Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ được quy định tại Điều 208, 209 và 210 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Mục đích của phiên họp là kiểm tra việc giao nộp chứng cứ, quyền được biết và tiếp cận tài liệu chứng cứ của các đương sự, việc công khai các tài liệu chứng cứ của Tòa án. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giải đáp rõ ràng vấn đề này cho Quý độc giả.
Bắt buộc phải mở phiên họp trước khi quyết định đưa vụ án ra xét xử
Mục Lục
Phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ là gì?
Hiện không có quy định cụ thể về khái niệm của phiên họp này. Tuy nhiên, ngay từ bản thân tên gọi, có thể thấy rằng đây là phiên họp nhằm được tiến hành bởi Thẩm phán, với ba nội dung chính:
- Kiểm tra việc giao nộp chứng cứ
- Kiểm tra quyền được biết và tiếp cận tài liệu chứng cứ của các đương sự
- Kiểm tra việc công khai các tài liệu chứng cứ của Tòa án.
Bên cạnh đó, thông qua phiên họp, đương sự có thể gửi bản sao đơn khởi kiện và tiếp cận tài liệu của đương sự còn lại.
Thẩm phán có thể nghiên cứu kỹ càng hơn thông qua phiên họp trong quá trình chuẩn bị xét xử, từ đó bảo đảm quá trình xét xử được công bằng, khách quan, nhanh chóng. Ví dụ như làm sáng tỏ các tình tiết vụ án thông qua lời khai của các đương sự (quá trình lấy lời khai có thể diễn ra trực tiếp hoặc thực hiện thông qua hình thức gửi văn bản để đương sự chuẩn bị).
Việc hòa giải được tiến hành trong phiên họp này, tuy nhiên không mang tính bắt buộc. Nếu tiến hành hòa giải, phiên họp được gọi đầy đủ là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Cần lưu ý rằng việc mở phiên họp và việc hòa giải là hai vấn đề khác nhau. Do đó, phiên hòa giải giữa các đương sự có thể không diễn ra, nhưng phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ bắt buộc phải được Thẩm phán tổ chức.
Thời điểm mở phiên họp: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử (khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Trước khi mở phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 208 Bộ luật này, đối với những vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp, Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp.
Đối với vụ án dân sự tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.
Thẩm phán có thẩm quyền tiến hành phiên họp
>> Xem thêm: Hướng Dẫn Thủ Tục Phản Tố Trong Vụ Án Dân Sự
Thành phần phiên họp
Căn cứ Điều 209 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thành phần phiên họp bao gồm:
- Thẩm phán chủ trì phiên họp;
- Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp;
- Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;
- Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động, trừ vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động, người lao động. Trường hợp đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động không tham gia hòa giải thì phải có ý kiến bằng văn bản;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có): luật sư, pháp chế doanh nghiệp, v.v. ;
- Người phiên dịch (nếu có).
- Trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp.
Chú ý: Theo khoản 2 Điều 209 Bộ luật này, đối với vụ án về hôn nhân và gia đình, Thẩm phán yêu cầu đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phiên họp.
Trình tự, thủ tục tiến hành
Đương sự trình bày ý kiến tại phiên họp
Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thủ tục tiến hành gồm các bước sau:
- Thư ký Tòa án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên họp kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật này.
- Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:
- Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;
- Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;
- Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
- Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.
- Sau khi các đương sự đã trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.
>> Xem thêm: Tài Liệu Chứng Minh Đối Tác Vi Phạm Hợp Đồng Khi Khởi Kiện Như Thế Nào ?
Vai trò của luật sư trong phiên họp
Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đạt được hiệu quả cao phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị, kỹ năng, vai trò và kinh nghiệm của Thẩm phán. Thẩm phán cần làm sáng tỏ bản chất vụ án để đưa ra phán quyết công bằng nhất, nhờ vào việc có đầy đủ nhất các chứng cứ, lời khai của các đương sự.
Nhưng với những trường hợp phức tạp, Thẩm phán có thể hoãn phiên họp để thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng cứ. Việc hoãn và mở phiên họp nhiều lần gây tốn kém về thời gian, chi phí cho các đương sự.
Chính vì vậy, việc có một luật sư am hiểu pháp luật sẽ giúp cho khách hàng tiết kiệm thời gian, chuẩn bị đủ hồ sơ, đơn từ, biểu mẫu và giúp việc hòa giải, xét xử tiến hành nhanh chóng.
Như vậy, qua bài viết trên, chúng tôi làm rõ về ý nghĩa của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trong trường hợp Quý khách cần tư vấn pháp lý, hoặc quan tâm đến các gói dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ chúng tôi theo Hotline 1900.63.63.87 để được Tư vấn luật Dân sự. Trân trọng./
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.