạm Thị Hồng Hạnh – Chuyên Viên Pháp Lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Tư vấn đa lĩnh vực từ doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, hợp đồng và thừa kế. Nhiệt huyết với khách hàng, luôn tận tâm để giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải. Đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ. Đạt sự tin tưởng của khách hàng.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

o

  Miễn Phí: 1900.63.63.87

Kênh bong đa truc tuyen Xoilacz.co luck8