Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bị phạt bao nhiêu năm tù

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bị phạt bao nhiêu năm tù là câu hỏi pháp lý cần lời giải đáp từ luật sư. Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, hình phạt cho hành vi này có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt khi có chứng cứ cho thấy việc xâm phạm được thực hiện có chủ ý, gây thiệt hại cho đối tượng sở hữu. Bài viết sau sẽ tìm hiểu các quy định cụ thể trong việc xác định mức độ phạt cho tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan

Pháp luật về sở hữu trí tuệ đã quy định cụ thể về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó:

Một là, về quyền tác giả

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo đó, quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm đó được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ cũng như không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã công bố hay chưa công bố.

Hai là, về quyền liên quan

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022). Theo đó, quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Tóm lại, quyền tác giả bảo vệ sự sáng tạo của các tác phẩm và đảm bảo cho người sáng tạo được công nhận và thưởng cho công lao của mình. Trong khi đó, quyền liên quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của những người tham gia vào việc sản xuất và phân phối các tác phẩm.

Cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Trong khoa học pháp lý hình sự, một hành vi chỉ được xem là tội phạm khi thỏa mãn 04 mặt của cấu thành tội phạm. Cụ thể:

Thứ nhất, Khách thể của tội phạm

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ.

Thứ hai, Mặt khách quan của tội phạm

Về hành vi

  • Có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình là hành vi nhân bản (sao chép) toàn bộ hoặc một phần tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình (như in ấn thành sách, photocopy, ghi băng các tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình) mà không xin phép hay xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý;
  • Có hành vi phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình là hành vi kinh doanh (bán, cho thuê,…) các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình trên thị trường hoặc bằng hình thức khuyến mại (khi bán các hàng hóa khác) bằng các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà không xin phép hay xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ cấu thành tội này.

Dấu hiệu khách quan khác.

Hành vi cấu thành tội phạm khi vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Thứ ba, Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) sửa đổi, bổ sung 2017.

Thứ tư, Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan gây ra thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả , quyền liên quan. Người phạm tội lường trước được hậu quả có thể xảy ra nhưng mong muốn hậu quả xảy ra nên vẫn cố ý thực hiện các hành vi vi phạm.

Mục đích thực hiện tội phạm này thường là tư lợi cá nhân hoặc mục đích vụ lợi cá nhân với động cơ vụ lợi.

Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bị phạt bao nhiêu năm tù?

Theo quy định tại Điều 225 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có 2 khung hình phạt chính áp dụng cho cá nhân phạm tội và pháp nhân thương mại, cụ thể:

Đối với cá nhân phạm tội

Thứ nhất, cá nhân phạm tội theo khung 1 (thuộc cấu thành tội phạm cơ bản) bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu thiệt hại do hậu quả của tội phạm xảy ra có quy mô thương mại, hoặc người phạm tội thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 300 triệu, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền từ 100 triệu đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đến dưới 500 triệu.

Thứ hai, nếu xuất hiện một trong năm tình tiết tăng nặng dưới đây thì người phạm tội cá nhân bị tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khung 2, cụ thể là bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Phạm tội có tổ chức;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
  • Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
  • Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài áp dụng các hình phạt chính, người phạm tội cá nhân còn có thể bị phạt bổ sung gồm phạt tiền (nếu hình phạt chính không phải là phạt tiền) từ 20 triệu đến 200 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Như vậy, mức hình phạt cao nhất của tội danh này đối với cá nhân phạm tội sẽ là 03 năm tù.

>>>Xem thêm: Tội xâm phạm quyền tác giả bị phạt bao nhiêu năm tù?

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Đối với pháp nhân thương mại, ngoài việc đảm bảo 4 điều kiện phát sinh trách nhiệm hình sự được quy định ở Điều 75 BLHS 2015 thì:

Pháp nhân thương mại có thể bị xem là phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan một cách độc lập với người phạm tội cá nhân và bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng nếu thiệt hại vật chất (hậu quả) gây ra đạt ngưỡng tối thiểu quy thành tiền, gồm:

  • Thu lợi bất chính từ 200 triệu đến dưới 300 triệu, hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 200 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong hành vi quy định ở điều luật này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Gây thiệt hại cho chủ thể quyền từ 300 triệu đến dưới 500 triệu, hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 300 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong hành vi quy định ở điều luật này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đến 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đến dưới 300 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong hành vi quy định ở điều luật này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Bên cạnh đó, giống với trường hợp người phạm tội cá nhân thỏa mãn cấu thành tội phạm định khung tăng nặng theo khung 2 Điều 225 BLHS 2015 thì pháp nhân thương mại (nếu được xác định vẫn thỏa mãn 4 điều kiện theo Điều 75 BLHS 2015) cũng bị tăng hình phạt theo điểm b Khoản 4 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 theo mức là bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung gồm phạt tiền từ 100 triệu đến 300 triệu (nếu hình phạt chính không áp dụng hình phạt tiền), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực từ 01 năm đến 03 năm.

>>>Xem thêm: Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Luật sư tư vấn tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Sự phát triển của công nghệ và viễn thông đã mở ra cánh cửa cho việc truy cập dễ dàng đến thông tin và tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại một loạt các thách thức pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực bản quyền và quyền liên quan. Hiểu được những rủi ro và vấn đề pháp lý mà cá nhân và doanh nghiệp có thể phải đối mặt khi liên quan đến tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, Luật Long Phan cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn gồm các nội dung như sau:

  • Tư vấn xác định các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Tư vấn hướng giải quyết tranh chấp cho hành vi xâm phạm cụ thể quyền tác giả;
  • Tư vấn luật về cách thức giải quyết tranh chấp, đưa ra ưu điểm, nhược điểm của các bên tranh chấp. Đưa ra phương án có lợi cho thân chủ trong quá trình giải quyết, đàm phán hoặc hòa giải (nếu có);
  • Hỗ trợ, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ để thực hiện thủ tục khởi kiện, chuẩn bị các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện khi bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Hướng dẫn soạn thảo đơn từ và các công văn liên quan gửi cho bên xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Tư vấn thủ tục tố tụng tại Tòa án
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý khác liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Tư vấn về tội xâm phạm quyền tác giả

Tư vấn về tội xâm phạm quyền tác giả

>>>Xem thêm: Luật sư tư vấn khi quyền tác giả bị xâm phạm

Trong thực tế, việc xác định án phạt cụ thể cho tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan có thể phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính chất nghiêm trọng của vi phạm, mức độ tổn thất gây ra cho chủ sở hữu bản quyền và hậu quả của việc vi phạm. Do đó, để tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi của bản thân, việc tuân thủ luật pháp và tôn trọng quyền tác giả là vô cùng quan trọng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc, vui lòng liên hệ luật sư hình sự của Luật Long Phan qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ kịp thời.

Trần Hạo Nhiên

Trần Hạo Nhiên - Chuyên viên pháp lý tại Công ty Luật Long Phan PMT. Chuyên tư vấn các vấn đề pháp luật về hình sự, đại diện làm việc với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  Miễn Phí: 1900.63.63.87