Có được ủy quyền cho người khác giải quyết tranh chấp ly hôn khi vợ hoặc chồng không có thời gian hoặc không muốn tham gia vì lý do cá nhân. Hiện nay các cặp vợ, chồng thường có xu hướng Ủy quyền giải quyết tranh chấp ly hôn cho người khác đến Tòa án giải quyết tranh chấp ly hôn để tiết kiệm thời gian và công sức. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được ủy quyền khi giải quyết tranh chấp ly hôn. Bài viết của Luật Long Phan PMT dưới đây sẽ thông tin đến quý bạn đọc quy định về ủy quyền khi giải quyết tranh chấp ly hôn hiện nay.
Giải quyết tranh chấp ly hôn
Mục Lục
Quy định của pháp luật về ủy quyền
Ủy quyền là việc các bên thỏa thuận với nhau về việc bên được ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc nhất định nhân danh bên ủy quyền.
Căn cứ theo Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ xác lập quyền đại diện, quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Về hình thức, căn cứ Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp luật ghi nhận hình thức ủy quyền bằng văn bản của các bên, tuy nhiên không có quy định không được ủy quyền bằng hình thức khác.
Hiện nay, pháp luật dân sự quy có quy định về ủy quyền thông qua hợp đồng. Căn cứ theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Về thời hạn của hợp đồng ủy quyền, căn cứ Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn hợp đồng ủy quyền được quy định như sau:
- Các bên thỏa thuận về thời hạn ủy quyền hoặc theo quy định pháp luật về thời hạn ủy quyền;
- Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Trên đây là một số quy định của pháp luật dân sự về vấn đề ủy quyền.
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, quyền yêu cầu giải quyết ly hôn ngoài vợ, chồng thì trong một số trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
>> Xem thêm:
Có thể ủy quyền cho Luật sư thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương không?
Quy định về ủy quyền khi ly hôn
Có được ủy quyền để giải quyết tranh chấp ly hôn không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Mặt khác Điều 39 Bộ luật dân sự 2015 quy định ly hôn là một trong các quyền nhân thân nên không được ủy quyền.
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam không cho phép ủy quyền cho người khác giải quyết tranh chấp ly hôn. Trong một số trường hợp thì cha, mẹ, người thân thích khác có thể thay mặt vợ hoặc chồng tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện.
>>> Xem thêm: Có được ủy quyền cho luật sư thực hiện thủ tục ly hôn không
Ủy quyền giải quyết ly hôn
Phạm vi được ủy quyền khi giải quyết tranh chấp ly hôn
Theo như quy định đã nêu trên chỉ có quy định vợ, chồng không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trong vụ án ly hôn chứ không cấm đương sự ủy quyền cho người khác thay mình nộp đơn ly hôn. Vì thế vợ, chồng có thể thực hiện ủy quyền cho người khác thay mình nộp đơn ly hôn tại Tòa án theo quy định của pháp luật về ủy quyền.
Mặc khác, trong tranh chấp ly hôn thường có 03 yêu cầu để Tòa án giải quyết: yêu cầu ly hôn, yêu cầu được nuôi con chung, việc cấp dưỡng; và yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung.
- Đối với việc ly hôn, khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã quy định, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện. Đồng thời Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014 đã quy định ly hôn là quyền nhân thân của cá nhân. Như vậy, đối với việc ly hôn, đây là quyền nhân thân gắn với cá nhân nên không được phép ủy quyền tham gia tố tụng khi giải quyết ly hôn.
- Đối với yêu cầu được nuôi con chung, việc cấp dưỡng được quy định là quyền nhân thân quy định tại Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014. Vì đó là quyền nhân thân gắn với cá nhân nên không được ủy quyền cho người khác giải quyết vấn đề nuôi con chung khi ly hôn.
- Yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung không gắn liền với quyền nhân thân tại Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014 nên có thể ủy quyền cho người khác mà không gây ảnh hưởng đến việc xét xử. Từ đó vợ, chồng vẫn có thể ủy quyền cho người khác tham gia giải quyết tranh chấp chỉ đối với việc phân chia tài sản trong vụ án ly hôn
Như vậy, vợ, chồng có thể Ủy quyền giải quyết tranh chấp ly hôn cho người khác nộp đơn ly hôn, giải quyết vấn đề phân chia tài sản chung, nợ chung trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn.
>>>Xem thêm: Phạm vi ủy quyền và hậu quả khi vượt quá phạm vi ủy quyền
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn
Khi muốn ly hôn, vợ, chồng phải gửi đơn ly hôn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn.
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn cấp sơ thẩm, ngoại trừ các tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thuộc thẩm quyền tòa án nhân dân cấp tỉnh
Nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.
Nếu vợ hoặc chồng đơn phương ly hôn, căn cứ theo Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận bằng văn bản về lựa chọn Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết thì Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc sẽ thụ lý giải quyết
Do đó, trong trường hợp đơn phương ly hôn, Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết sẽ là nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn nếu có thỏa thuận
Như vậy, khi tiến hành tranh chấp ly hôn hay thuận tình ly hôn thì vợ, chồng phải nộp đơn đến cơ quan Tòa án có thẩm quyền giải quyết để được thụ lý giải quyết.
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp ly hôn
Khi sử dụng dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp ly hôn, luật sư của Luật Long Phan PMT cung cấp dịch vụ luật sư giải quyết ly hôn chuyên nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động như sau:
- Tư vấn các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp ly hôn;
- Tư vấn hướng giải quyết ly hôn khi một bên cố tình trốn tránh
- Tư vấn thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt chồng hoặc vợ
- Hướng dẫn giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn
- Tư vấn giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con sau ly hôn
- Tư vấn về chuẩn bị hồ sơ tranh chấp ly hôn;
- Tư vấn soạn thảo đơn yêu cầu, đơn khởi kiện và các đơn từ khác trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn;
- Luật sư đại diện theo ủy quyền, trực tiếp nộp đơn giải quyết tranh chấp ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi pháp luật cho phép;
- Luật sư tham gia tư cách đại diện ủy quyền đối với tranh chấp tài sản trong vụ án ly hôn hoặc tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thân chủ.
Tư vấn Ủy quyền giải quyết tranh chấp ly hôn
Ủy quyền giải quyết tranh chấp ly hôn sẽ bị giới hạn theo quy định của pháp luật. Khi tiến hành ủy quyền giải quyết tranh chấp ly hôn cần phải tuân thủ theo đúng pháp luật thì mới được chấp thuận. Nếu bạn cần hỗ trợ hay có thắc mắc nào cần giải đáp liên quan đến giải quyết tranh chấp ly hôn hoặc có nhu cầu sử dụng Dịch vụ ly hôn nhanh trọn gói giá rẻ hãy liên hệ Luật sư Tư vấn luật Hôn nhân và Gia đình của Luật Long Phan PMT qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ tốt nhất.
Bài viết bạn có thể quan tâm:
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.