Việc quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án sẽ góp phần tích cực trong việc, khuyến khích các bên trong quan hệ dân sự lựa chọn phương thức hòa giải khi có tranh chấp phát sinh. Việc quy định như vậy nhằm bảo vệ kịp thời các lợi ích chính đáng của người dân, phát triển các giao dịch dân sự cũng như duy trì ổn định trật tự xã hội . Bài viết dưới đây của Luật Long Phan PMT sẽ giúp các bạn đọc, hiểu về một trình tự, thủ tục yêu cầu công nhận hòa giải thành ngoài tòa án.
Trình tự, thủ tục yêu cầu công nhận hòa giải thành ngoài tòa án
>>Xem thêm: Quyết định công nhận thỏa thuận có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm không?
Mục Lục
Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án
Năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia thỏa thuận hòa giải
Khoản 1 Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Theo quy định này thì các bên khi tham gia vào việc hòa giải phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, mà năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, căn cứ tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là người đủ 18 tuổi và là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, tương tự như những quan hệ pháp luật khác, để có thể tham gia vào việc thỏa thuận hòa giải thì điều kiện tiên quyết là các bên tham gia phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Chỉ khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì các bên mới có đủ khả năng thể hiện ý chí của mình một cách chính xác và đầy đủ nhất. Do vậy, pháp luật tố tụng quy định kết quả hòa giải thành ngoài tòa án chỉ có thể được công nhận khi và chỉ khi kết quả đó do những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tham gia thỏa thuận.
Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải
Khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
Điều kiện này rất hợp lý bởi lẽ quan hệ dân sự là những mối quan hệ được hình thành dựa trên sự tự do thỏa thuận, tự do ý chí giữa các bên đương sự. Do vậy, khi phát sinh tranh chấp các bên trong quan hệ đó có quyền tham gia thỏa thuận hòa giải để giải quyết. Trong trường hợp thỏa thuận hòa giải thành thì các bên tham gia thỏa thuận có nghĩa vụ tuân thủ những nội dung mà mình đã cam kết. Chính vì vậy mà người tham gia thỏa thuận hòa giải phải là người có quyền và nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Nếu việc thỏa thuận liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thứ ba thì cần phải có sự đồng ý của người sau cùng này nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nội dung thỏa thuận.
Việc nộp đơn yêu cầu tòa án công nhận
Khoản 3 Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định một trong những điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án là một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu tòa án công nhận.Việc tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án được thực hiện theo thủ tục việc dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Tố tụng dân sự do đó tòa án không đương nhiên xem xét, công nhận. Nói cách khác, tòa án chỉ thực hiện việc xem xét, công nhận khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên đã tham gia thỏa thuận hòa giải.
Ngoài ra, nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Có thể thấy nguyên tắc cơ bản được thể hiện xuyên suốt trong việc phát sinh, thực hiện, chấm dứt các quan hệ dân sự là bình đẳng, tự do ý chí, tự do thỏa thuận cho nên việc hòa giải giải quyết tranh chấp cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản này.
Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án
>>Xem thêm: Những quy định giải quyết đất đang tranh chấp
Đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án
Về hình thức yêu cầu, theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án phải thực hiện dưới hình thức bằng văn bản theo Mẫu số 01-VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án gồm:
- Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 2 Điều 362 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải
- Nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu tòa án công nhận.
Ngoài ra, khi yêu cầu người yêu cầu còn phải gửi kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Về thời hạn yêu cầu, cũng theo quy định của điều luật nêu trên việc yêu cầu phải được thực hiện trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.
Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án
Thủ tục nhận đơn, xử lý đơn
Thủ tục nhận đơn, xử lý đơn yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành ngoài tòa án (Điều 363 Bộ luật tố tụng dân sự 2015), thủ tục trả lại đơn yêu cầu (Điều 364 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) và thông báo thụ lý đơn yêu cầu (Điều 365 Bộ luật tố tụng dân sự 2015), tòa án áp dụng theo thủ tục chung giải quyết việc dân sự.
Thời hạn chuẩn bị xét xử đơn
Căn cứ Khoản 2 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Sau khi hết thời hạn này tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu và phiên họp này phải được mở trong thời hạn 10 ngày tiếp theo kể từ ngày ra quyết định nêu trên.
Tòa án chỉ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án trong trường hợp có đủ các điều kiện công nhận theo quy định. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Trong trường hợp không đủ một trong các điều kiện quy định thì tòa án ra quyết định không công nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý việc không công nhận của tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án
>>>Xem thêm: Các trường hợp phải tiến hành hòa giải trước phiên toàn dân sự
Trên đây là bài viết về “Trình tự, thủ tục yêu cầu công nhận hòa giải thành ngoài tòa án”. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc cũng như có nhu cầu TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ, nhu cầu về luật sư dân sự hoặc các vấn về pháp lý khác hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo HOTLINE 1900.63.63.87 để được phía công ty chúng tôi tư vấn hỗ trợ. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.