Thủ tục chuyển giao quyền yêu cầu trong hợp đồng dân sự hiện nay được rất nhiều chủ thể quan tâm. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật có liên quan. Vậy pháp luật có những quy định cụ thể như thế nào về vấn đề này. Sau đây, Luật Long Phan xin trình bày một số thông tin như sau:
Chuyển giao quyền yêu cầu
Mục Lục
- 1 Chuyển giao quyền yêu cầu là gì?
- 2 Hình thức chuyển giao quyền yêu cầu
- 3 Nghĩa vụ cung cấp và chuyển giao giấy tờ
- 4 Điều kiện chuyển giao quyền yêu cầu
- 5 Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- 6 So sánh chuyển giao quyền yêu cầu và ủy quyền thực hiện công việc
Chuyển giao quyền yêu cầu là gì?
Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận giữa bên có quyền với bên thứ ba (bên thế quyền) nhằm chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thứ ba đó. Bên thế quyền là chủ thể mới, có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với mình.
Theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015 về chuyển giao quyền yêu cầu:
Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
- Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.
Hình thức chuyển giao quyền yêu cầu
Hình thức chuyển giao quyền yêu cầu
Bộ luật Dân sự 2015 không quy định cụ thể về hình thức chuyển giao quyền yêu cầu. Tuy nhiên, chuyển giao quyền yêu cầu là một thỏa thuận dân sự nên nó có hình thức của một giao dịch dân sự. Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, hình thức của giao dịch dân sự được quy định như sau:
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
- Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Nghĩa vụ cung cấp và chuyển giao giấy tờ
Theo quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015, nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ được quy định như sau:
- Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền.
- Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Điều kiện chuyển giao quyền yêu cầu
Thứ nhất, quyền yêu cầu phải là quyền yêu cầu có hiệu lực về mặt pháp lý và không thuộc trường hợp pháp luật không cho phép chuyển giao quyền yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015. Các trường hợp không được chuyển giao quyền yêu cầu:
Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
Thứ hai, khi thực hiện chuyển giao quyền yêu cầu, bên có quyền phải thông báo cho bên có nghĩa vụ biết. Mặc dù về nguyên tắc không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác), tuy nhiên bên có quyền phải thông báo cho bên có nghĩa vụ bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu.
Thứ ba, trong trường hợp chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thì biện pháp bảo đảm cũng được chuyển giao theo quy định tại Điều 368 Bộ luật Dân sự 2015.
Thứ tư, người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền, nếu không thực hiện mà xảy ra thiệt hại thì người chuyển giao quyền yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.
So sánh chuyển giao quyền yêu cầu và ủy quyền thực hiện công việc
Ủy quyền thực hiện công việc
Chuyển giao quyền yêu cầu và ủy quyền thực hiện công việc hai thuật ngữ pháp lý khác nhau, có những điểm khác nhau như sau:
Thứ nhất, về khái niệm: Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận giữa bên có quyền với bên thứ ba (bên thế quyền) nhằm chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thứ ba đó. Bên thế quyền là chủ thể mới, có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với mình. Ủy quyền thực hiện công việc là sự thỏa thuận giữa bên được ủy quyền và bên ủy quyền, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Thứ hai, về thù lao: Chuyển giao quyền yêu cầu không có thù lao. Ủy quyền thực hiện công việc có trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
Thứ ba, về trách nhiệm pháp lý: Đối với chuyển giao quyền yêu cầu, bên chịu trách nhiệm có thể là bên chuyển quyền hoặc bên nhận chuyển quyền hoặc liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo từng trường hợp. Đối với ủy quyền thực hiện công việc, bên ủy quyền sẽ là người phải chịu trách nhiệm pháp lý trước tiên đối với các vi phạm xảy ra trong phạm vi ủy quyền cũng như với bên thứ ba (nếu có).
>> Xem thêm: TƯ VẤN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Thủ tục chuyển giao quyền yêu cầu trong hợp đồng dân sự. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào, xin vui lòng liên hệ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn kịp thời và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn.
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Luật Long Phan PMT chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng Luật Long Phan PMT sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.