Hành vi lái xe trong trạng thái say xỉn là hành vi vi phạm pháp luật. Khi người điều khiển xe trong trạng thái say xỉn gây tai nạn cho người khác hoặc chính mình có đặt ra nghĩa vụ bảo hiểm hay không? Ai sẽ là người bồi thường cho nạn nhân và các tài sản thiệt hại từ tai nạn? Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến vấn đề này đến quý bạn đọc.
Tranh chấp về nghĩa vụ bảo hiểm khi điều khiển xe gây tai nạn trong trạng thái say xỉn
>> Xem thêm: Say xỉn lái xe gây tai nạn chết người thì bao nhiêu năm tù? cách hưởng tình tiết giảm nhẹ tội nhất
Mục Lục
Điều khiển xe gây tai nạn khi say xỉn có được thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không?
Tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Do vậy, việc lái xe khi say xỉn là một hành vi ảnh hưởng xấu đến xã hội và khi đạt đến nồng độ nhất định sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật sẽ là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại.
Kết luận, nếu người lái xe gây tai nạn khi say xỉn sẽ là một trong các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và công ty bảo hiểm sẽ không có nghĩa vụ bồi thường.
Lái xe gây tai nạn trong trạng thái say xỉn là điều khoản miễn trừ bảo hiểm
>> Xem thêm: Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản giải quyết như thế nào?
Ai có nghĩa vụ bồi thường khi điều khiển xe gây tai nạn trong trạng thái say xỉn
Đây là một trường hợp miễn trừ bảo hiểm do vậy người có nghĩa vụ bồi thường khi điều khiển xe gây tai nạn trong trạng thái say xỉn chính là người điều khiển xe hoặc người chủ của phương tiện đã gây tai nạn.
Tùy theo độ tuổi khi gây tai nạn thì người có nghĩa vụ bồi thường khi điều khiển xe gây tai nạn sẽ khác nhau theo quy định của Điều 586 Bộ luật dân sự 2015.
Nếu người điều khiển xe gây tai nạn trong trạng thái say xỉn là người đã từ đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì chính họ là người có nghĩa vụ bồi thường.
Trong trường hợp người điều khiển xe gây tai nạn trong trạng thái say xỉn là người chưa đủ 15 tuổi thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường và người gây tai nạn có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Trong trường hợp người gây tai nạn trong trạng thái say xỉn là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì phải tự bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của họ.
Việc bồi thường này có thể do các bên tự thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật dân sự.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 có nêu trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
Phương tiện giao thông đường bộ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ bởi khi lưu thông trên đường và xảy ra va chạm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau mặc dù người sử dụng phương tiện đã sử dụng các biện pháp bảo hộ.
Nếu người bị tai nạn do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu phải có trách nhiệm bồi thường cho bên bị hại. Mức bồi thường sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau.
Đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân khi bị tai nạn do người lái xe trong trạng thái say xỉn mà không được bảo hiểm
Hỗ trợ 10%-30% cho nạn nhân nếu loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
>> Xem thêm: Nguyên tắc giải thích khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng
Theo Điều 27 Nghị định 03/2021, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích tối đa 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề để đóng vào quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Quỹ bảo hiểm xe cơ giới chỉ được sử dụng cho một số mục đích nhất định, trong đó có chi hỗ trợ nhân đạo. Cụ thể, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm ( trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại), quỹ bảo hiểm sẽ chi 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/người/vụ đối với trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/người/vụ đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Trường hợp doanh nghiệp đã tạm ứng bồi thường nhưng tai nạn được xác định thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc khoản tiền tạm ứng vượt mức bồi thường, ban điều hành quỹ bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm hoàn trả số tiền trên cho doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi liên quan đến Tranh chấp về nghĩa vụ bảo hiểm khi điều khiển xe gây tai nạn trong trạng thái say xỉn. Qua nội dung tư vấn như trên, nếu quý đọc giả còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này xin liên hệ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hoặc có nhu cầu tìm LUẬT SƯ DÂN SỰ để hỗ trợ, vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 1900.63.63.87. Xin cám ơn!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.